14/11/2019 - 14:32

Tổng thống Brazil và “bài toán” quan hệ Mỹ-Trung 

Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) lần thứ 11 diễn ra trong hai ngày 13 và 14-11, giới quan sát chờ đợi màn thể hiện của Tổng thống nước chủ nhà Brazil Jair Bolsonaro khi ông tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc lại vừa tránh “mích lòng” Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chủ tịch Trung Quốc (phải) và phu nhân tới Brazil sáng 13-11. Ảnh: Xinhua

Trước thềm cuộc họp với những đối tác còn lại là Nga, Ấn Độ và Nam Phi, Tổng thống Bolsonaro có buổi hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thủ đô Brasilia. Cuộc gặp diễn ra vài tuần sau chuyến công du đầu tiên của lãnh đạo Brazil tới Bắc Kinh - sự kiện được ví như tín hiệu cho thấy chính quyền Bolsonaro dường như muốn cải thiện quan hệ đang xa cách với cường quốc châu Á.

Theo đường lối bảo thủ, ông Bolsonaro khi tranh cử từng nhiều lần chỉ trích Trung Quốc và cam kết chấm dứt cách tiếp cận mở đối với Bắc Kinh. Sau khi nhậm chức đầu năm nay, Chính phủ Brazil dưới sự điều hành của ông Bolsonaro tiếp tục thay đổi đường lối đối ngoại theo xu hướng “thân Mỹ” dựa trên các chính sách phù hợp quan điểm của ông Trump như rút Brazil khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, chuyển đại sứ quán nước này tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem hay đóng cửa đại sứ quán Palestine tại Brasilia.

Trong nỗ lực xoa dịu Trung Quốc, lần lượt các quan chức cấp cao Brazil gồm Phó Tổng thống Hamilton Mourão, Bộ trưởng Nông nghiệp Tereza Cristina và Bộ trưởng Kinh tế Paulo Guedes liên tục đảm bảo với nước này rằng những bình luận của Tổng thống Bolsonaro công kích Trung Quốc hay tỏ ra ngưỡng mộ Tổng thống Mỹ không nhằm phá hoại quan hệ song phương. Chiến lược thực dụng này đã thành công khi thúc đẩy chính quyền Bolsonaro dịch chuyển theo hướng duy trì quan hệ tốt với Bắc Kinh mà bằng chứng là chuyến công du hồi tháng rồi của Tổng thống Bolsonaro.

Với đà này, chuyên gia Luis Fernandes tại Viện Chính sách BRICS cho rằng hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra là cơ hội để lãnh đạo Brazil duy trì, mở rộng các kênh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với Trung Quốc. Giáo sư về quan hệ quốc tế Oliver Stuenkel thì nhận định bản chất quan hệ này là phụ thuộc lẫn nhau. Theo đó, Trung Quốc với vai trò đối tác thương mại lớn nhất được dự đoán là “chỗ dựa” lâu dài đối với Brazil thay vì Mỹ. Ông Bolsonaro tuy “cùng phe” với ông Trump trong cuộc chiến chống chủ nghĩa đa phương và hệ tư tưởng cánh tả nhưng BRICS vẫn quan trọng hơn, đặc biệt nếu đảng Dân chủ loại ông Trump và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm tới. Tình huống này sẽ đẩy Brasilia vào trạng thái cô lập hơn nữa giữa thời điểm họ đang bất đồng với các cường quốc châu Âu. Trước rủi ro như vậy, các nhà phân tích dự đoán ông Bolsonaro sẽ còn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc và khối BRICS so với những gì ông tưởng tượng vào thời điểm tranh cử tổng thống cuối năm ngoái.

Về phần mình, Bắc Kinh cũng hiểu tầm quan trọng của Brasilia khi họ còn phụ thuộc quốc gia Nam Mỹ trong khoảng 50 năm nữa để đảm bảo an ninh lương thực.

Điểm đáng chú ý tại thượng đỉnh BRICS lần này còn ở việc ông Bolsonaro phá lệ loại bỏ mô hình hợp tác “BRICS Plus”, tức cho phép 5 thành viên gặp gỡ các quốc gia láng giềng của nước chủ nhà. Quyết định được đưa ra sau những bất đồng về việc nên mời Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hay lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido được Mỹ, Canada và nhiều nước trong khu vực thừa nhận. Brazil cũng là thành viên BRICS duy nhất ủng hộ ông Guaido. Trước đó, Tổng thống Bolsonaro nhất trí với Mỹ về các biện pháp trừng phạt để gây sức ép lên Venezuela cũng như sẵn sàng dẫn dắt các nước làng giềng tạo dựng trật tự mới ở Nam Mỹ.

Xét trên khía cạnh này, Giáo sư Stuenkel nói rằng động thái của ông Bolsonaro là nhằm “trấn an” Washington sau những biểu hiện “thân Bắc Kinh” gần đây.

MAI QUYÊN (Theo AFP)

Chia sẻ bài viết