28/05/2022 - 09:55

Trợ lực vượt khó   

Trong cuộc sống, có lẽ ai cũng từng trải qua những giai đoạn bị căng thẳng, áp lực. Ðối với phụ nữ, tình trạng này xảy ra thường xuyên hơn bởi ngoài công việc cơ quan, chị em còn phải quán xuyến nhà cửa, chăm sóc con cái… cùng bao nỗi lo toan khác. Tùy vào hoàn cảnh, mỗi người có sự giải tỏa khác nhau. Phương cách đa số chị em lựa chọn là tìm sự trợ giúp từ gia đình, người thân, bạn bè, nỗ lực vượt qua khó khăn. 

Nhiều gia đình có người thân hỗ trợ chăm sóc con cái, phụ huynh yên tâm đi làm.

Sau khi chị Mỹ Ngọc (quận Cái Răng) sinh con gái thứ 3, chồng được điều chuyển công tác đến tỉnh khác. Hai con trai sinh đôi học lớp 4 cần người đưa đón hằng ngày, gia đình nội ngoại thì ở xa, không ai phụ giúp, chị Ngọc quay cuồng với công việc. Qua bạn bè giới thiệu, chị Ngọc tìm được người tin cậy đưa rước 2 con trai, ban đêm chị tranh thủ dạy con học. Trước đây, gần nhà chị Ngọc có người quen chăm trẻ rất mát tay, chị định sau khi nghỉ hộ sản, đi làm, sẽ gởi em bé. Nào ngờ người này đột ngột về quê, chị Ngọc chưa biết nhờ cậy ai trông con, việc nhà rối như canh hẹ. Không có điều kiện thuê người giúp việc nên chị Ngọc làm hết, không còn thời gian nghỉ ngơi, sức khỏe giảm sút.

Chị Ngọc kể: “Có thời điểm tôi căng thẳng quá nên mất ngủ, sụt cân, rụng tóc, sau đó bị mất sữa, tâm trạng lúc nào cũng cảm thấy bất an. Nhiều lúc mệt mỏi không kiềm chế được, la mắng con cái, nhà cửa lộn xộn. Những đêm nghĩ tới cảnh sắp đi làm mà chưa biết tính sao với con gái nhỏ, tôi tủi thân khóc miết. Chịu đựng không nổi, tôi đành gọi điện nói rõ sự tình, nhờ má chồng và má ruột hỗ trợ”. Thấu hiểu hoàn cảnh chị Ngọc, người thân sắp xếp lên ngay. Bên nội và bên ngoại hứa sẽ thay phiên phụ giữ cháu đến tuổi đi nhà trẻ. Có ông bà, cô dì giúp đỡ trong ngoài, chị Ngọc an tâm đi làm. Thấy con dâu cực quá, má chồng kêu đi tập thể dục, mua sắm quần áo… tút tát lại ngoại hình. Mới đó mà hơn 4 tháng, có điểm tựa gia đình, chị Ngọc lấy lại tinh thần, giữ sức khỏe tốt, nỗ lực kiếm tiền nuôi con.  

Hoàn tất xong thủ tục ly hôn, chị L bán căn nhà cũ ở huyện Cờ Ðỏ, thuê nhà ở quận Ninh Kiều để tiện đi làm. Theo thỏa thuận, con trai 7 tuổi sống cùng chị L, chồng cũ chu cấp. Trước đây, do quá trình chị L mang thai không thuận lợi, sinh khó nên con không được khỏe như bạn cùng lứa, hay bị bệnh. Chồng cũ chu cấp một thời gian thì quên luôn nghĩa vụ này, mình chị L gánh vác. Vết thương lòng bị phản bội quá lớn thêm lo toan kinh tế khiến chị L căng thẳng, u uất, tính khí thay đổi thất thường, hay quên. Có giai đoạn chị L bị mất ngủ triền miên, bỏ mặc bản thân, hay có những suy nghĩ tiêu cực. Không biết tâm sự cùng ai, chị L thường gọi điện khóc với mẹ. Biết con đang gặp vấn đề về tinh thần, mẹ chị L đến ở cùng, đề phòng bất trắc. Vì trước đây, chị L từng bị cú sốc cha mất, trầm cảm, có ý định tự tử, phải điều trị tâm lý.

Bên cạnh việc lo thuốc thang, nấu ăn bồi bổ sức khỏe, mẹ chị L quan tâm hỏi han, trò chuyện cho con giải tỏa. Nhờ vậy, chị L bớt căng thẳng, buông bỏ dần chuyện cũ, tập trung cho công việc, làm quen với nhịp sống mới. Thời gian rảnh rỗi, chị cùng mẹ đi học yoga, nấu ăn, cắm hoa… Con trai chăm ngoan, hiếu thảo còn là liều thuốc tinh thần để chị L có thêm niềm vui, viết trang đời khác cho mình.

Chị Ðào Thị Yến Trang (quận Bình Thủy) chia sẻ: “Sau khi vượt qua nhiều biến cố, tôi thấy thật may mắn khi có người thân, bạn bè cạnh bên. Nếu không có sự trợ giúp này, chưa biết tôi sẽ ra sao?”. Tốt nghiệp đại học, chị Trang lập gia đình, sinh con. Khi con được 2 tuổi thì chị Trang phát hiện có khối u trong não, phải mổ gấp. Ban đầu chị suy sụp, định buông xuôi vì chi phí quá cao, mẹ và chồng hết lời động viên. Nhìn cảnh mẹ già, con nhỏ, em trai đang học đại học, với vai trò là chị lớn, phải có trách nhiệm gánh vác, chị Trang nhờ bạn bè hỗ trợ vay tiền làm phẫu thuật, cố gắng điều trị đúng phác đồ để nhanh bình phục. Suốt mấy tháng trời trong bệnh viện, chồng chị luôn túc trực bên vợ. Khi về nhà, chị Trang lại đối diện với khó khăn khác là vợ chồng cùng bị mất việc.  Không thể kéo dài tình cảnh này, chị nhờ người thân, bạn bè hỗ trợ tìm việc khác.

Một người bà con giới thiệu chồng chị Trang vào làm tài xế chở hàng cho công ty kinh doanh vật liệu xây dựng, còn chị làm báo cáo, sổ sách… Phần lớn tiền lương chị Trang dành trả nợ, chi tiêu tiết kiệm nên cũng tạm ổn. Thấy chị cực khổ, em trai cũng tìm việc làm thêm, mẹ chị Trang thì phụ giữ cháu ngoại, nấu ăn để con cái yên tâm đi làm. Cứ thế, có điểm tựa gia đình, bạn bè và người chồng yêu thương luôn kề vai sát cánh, chị Trang từng bước vượt qua giai đoạn khủng hoảng…

Cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận lợi, suôn sẻ. Nếu xảy ra chuyện ngoài ý muốn, người trong cuộc cần bình tĩnh tìm cách giải quyết. Khi lo lắng, stress, không nên chịu đựng, che giấu, kìm nén vì dễ tích tụ cảm xúc tiêu cực, lâu ngày sinh tâm bệnh, rất nguy hiểm. Một mình không cáng đáng được thì hãy mạnh dạn bày tỏ, tìm sự hỗ trợ. Quan trọng là chị em hãy biết yêu thương bản thân, suy nghĩ tích cực, giữ gìn sức khỏe để thêm vững vàng, xây dựng cuộc sống tốt hơn.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết