14/06/2023 - 20:07

Triển vọng phát triển mô hình trồng đậu nành rau trên nền đất ruộng 

Bài, ảnh: Khánh Trung

Khoảng 2 năm gần đây, nông dân tại một số xã và thị trấn trên địa bàn huyện Thới Lai đã đưa cây đậu nành xuống trồng trên nền đất ruộng  phục vụ hái trái tươi để làm đậu nành rau. Mô hình trồng đậu nành rau đã giúp nông dân thu nhập cao gấp nhiều lần so với lúa nhờ đậu trồng mau thu hoạch, lại cho năng suất, sản lượng trái và giá bán cao hơn lúa...

Thu hoạch đậu nành rau trồng trên nền đất lúa trong vụ hè thu 2023 tại huyện Thới Lai.

Thu hoạch đậu nành rau trồng trên nền đất lúa trong vụ hè thu 2023 tại huyện Thới Lai.

Thới Lai đang có khoảng 40 héc-ta trồng đậu nành rau tại xã Tân Thạnh và thị trấn Thới Lai. Đậu nành chủ yếu được nông dân trồng trên nền đất ruộng. Cây đậu có thể trồng thâm canh liên tục trong nhiều vụ hoặc trồng luân canh giữa đậu với lúa và các loại rau màu khác như bắp, dưa hấu... Đặc biệt, việc sản xuất luân canh giữa đậu nành rau với lúa và các loại rau màu giúp cải tạo đất và giảm sâu bệnh, tạo thuận lợi để cây trồng đạt năng suất cao, đồng thời nông dân cũng giảm được chi phí tiền phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Đậu nành được nông dân xuống giống trồng trong khoảng 65-70 ngày là cho thu hoạch trái. Mỗi công đất trồng đậu nành rau có thể cho năng suất, sản lượng trái đạt từ  1,5- 2 tấn/vụ. Thời gian qua, trái đậu nành rau được nông dân tại huyện Thới Lai cân bán cho thương lái và các doanh nghiệp với mức giá từ 13.000-16.000 đồng/kg. Nông dân trồng đậu nành rau đạt mức lời ít nhất từ 6-12 triệu đồng/công/vụ, thậm chí cao hơn. Do mỗi vụ trồng có thời gian tương đối ngắn nên mỗi năm nông dân có thể sản xuất tới 4 vụ đậu nành liên tục hoặc luân canh với các loại cây trồng khác.

Ông Nguyễn Văn Đông ngụ xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, cho biết: "Trồng đậu nành rau có thể cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Đơn cử, trong vụ hè thu 2023, nông dân sản xuất lúa chỉ có lợi nhuận khoảng trên dưới 2 triệu đồng/công. Còn trồng đậu nành rau có thể cho lợi nhuận trên 10 triệu đồng/công nhờ đậu đạt năng suất tới 1,5 tấn/công và bán được giá 14.000 đồng/kg. Ngoài ra, việc luân canh trồng đậu nành rau trên nền đất lúa cũng góp phần cải tạo đất". Anh Nguyễn Hữu Trung, nông dân trồng đậu nành rau ngụ tại thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, cũng cho biết: "Mô hình trồng đậu nành rau trên nền đất lúa xuất hiện khoảng 2 năm nay và giúp nông dân có lợi nhuận khá cao so với chuyên canh trồng lúa 3 vụ/năm. Trồng cây đậu nành rau có thể cho lợi nhuận tới 10 triệu đồng/công/vụ đậu. Hiện gia đình tôi có 9 công đất trồng đậu nành rau. Mỗi vụ trồng đậu nành rau chỉ mất bình quân khoảng 70 ngày, ít hơn 20 ngày so với trồng một vụ lúa. Tuy nhiên, vốn đầu tư để canh tác đậu nành rau khá cao so với trồng lúa, với bình quân chi phí đầu tư để trồng đậu nành rau ở mức trên dưới 7 triệu đồng/công/vụ. Bởi trồng đậu nành rau không chỉ nặng chi phí làm đất, bón phân và tưới nước mà nông dân còn tốn thêm các chi phí thuê nhân công để gieo trồng đậu và thu hoạch đậu. Đồng thời, nông dân phải tốn thêm các chi phí để phòng trừ các loại sâu bệnh".

Theo nhiều nông dân thực hiện mô hình trồng đậu nành rau tại huyện Thới Lai, đất tại địa phương trồng đậu nành rau cho năng suất cao, từ đó giúp nông dân có thu nhập cao hơn từ 3-4 lần trở lên so với trước đây trồng lúa. Hiện đầu ra trái đậu nành rau cũng khá thuận lợi do nhu cầu tiêu thụ rất lớn và nhiều lúc không có đủ hàng để thương lái thu mua. Hầu như 100% diện tích trồng đậu nành rau đều được các thương lái đặt hàng bao tiêu sản phẩm đầu ra ngay từ đầu vụ và thương lái cung cấp hạt giống để nông dân sản xuất. Theo ông Trần Văn Hùng ngụ huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, cùng với việc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm đậu nành rau cho nhiều nông dân tại tỉnh An Giang, hiện ông cũng đã liên kết, bao tiêu sản phẩm cho hơn 20 héc-ta đậu nành rau của nông dân tại huyện Thới Lai. Nhìn chung, cây đậu nành rau trồng trên địa bàn huyện Thới Lai cho năng suất và chất lượng trái tốt, được các khách hàng và người tiêu dùng đánh giá cao. Sản phẩm đậu nành rau không chỉ phục vụ tiêu thụ tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL mà còn được đưa đi tiêu thụ tại thị trường TP Hồ Chí Minh và các tỉnh  miền Đông Nam Bộ, cũng như có xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Campuchia.

Trồng đậu nành rau trên nền đất ruộng là mô hình có nhiều triển vọng để nhân rộng phát triển nhằm gia tăng hiệu quả sản xuất và lợi nhuận cho nông dân trên cùng diện tích đất. Đồng thời, nó cũng góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều lao động ở nông thôn thông qua việc tham gia các công đoạn sản xuất, thu hoạch và kinh doanh sản phẩm đậu nành rau. Tuy nhiên, do đây là mô hình còn khá mới tại địa phương nên nông dân vẫn còn gặp các khó khăn trong sản xuất do chưa nắm rành quy trình, kỹ thuật canh tác và cách phòng trị các loại dịch hại trên cây đậu nành. Mặt khác, nông dân cũng còn gặp khó trong việc tìm mua hạt giống đậu nành và bị thiếu vốn trong sản xuất do trồng đậu nành rau cần số vốn đầu tư lớn hơn so với trồng lúa. Nông dân rất cần sự hỗ trợ của ngành chức năng tập huấn kỹ thuật và đảm bảo các cơ sở hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất và hỗ trợ nông dân về giống, về vốn và thực hiện mở rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo ổn định đầu ra khi tăng diện tích trồng.

Chia sẻ bài viết