02/04/2010 - 08:17

Tổng thống Pakistan “vượt ải”

Tổng thống Zardari. Ảnh: AP

Ngày 31-3, Ủy ban cải cách hiến pháp Quốc hội Pakistan (PCCR) đã nhất trí ký bản dự thảo điều chỉnh hiến pháp, theo đó cắt giảm quyền lực của tổng thống và tăng cường sức mạnh của hệ thống nghị viện. Động thái chuyển giao quyền lực từ văn phòng tổng thống sang phủ thủ tướng này được xem là để đáp ứng yêu cầu lâu nay của phe đối lập và giảm sức ép đối với đương kim Tổng thống Asif Ali Zardari, vốn bị chỉ trích là cố tình kéo dài quá trình bỏ bớt quyền lực theo cam kết khi đắc cử năm 2008.

PCCR, gồm đại diện của tất cả các đảng trong Quốc hội, dự kiến hoàn tất dự thảo điều chỉnh hiến pháp hồi tuần rồi, với đề nghị thay đổi 95 điểm trong hiến pháp, nhưng chỉ có 93 điểm được tất cả các thành viên PCCR nhất trí. Lãnh đạo Liên đoàn Hồi giáo Pakistan – Nawar (PML-N) Nawar Sharif đã bất ngờ phản đối vào phút chót 2 vấn đề: tiến trình bổ nhiệm các thẩm phán tòa thượng thẩm và đặt tên mới cho 4 tỉnh của Pakistan. Cuối cùng dự thảo mới được nhất trí hôm 31-3 và các bên cũng chấp nhận đề nghị của ông Sharif là hủy bỏ điều khoản cấm các thủ tướng nắm quyền hơn 2 nhiệm kỳ. Đây được xem là điều kiện mở đường cho ông Sharif trở lại nắm quyền nếu PML-N có thể giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào năm 2013 (ông Sharif từng 2 lần làm thủ tướng vào thập niên 1990). Bản dự thảo điều chỉnh hiến pháp dự kiến được trình lên Quốc hội tuần tới, và cần 2/3 số nghị sĩ tán thành để thông qua.

Theo bản dự thảo điều chỉnh mới, nhiều quyền hạn sẽ được chuyển giao từ tổng thống cho thủ tướng, trong đó có quyền giải tán chính phủ và bổ nhiệm các tư lệnh quân đội. Các nhà phân tích cho rằng về mặt lý thuyết, sự thay đổi này có nghĩa là ông Zardari sẽ trở lại cương vị mang tính nghi thức. Tuy nhiên, là đồng chủ tịch đảng Nhân dân Pakistan (PPP) cầm quyền, ông Zardari vẫn sẽ có ảnh hưởng đáng kể trong chính phủ. Mặt khác, Thủ tướng đương nhiệm Yousaf Raza Gilani là thành viên trung thành của PPP và là người ủng hộ ông Zardari mạnh mẽ (ông Gilani là người được ông Zardari chọn).

Tổng thống Zardari cũng vừa thoát được “gánh nặng” pháp lý khi hôm 31-3, Thụy Sĩ tuyên bố sẽ không mở lại vụ án rửa tiền đối với ông (theo yêu cầu của cơ quan chống tham nhũng Pakistan), vì được hưởng quyền miễn truy tố dành cho nguyên thủ quốc gia. Năm 2003, ông Zardari và phu nhân là cố Thủ tướng Benazir Bhutto đã bị xử vắng mặt tại Genève tội rửa hàng triệu USD hồi thập niên 1990. Tuy nhiên, án 6 tháng tù treo và phạt tiền bị hoãn thi hành do họ kháng cáo. Năm 2008, Thụy Sĩ hủy vụ án này theo yêu cầu của Pakistan sau khi các bên đạt thỏa thuận chia sẻ quyền lực.

Theo các nhà phân tích, những diễn biến trên có thể giúp bình ổn chính trường hay biến động của Pakistan vào thời điểm Mỹ muốn chính quyền Islamabad tập trung vào cuộc chiến với các tay súng nổi dậy Taliban và Al Qaeda. Ông Sharif là người kêu gọi Tổng thống Zardari từ bỏ quyền lực mạnh mẽ nhất. Do đó, việc chấp thuận điều chỉnh hiến pháp của ông Zardari có thể cải thiện quan hệ giữa PPP và PML-N, đồng thời giải tỏa căng thẳng trên chính trường vốn thường xuyên bế tắc vì tranh giành quyền lực giữa 2 đảng này.

Vì vậy, việc chấp nhận bỏ bớt quyền lực (nhưng trên thực tế có thể khác) được xem là nước cờ cao tay của Tổng thống Zardari.

N. KIỆT (Theo AFP, PTI, AP)

Chia sẻ bài viết