24/09/2019 - 14:41

Trái đất nóng kỷ lục 

Trong báo cáo công bố ngày 22-9, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho rằng chúng ta đang tụt hậu khá xa trong cuộc chạy đua ngăn chặn thảm họa khí hậu bởi 5 năm 2015-2019 được xác định là giai đoạn nóng nhất kể từ khi số liệu nhiệt độ bắt đầu được ghi nhận năm 1850.

Thanh niên Mỹ tuần hành đòi chính phủ hành động chống biến đổi khí hậu. Ảnh: AFP

Thanh niên Mỹ tuần hành đòi chính phủ hành động chống biến đổi khí hậu. Ảnh: AFP

Cụ thể, nhiệt độ trung bình trong giai đoạn nói trên cao hơn thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900) 1,10C và tăng 0,20C so với giai đoạn 2011-2015. Các tác giả cảnh báo khí hậu đang biến đổi nhanh hơn dự báo và nếu thực hiện những kế hoạch hiện nay, thì đến năm 2100 nhiệt độ trung bình trên toàn cầu sẽ tăng 2,9 - 3,40C, sự thay đổi nhiều khả năng kéo theo “thảm họa” trên khắp hành tinh. Do vậy, những cam kết trong việc cắt giảm phát thải khí nhà kính phải đẩy lên ít nhất 3 lần và tăng gấp 5 lần nếu thế giới muốn đạt được mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu năm 2015. Theo thỏa thuận này, các nước phải giảm lượng phát thải khí nhà kính để hạn chế mức tăng nhiệt độ dưới 20C hoặc lý tưởng nhất là 1,50C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

WMO còn nói vẫn có thể thu hẹp khoảng cách trên và giữ nhiệt độ thế giới ở mức an toàn, nhưng đòi hỏi sự chuyển mình mang tính cấp bách trong cam kết lẫn hành động. Theo báo cáo, nhiều thay đổi liên quan đến nhiệt độ tăng, bao gồm những đợt nắng nóng kéo dài, cháy rừng ở mức độ kỷ lục, băng biển và sông băng giảm, lốc xoáy, lũ lụt và hạn hán xảy ra sớm và khó dự đoán hơn so với cách đây một thập niên. Lượng sông băng mất đi từ 2015-2019 ở mức cao nhất trong các giai đoạn 5 năm từng được ghi nhận. Mực nước biển dâng cũng diễn ra nhanh hơn. Báo cáo phát hiện những đợt nắng nóng là hiện tượng thời tiết đáng sợ nhất trong giai đoạn này, ảnh hưởng đến tất cả các châu lục và thiết lập nhiều kỷ lục mới về nhiệt độ quốc gia. Mùa Hè năm nay cũng chứng kiến những đợt cháy rừng chưa từng có ở Bắc Cực, “thủ phạm” dẫn đến phát thải 50 triệu tấn CO2 trong tháng 6. Riêng tháng 7 lập kỷ lục là tháng nóng nhất trong lịch sử.

Lượng CO2 trong năm ngoái chẳng những không giảm mà còn tăng 2%, đạt con số kỷ lục 37 tỉ tấn. Đáng nói, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy sắp chạm đến cái gọi là “phát thải đỉnh điểm”- mốc mà CO2 bắt đầu giảm xuống.

Năm ngoái, mật độ CO2 trong không khí tính trung bình toàn cầu là 407,8 phần triệu (ppm), tăng 2,2 ppm so với năm 2017 và dự kiến có thể chạm hoặc vượt 410 ppm vào năm 2019. Trong khi đó, lần gần đây nhất chỉ số trên ở mức khoảng 400 ppm là cách đây tới 3-5 triệu năm. Vào thời điểm đó, nhiệt độ trên bề mặt Trái đất ấm hơn từ 2-3 độ C, các núi băng ở cả hai đầu cực đều tan chảy và mực nước biển dâng cao hơn từ 10-20 mét.

Báo cáo nói trên công bố một ngày trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại New York (Mỹ), sự kiện có sự tham gia của hơn 60 lãnh đạo trên thế giới. Trước thềm hội nghị, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres đã yêu cầu lãnh đạo các nước mang đến sự kiện những cam kết mới để đưa Trái đất tiến gần hơn việc đạt các mục tiêu của Thỏa thuận Paris.

“Lễ tang” sông băng biến mất do sự ấm lên toàn cầu

Đứng ở độ cao 2.600m so với mực nước biển, hàng trăm nhà hoạt động môi trường ngày 22-9 đã bày tỏ lòng thành kính đối với những phần cuối cùng của sông băng Pizol trên dải Glarus Alps, phía Đông Thụy Sĩ. Hơn 80% lượng băng của Pizol đã tan chảy kể từ năm 2006, giờ chỉ còn diện tích 26.000m2. Sông băng từng có diện tích 320.000m2 vào năm 1987 này được dự báo sẽ tan biến hoàn toàn vào cuối thập niên tới.

 

THANH BÌNH (Theo AFP, Independent)

Chia sẻ bài viết