11/03/2014 - 22:02

Triển vọng sử dụng phân hữu cơ trong canh tác lúa

Vụ lúa đông xuân 2013-2014, Công ty cổ phần Nông nghiệp GAP đã phối hợp với Phòng NN&PTNT các huyện: Cao Lãnh, Tháp Mười, Thanh Bình, Tam Nông và Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp triển khai Dự án "Ứng dụng phân bón hữu cơ vào canh tác lúa, kết hợp giảm trên 40% phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để cải tạo đất trồng và tăng chất lượng gạo thu hoạch", bước đầu dự án đã giúp nông dân nâng cao nhận thức trong sử dụng các loại phân hữu cơ, hạn chế phân thuốc hóa học… vào sản xuất lúa. Dự án còn mở ra triển vọng cho sản xuất lúa sạch, góp phần nâng chuỗi giá trị hạt gạo.

Hỗ trợ thiết thực cho nông dân

Công ty cổ phần Nông nghiệp GAP (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) là doanh nghiệp chuyên phân phối các sản phẩm phân hữu cơ của nhà sản xuất VermiTechnology Unlimited (Mỹ) tại khu vực châu Á và tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nhiều loại nông sản cho nông dân như: gạo, trái cây. Dự án "Ứng dụng phân bón hữu cơ vào canh tác lúa, kết hợp giảm trên 40% phân bón hóa học và thuốc BVTV để cải tạo đất trồng và tăng chất lượng gạo thu hoạch" được Công ty cổ phần Nông nghiệp GAP triển khai tại tỉnh Đồng Tháp trong vụ lúa đông xuân 2013-2014 với mục tiêu nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân theo hướng an toàn và hiệu quả, tránh việc lạm dụng thuốc BVTV trong canh tác lúa. Thông qua việc áp dụng phương thức canh tác mới, sử dụng phân bón hữu cơ: Can-xi san-hô, phân bón lỏng VermaPlex vào canh tác lúa, từng bước giảm phân bón hóa học từ 40-50% để cải tạo đất, giúp đất đai bớt khô cằn, tăng độ phì nhiêu. Mặt khác, giúp cây lúa cứng cây, chống đổ ngã; đồng thời nâng cao chất lượng gạo, phục hồi hương thơm và chất lượng nguyên thủy của giống lúa, hạn chế việc tồn dư thuốc BVTV trên hạt gạo phục vụ cho tiêu thụ ở nội địa và xuất khẩu.

Mô hình ứng dụng phân hữu cơ vào sản xuất lúa của nông dân tại xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Theo bà Lê Tú Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần nông nghiệp GAP, thời gian qua, nhiều nông dân vẫn giữ thói quen sử dụng nhiều loại phân thuốc hóa học trong canh tác lúa. Do đó, trong nhất thời, muốn người dân thay đổi thói quen chuyển sang sử dụng các loại phân hữu cơ vào canh tác nông nghiệp không dễ. Khi thực hiện dự án, công ty đã hỗ trợ nông dân bằng cách cung cấp phân bón hữu cơ và hướng dẫn cách sử dụng, cho chậm trả 100% giá trị phân bón và không tính lãi suất trong suốt mùa vụ sản xuất. Hỗ trợ nông dân thực hiện các biện pháp nhằm giảm trên 40% lượng sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV so với trước và giúp nông dân tiếp cận với các đơn vị bao tiêu lúa đầu ra. Công ty cam kết chi phí phân bón và thuốc BVTV tối đa trong suốt mùa vụ là 14 triệu đồng/ha đối với giống lúa Nhật và các ruộng lúa đã canh tác 3 vụ hơn 5 năm và 13 triệu đồng/ha đối với các giống lúa, nếu thực tế nông dân sử dụng vượt định mức này công ty sẽ hỗ trợ phần chênh lệch. Mặt khác, công ty tiến hành nhiều cuộc hội thảo và tập huấn kỹ thuật, áp dụng quy trình canh tác sử dụng phân hữu cơ. "Nhờ có các hỗ trợ cụ thể, ngay trong vụ lúa đầu tiên triển khai dự án đã có 151 hộ dân tại các huyện Cao Lãnh, Tháp Mười, Thanh Bình, Tam Nông và Tân Hồng tham gia, diện tích mô hình là 232ha. Đầu tháng 3-2014, có 2 nông hộ trong dự án thu hoạch lúa, năng suất đạt 8,5 tấn/ha và 9,1 tấn/ha. Từ đó có thể dự đoán năng suất các ruộng lúa trong dự án tương đối được đảm bảo tốt so với các ruộng lúa ngoài quy trình"- bà Lê Tú Anh cho biết.

Công ty cổ phần Nông nghiệp GAP nhận định thời tiết trong vụ lúa đông xuân 2013-2014 diễn biến phức tạp, nhiều đợt lạnh bất thường đã ảnh hưởng đến tình hình phát triển của cây lúa, đạo ôn phát triển mạnh. Vụ đông xuân năm nay có dịch rầy cám xuất hiện trên diện rộng, tuy nhiên, cán bộ kỹ thuật của công ty thường xuyên thăm đồng cùng với nông dân tham gia dự án và khuyến cáo sử dụng thuốc BVTV hợp lý. Từ đó, tập quán sử dụng thuốc BVTV theo kiểu pha trộn, cộng thêm nhiều loại không cần thiết của nông dân đã giảm rõ rệt. Kết quả, chi phí thuốc BVTV sử dụng bình quân của các hộ giảm từ 35-60% so với trước và giảm từ 40-50% trên tổng số lượng phân bón hóa học sử dụng theo quy trình thông thường.

Để mô hình phát triển bền vững

Mới đây, tại xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Công ty cổ phần Nông nghiệp GAP đã tổ chức hội thảo đầu bờ nhằm sơ kết, đánh giá hiệu quả triển khai Dự án. Tại hội thảo, lãnh đạo Công ty cổ phần Nông nghiệp GAP, cho biết, công ty đã có kế hoạch tăng diện tích triển khai dự án lên 8.000ha thời gian tới. Ngoài tỉnh Đồng Tháp và An Giang, vụ hè thu năm 2014, công ty sẽ triển khai dự án tại một số tỉnh, thành như: Cần Thơ, Sóc Trăng, Long An, Kiên Giang… Rút kinh nghiệm từ việc triển khai dự án trong thời gian qua, công ty sẽ bổ sung, hoàn thiện lại quy trình sử dụng phân hữu cơ và bón phân hóa học sao cho cây lúa phát triển tốt nhất và phù hợp với thổ nhưỡng của từng vùng. Bên cạnh đó, công ty sẽ bổ sung thêm đội ngũ cán bộ để bám đồng, giúp bà con hạn chế sâu bệnh, tăng năng suất lúa. Công ty tập trung phát triển thị trường gạo sạch chất lượng cao trong nội địa để bao tiêu đầu ra nhiều hơn cho nông dân. Tăng cường hợp tác với các công ty xuất khẩu gạo trong việc tổ chức, quản lý vùng trồng áp dụng quy trình của dự án để sản phẩm lúa của bà con được bao tiêu với giá cao hơn thị trường.

Theo nhiều nông hộ tham gia dự án của Công ty cổ phần Nông nghiệp GAP, dự án có ý nghĩa thiết thực trong việc hỗ trợ và thúc đẩy người dân phát triển sản xuất lúa theo hướng sạch và cho biết sẽ tiếp tục tham gia dự án trong các vụ lúa tới. Nông dân Huỳnh Công Thẩm, ngụ xã An Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, cho biết: "Tôi có hơn 1ha lúa tham gia dự án, khi áp dụng quy trình sản xuất sử dụng phân hữu cơ thấy cây lúa cứng khỏe và ít sâu bệnh, giảm được gần 50% lượng sử dụng phân bón hóa học so với trước. Đây là vụ lúa đầu tiên tham gia dự án và việc sử dụng phân hữu cơ chưa thể phát huy ngay các tác dụng của nó, nên năng suất lúa vụ này có thể chỉ ngang bằng so với mô hình sản xuất bên ngoài, thậm chí giảm hơn chút ít. Tuy nhiên, xét về lâu về dài nó rất có lợi cho việc tăng độ phì nhiêu của đất, tốt cho sức khỏe cộng đồng và môi trường nên tôi đã đăng ký tham gia tiếp trong vụ hè thu tới và rất muốn có nhiều bà con cùng tham gia". Theo Ông Mai Thanh Liêm, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, mô hình ứng dụng phân hữu cơ vào canh tác lúa của Công ty cổ phần Nông nghiệp GAP rất có triển vọng, đáp ứng xu hướng phát triển sản xuất lúa theo hướng bền vững cho môi trường và yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Nông dân tham gia mô hình đã đổi mới tư duy sản xuất, hạn chế được lượng sử dụng phân thuốc hóa học… Tuy nhiên, để mô hình này phát triển bền vững hơn, công ty phải tính toán việc bao tiêu hết lượng lúa hàng hóa đầu ra cho nông dân trong thời gian tới, bởi đầu ra có đảm bảo và bán được giá cao nông dân mới an tâm phát triển sản xuất.

Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết việc phát triển sản xuất lúa 3 vụ trong năm và gia tăng sử dụng phân thuốc hóa học trên đồng ruộng đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ phì nhiêu của đất và gây nhiều hệ lụy cho môi trường, sức khỏe của cộng đồng. Lẽ đó, tăng cường sử dụng phân hữu cơ vào sản xuất là yêu cầu bức thiết hiện nay. Tỉnh Đồng Tháp rất mong Công ty cổ phần Nông nghiệp GAP tiếp tục mở rộng quy mô thực hiện dự án không chỉ đối với cây lúa mà còn trên các loại cây trồng khác. Đồng thời cần tính toán có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân để mô hình phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết