17/01/2018 - 14:18

Tinh dầu gừng và hương thảo kiểm soát tốt mỡ trong máu 

Dầu dừa - chất béo “thân thiện” với tim, ngừa đột quỵ

Nghiên cứu đăng trên tạp chí Y học Cổ truyền, Bổ sung và Thay thế mới đây cho biết gừng và hương thảo là hai loại thảo dược giúp kiểm soát hiệu quả mỡ trong máu (cholesterol), rất tốt cho sức khỏe tim và động mạch.

Ảnh: pixapay.com

Ảnh: pixapay.com

Nghiên cứu được tiến hành nhằm kiểm chứng tác dụng tiềm năng của tinh dầu gừng, hoặc kết hợp nó với tinh dầu hương thảo, trong việc giúp giảm hàm lượng cholesterol. Qua hai thử nghiệm riêng biệt đối với chuột được nuôi bằng chế độ ăn giàu chất béo, các nhà khoa học nhận thấy hỗn hợp tinh dầu gừng và hương thảo hoạt động như một chất hạ cholesterol, qua đó đẩy lùi tình trạng thừa cholesterol trong máu (bệnh hypercholesterolemia) ở loài gặm nhấm này.

Theo các chuyên gia, gừng sở hữu các đặc tính giảm đau, chống viêm và kháng khuẩn, trong khi hương thảo hỗ trợ hệ miễn dịch và cải thiện tuần hoàn máu – tất cả đều mang lại lợi ích bảo vệ sức khỏe tim mạch. Kết quả nghiên cứu mới cũng cho thấy tinh dầu gừng và tinh dầu hương thảo có triển vọng dùng như liệu pháp phòng chống các bệnh tim mạch ở người.

Ngoài gừng và hương thảo, một số rau gia vị và thực phẩm khác cũng được chứng thực kiểm soát tốt mỡ trong máu, chẳng hạn như cỏ xạ hương (thyme) – một loại rau thơm thường được dùng trong chế biến các món Âu. Không chỉ tốt cho tim mạch, loại rau gia vị này còn có đặc tính kháng khuẩn, giúp bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn và nấm. Trong khi đó, bột gia vị bạch đậu khấu (cardamom) được cho có tác dụng hạ huyết áp và triệt tiêu các tế bào gốc gây tổn thương tim và các mô khác trong cơ thể nhờ chứa nhiều thành phần chống ôxy hóa. Tương tự, hạt Methi (fenugrrek seed) cũng chứa nhiều chất chống ôxy hóa giúp chống tắc nghẽn động mạch, điều hòa huyết áp, giảm cholesterol và ngừa nguy cơ đau tim. Mỗi ngày ăn một ít bột cari khi bụng đói để có được kết quả cao nhất. Một gia vị khác là tỏi cũng đã được chứng minh tốt cho tim nhờ tác dụng hạ huyết áp và giảm cholesterol “xấu” LDL. Để đạt hiệu quả cao nhất, mỗi ngày nên ăn 1-2 tép tỏi hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ để bổ sung tỏi với liều lượng phù hợp.

Ngoài những thảo mộc và gia vị nói trên, chúng ta có thể bảo vệ sức khỏe tim mạch bằng loại thức uống quen thuộc với nhiều người - trà xanh. Nhờ chứa nhiều chất chống ôxy hóa và các flavonoid có lợi, trà xanh có thể cải thiện sức khỏe màng ngoài tim và các mạch máu, đồng thời giảm hàm lượng hai loại mỡ trong máu triglyceride và cholesterol. Nghiên cứu cho thấy uống 5 tách trà xanh/ngày giúp giảm tới 26% nguy cơ tử vong do đau tim hoặc đột quỵ.

* Nghiên cứu của các nhà khoa học Anh vừa chứng minh dầu dừa có thể cải thiện thành phần cholesterol, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim và ngừa đột quỵ.

Hai Giáo sư Nita Forouhi và Kay-Tee Khaw tại Đại học Cambridge đã rút ra kết luận trên sau khi thực hiện nghiên cứu đối với 94 người tình nguyện trong độ tuổi 50-75, không ai trong số họ có tiền sử bị bệnh tim hoặc tiểu đường. Những người tham gia được chia thành 3 nhóm, dùng chế độ ăn chứa 50gr dầu dừa (tương đương 3 muỗng nhỏ), dầu ô-liu nguyên chất hoặc bơ lạt (không muối) mỗi ngày trong 4 tuần. Kết quả kiểm tra sau đó cho thấy nhóm tiêu thụ bơ đã tăng 10% hàm lượng cholesterol “xấu” LDL, nhóm dùng dầu ô-liu nguyên chất giảm hàm lượng LDL chút ít và tăng 5% hàm lượng cholesterol “tốt” HDL. Trong khi đó, nhóm tiêu thụ dầu dừa được ghi nhận gia tăng hàm lượng cholesterol tốt nhiều nhất, trung bình 15%. Nhóm nghiên cứu nhận định việc loại bỏ hoàn toàn chất béo ra khỏi chế độ ăn không phải là cách tốt để phòng tránh các bệnh tim mạch, mà vấn đề là chọn loại chất béo nào có lợi để tiêu thụ.

HẠNH NGUYÊN (Theo Natural News, ANI)

Chia sẻ bài viết