16/11/2010 - 08:37

TPP - Đối tác xuyên Thái Bình Dương

Các nhà lãnh đạo TPP và Nhật Bản tại hội nghị cấp cao đầu tiên bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Yokohama ngày 14-11. Ảnh: AP

Như các nguồn tin đã đưa, bên lề Hội nghị thượng đỉnh của 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) vừa kết thúc tại Yokohama (Nhật Bản), 9 quốc gia vành đai Thái Bình Dương (gồm Brunei, Chile, Malaysia, Mỹ, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Úc) đã có cuộc họp cấp cao đầu tiên bàn về biện pháp thúc đẩy khu mậu dịch tự do, gọi là Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nước chủ nhà Nhật Bản đã được mời tham dự với tư cách quan sát viên.

Kết thúc phiên họp, Tổng thống Chile Sebastian Pinera cho biết 9 nước nói trên sẽ có hai vòng đàm phán ở New Zealand và Chile với mục tiêu hoàn thành hiệp định thương mại tự do trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11 năm sau tại Honolulu (Hawaii). Nói cách khác, khu mậu dịch tự do TPP gồm 9 nước có thể sẽ được hình thành và có hiệu lực trong vòng một năm nữa. “Đây là một nhiệm vụ hết sức cấp thiết và chúng tôi đã sẵn sàng”, ông Pinera nhấn mạnh. TPP được thành lập năm 2006 bởi 4 nước Brunei, Chile, New Zealand và Singapore, trong khi Malaysia, Mỹ, Peru, Việt Nam và Úc đã đăng ký tham gia từ năm 2008.

Tổng thống Barack Obama tuyên bố Mỹ ủng hộ khu mậu dịch tự do này và cho rằng nó sẽ góp phần tạo thuận lợi thương mại và mở cửa thị trường ở tất cả các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi có chiếm hơn 40% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu. Theo các nhà phân tích, Mỹ rất kỳ vọng ở thị trường của các đối tác xuyên Thái Bình Dương trong bối cảnh nước này thất bại trước cuộc đàm phán ký kết thỏa thuận tự do thương mại (FTA) với Hàn Quốc. Xa hơn, Mỹ hy vọng Khu mậu dịch tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) sẽ sớm thành hiện thực nhằm tạo ra thị trường rộng lớn nhất hành tinh. Tuy nhiên, một FTAAP trong tương lai còn phải vượt qua rất nhiều trở ngại, trong đó có cuộc đối đầu giữa hai “ông lớn” thương mại là Mỹ và Trung Quốc.

Ngoài 9 nước kể trên, Canada, Hàn Quốc và đặc biệt là Nhật Bản cũng quan tâm đến TPP. Việc Nhật Bản tham dự hội nghị cấp cao TPP với tư cách quan sát viên cho thấy Tokyo không muốn “bị bỏ ngoài” tiến trình hội nhập thương mại khu vực. Thủ tướng Naoto Kan thừa nhận nền kinh tế Nhật Bản đã suy yếu và có nguy cơ bị các đối thủ khác trong khu vực tiếp tục qua mặt, điều này đòi hỏi Tokyo phải mở cửa thị trường và nắm bắt cơ hội phát triển thương mại ra bên ngoài. Lâu nay, chính phủ Nhật Bản đã nỗ lực xây dựng nền kinh tế dựa vào nhu cầu nội địa, nhưng sự phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu vẫn rất lớn. Cái khó của Nhật Bản là vấn đề cải cách thị trường nông nghiệp có thể vấp phải sự phản đối của nông dân. Là lĩnh vực chiếm chưa đầy 2% GDP, nhưng thị trường hàng hóa nông nghiệp ở nước này được chính phủ bảo hộ rất cao, như gạo nhập khẩu phải chịu mức thuế đến 778%. Để duy trì chính sách nông nghiệp gây tranh cãi này, Nhật Bản đã ký thỏa thuận tự do thương mại song phương với Peru ngày 14-11 cũng như đang nối lại đàm phán thương mại với Úc và Hàn Quốc. Vì vậy, khả năng Nhật Bản quyết định tham gia đàm phán TPP trước hội nghị thượng đỉnh APEC vào năm tới là chưa chắc chắn.

PHÚC NGUYÊN (Theo AP, AFP và Reuters)

Các nhà lãnh đạo TPP và Nhật Bản tại hội nghị cấp cao đầu tiên bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC t̐

Chia sẻ bài viết