28/11/2019 - 09:10

Tình trạng “thìa vàng”, “thìa đất” ở Hàn Quốc 

Hwang Hyeon-dong hiện sống trong căn phòng chỉ rộng 6,6m2 ở gần trường đại học tại thủ đô Seoul, với chi phí thuê phòng hàng tháng là 302 USD. “Chiếc hộp” này có một phòng tắm và nhà bếp nhưng phải chia sẻ với những người khác.

Trước đây, những căn phòng như trên chủ yếu được sử dụng bởi những sinh viên không quá khá giả để học tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển công chức. Nay thì chúng dần trở thành mái nhà lâu dài đối với những bạn trẻ có hoàn cảnh tương tự như Hwang- sinh ra trong gia đình có thu nhập thấp. “Nếu phấn đấu và tìm được một công việc tốt, liệu tôi có thể mua được một căn nhà? Liệu tôi có thể thu hẹp khoảng cách vốn đã rất lớn?” - nam sinh 25 tuổi bộc bạch. Hwang cho rằng bê bối tham nhũng bủa vây cựu Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc Cho Kuk là hồi chuông cảnh tỉnh cho tầng lớp “thìa đất” như anh. Trái với “thìa đất”, “thìa vàng” là từ dùng để chỉ những người sinh ra trong các gia đình giàu có. Có thể chàng sinh viên năm ba ngành truyền thông này cũng từng có suy nghĩ làm việc chăm chỉ rồi sẽ tạo ra khác biệt.

Căn phòng nhỏ hẹp của Kim Jae-hoon, một người thuộc tầng lớp “thìa đất” ở Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Trong vụ lùm xùm trên, Cho Kuk và vợ bị cáo buộc lạm dụng chức vụ để giúp con gái được nhận vào trường y hồi năm 2015. Cho Kuk từng thừa nhận bản thân là “thìa vàng” và chủ trương thúc đẩy công bằng xã hội, nhưng cuối cùng điều này lại phản tác dụng, khiến ông phải từ chức hồi giữa tháng 10 vừa qua, chỉ sau hơn 30 ngày ngồi ghế Bộ trưởng Tư pháp. Còn vợ ông sắp bị xét xử về tội giả mạo giấy tờ và gian lận tài chính. Vụ ồn ào này đã châm ngòi làn sóng biểu tình lớn nhất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Moon Jae-in.

Thật ra, trong đúng một tháng, tính từ lúc chủ nhân Nhà Xanh đề cử ông Cho làm bộ trưởng tư pháp cho đến thời điểm bổ nhiệm vào ngày 9-9, đất nước Hàn Quốc lâm vào cảnh rối ren. Khoảng 500 sinh viên và cựu sinh viên Đại học Quốc gia Seoul đã tham gia biểu tình, trong khi 70 sinh viên Đại học Quốc gia Pusan tổ chức cuộc tuần hành thắp nến. Thông điệp chung của họ là ông Cho không xứng đáng với vai trò trên và yêu cầu từ chức ngay lập tức. Tuy có nhiều cáo buộc đối với ông Cho, nhưng điều khiến những người trẻ Hàn Quốc bực tức nhất là việc con gái ông này được nhận vào nhiều trường đại học danh tiếng một cách đáng ngờ.

Đối với nhiều người trẻ có hoàn cảnh không được tốt ở Hàn Quốc, vụ việc trên cho thấy “thìa vàng” tiến xa như thế nào khi có sự trợ giúp từ những cha mẹ giàu có và có địa vị trong xã hội. Trong cuộc thăm dò gần 3.300 người hồi tháng 9, có ¾ ý kiến cho rằng lý lịch phụ huynh là yếu tố quyết định sự thành công của con cái họ.

Khái niệm “thìa đất” và “thìa vàng” đã có từ lâu nhưng trong những năm gần đây nó đã len lỏi vào môi trường chính trị Hàn Quốc, kéo giảm sự ủng hộ của dân chúng dành cho Tổng thống Moon Jae-in. Nhà lãnh đạo theo đường lối tự do này bước vào Nhà Xanh hồi năm 2017 với lời hứa đảm bảo sự công bằng về kinh tế và xã hội. Nhưng qua một nửa chặng đường của nhiệm kỳ 5 năm, Tổng thống Moon Jae-in chỉ đạt được tiến bộ khiêm tốn trong việc giúp giới trẻ nước này giảm bớt gánh nặng của tình trạng bất bình đẳng sâu sắc. Thậm chí, chênh lệch về thu nhập bị đào sâu hơn kể từ khi ông Moon nhậm chức tổng thống xứ sở kim chi khi nhóm có thu nhập cao nhất hiện kiếm tiền nhiều gấp 5,5 lần nhóm thấp nhất. Con số này trước khi ông trở thành lãnh đạo Hàn Quốc là 4,9 lần.

Trong cuộc họp được truyền hình hồi tuần rồi, nhà lãnh đạo Hàn Quốc thừa nhận chưa hiện thực hóa những cam kết trước đây và tỷ lệ ủng hộ ở giới trẻ giảm là minh chứng cho thấy ông đã khiến họ thất vọng. Theo khảo sát của Gallup Korea, tỷ lệ ủng hộ ở những cử tri trong độ tuổi 19-29 đã giảm từ 90% hồi tháng 6-2017 xuống còn 44% trong tháng rồi, trong khi mức ủng hộ ở đối tượng thu nhập thấp cũng giảm 44 điểm phần trăm.

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết