02/05/2018 - 15:45

Trả giá cho lòng tham 

TAND TP Cần Thơ vừa đưa ra xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong quá trình HĐXX thẩm vấn, bị cáo Lê Minh Tiến (55 tuổi) và Trần Ngọc Cẩm (57 tuổi) khóc lóc, tỏ ra hối hận, trình bày hoàn cảnh, mong được xem xét khi lượng hình. Nhưng với hành vi xem thường pháp luật, phạm tội trong thời gian dài, lừa gạt nhiều người, Cẩm phải lãnh án 12 năm tù, Tiến 8 năm tù. Giá như hai bị cáo biết điểm dừng, không vì những đồng tiền bất chính làm mờ mắt thì đâu có ngày này.

Bị cáo Lê Minh Tiến (phía ngoài) và Trần Ngọc Cẩm tại phiên tòa ngày 19-4-2018.

Tiến và Cẩm có mối quan hệ quen biết do cùng làm nghề môi giới mua bán nhà đất. Do làm ăn thua lỗ, cần tiền tiêu xài cá nhân, trả nợ và lãi vay nên từ năm 2015 đến năm 2016, cả hai nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của người khác bằng hình thức scan màu nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), rồi đem thế chấp vay tiền. Hai bị cáo vốn có khả năng ăn nói, thuyết phục nên hàng loạt bị hại sập bẫy, Tiến thực hiện 6 vụ, chiếm đoạt 570 triệu đồng; Cẩm thực hiện 4 vụ, chiếm đoạt gần 750 triệu đồng.

Nhìn hai bị cáo dáng vẻ hiền lành, thật khó tin những thực hiện hành vi lừa đảo chuyên nghiệp của họ. Các bị cáo khai định làm vài vụ rồi thôi, nhưng vì tiền kiếm được dễ dàng quá nên trượt dài. Trước đây, Tiến chuyển nhượng QSDĐ của mình cho ông P. Tuy nhiên, trước khi chuyển nhượng, Tiến mang giấy chứng nhận QSDĐ nhân nhiều bản, mục đích sẽ mang đi thế chấp khi cần tiền, ông P. không hề hay biết. Sau đó, Tiến thế chấp giấy này cho bà C. lấy 140 triệu đồng, thời hạn vay 10 ngày, bị cáo không đóng lãi, không trả vốn mà chiếm đoạt luôn. Sau đó, Tiến tiếp tục thế chấp giấy chứng nhận QSDĐ dỏm cho bà D. lấy 20 triệu đồng, đóng lãi 1 tháng rồi cao chạy xa bay. Ngoài ra, Tiến còn dùng giấy chứng nhận QSDĐ khác (nhân nhiều bản) đi lừa đảo nhiều người nữa. Không chỉ thế, lợi dụng người quen đưa giấy chứng nhận QSDĐ nhờ hỏi thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, Tiến đưa cho Cẩm đi scan màu giấy tờ này để đi thế chấp. Một số bị hại cả tin cho Tiến mượn giấy tờ đất cũng đều bị Tiến “nhân” thành nhiều bản để lừa gạt.

Đối với Cẩm, thủ đoạn tinh vi không kém. Khi nhận thế chấp giấy chứng nhận QSDĐ của bà H. (30 triệu đồng), Cẩm đã cùng Tiến thuê người làm giả hợp đồng ủy quyền giấy trên sang cho Tiến rồi mang đi thế chấp để lấy số tiền cao hơn nhiều lần, chia nhau tiêu xài. Do quen biết, Cẩm cũng thường mượn được nhiều giấy chứng nhận QSDĐ của người khác, rồi scan nhiều bản đi lừa. Để bị hại tin tưởng, Cẩm viện cớ nhận thế chấp của người khác, nhưng cần tiền làm ăn, đem thế chấp rồi sẽ chuộc lại. Do không phân biệt bản gốc hay scan, nhiều người mất của. Mặt khác, trong quá trình đi scan giùm Tiến, Cẩm làm dư ra vài bản để dành “làm ăn” riêng. Các bị hại rất bức xúc, không ngờ Tiến, Cẩm lại lợi dụng lòng tin của mọi người, hành xử như vậy, yêu cầu xử lý theo đúng qui định pháp luật, trả lại tiền chiếm đoạt.

Thật đáng tiếc khi Cẩm và Tiến đều có trình độ, nghề nghiệp ổn định nhưng không lo làm ăn chân chính, để tay nhúng chàm. Nhìn vào hoàn cảnh gia đình, hai bị cáo đã ly hôn, con cái ở tuổi trưởng thành. Theo lẽ, cả hai phải làm gương để nuôi dạy con, cháu, đằng này, vì tham tiền để bản thân vướng vòng lao lý, khiến con cái gánh thêm bất hạnh. Bản án tòa tuyên là hình phạt thích đáng để các bị cáo nhìn nhận lại lỗi lầm, sửa sai, không tái phạm.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết