13/09/2014 - 17:10

Tín ngưỡng thờ các anh hùng kháng Pháp ở Nam bộ

Xuất phát từ đạo lý uống nước nhớ nguồn, cư dân Nam bộ không chỉ thờ cúng Tổ tiên, các vị phúc thần mà còn thờ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tín ngưỡng thờ các anh hùng kháng Pháp cũng nhằm thể hiện đạo lý này.

Người dân Nam bộ có truyền thống trọng tình. Họ bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với những người có công với làng, với nước, đặc biệt là những anh hùng vì nước quên thân, bằng những hành động cụ thể: liều mình chôn cất những vị anh hùng bị địch bêu xác, tổ chức lễ giỗ trang trọng, lưu truyền nhiều truyền thuyết tôn vinh sự anh dũng, lòng yêu nước và căm thù giặc của các vị… Ngày nay, truyền thuyết về những anh hùng, những lãnh tụ chống Pháp cuối thế kỷ XIX như Nguyễn Trung Trực (1839- 1868), Thiên Hộ Dương (1827- 1866), Thủ Khoa Huân (1830- 1875), Trương Định (1820-1864)… vẫn còn lưu truyền trong dân gian. Đơn cử, chỉ riêng chi tiết Nguyễn Trung Trực thụ hình cũng đã có cả một câu chuyện dài với nhiều tình tiết ly kỳ.

Đền thờ Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá, Kiên Giang.

"Tục truyền, vào đêm nọ, Nguyễn Trung Trực một mình một ngựa đột nhập thành Kiên Giang, hạ sát bảy tám chục tên giặc. Bọn Pháp sống sót tỉnh dậy, đuổi theo. Ra tới bờ biển, chúng đã thấy ông ngồi trên mình ngựa, lướt trên biển như bay về phía Hòn Tre. Bọn giặc bắn theo, nhưng đạn vừa ra khỏi súng liền quay ngược lại, xuyên thẳng vào ngực chúng.

Khi ông Nguyễn ở Hòn Tre dồn sức xây dựng lực lượng thì tại Rạch Giá, một tên xã trưởng dâng kế cho giặc bắt giam mẹ ông cùng một số dân lành vô tội. Thương dân, thương mẹ, lại biết vận nước đang suy, một mình khó bề cứu nỗi cơ đồ, ông Nguyễn đành chọn cái chết để cứu bao người.

Bắt được ông, giặc khuyến dụ, nếu ông chịu thần phục thì sẽ được cử làm công sứ miền Tây. Chúng hẹn trong bảy ngày để ông suy nghĩ. Đến hẹn, Nguyễn Trung Trực mặc võ phục, đeo kiếm đến trước mặt kẻ thù. Ông rút kiếm chém xuống đất, thà chịu rơi đầu chứ không chịu hàng.

Bọn giặc đưa ông Nguyễn xuống một thông báo hạm để chở ông về Sài Gòn. Suốt chặng đường dài một ngày đêm, tên Việt gian Huỳnh Công Tấn cố khuyên ông Nguyễn nên theo Pháp để được an toàn và được hưởng lợi lộc. Ông Nguyễn không thèm nghe. Khi Tấn dụ ông nhận một chức lớn gì đó, ông khẳng khái đáp:

- Tôi chỉ muốn làm một chức thôi, chức gì mà tôi có quyền chặt đầu tất cả bọn Tây!

Lại có lời truyền rằng, khi một sĩ quan Pháp bảo rằng, dù ông có theo chúng hay không, chúng cũng sẽ diệt hết phong trào kháng Pháp. Ông Nguyễn bảo:

- Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì nước Nam mới hết người đánh Tây!

Bọn giặc biết không tài nào thuyết phục ông Nguyễn theo Tây như Huỳnh Công Tấn nên chúng tuyên án tử hình ông và đưa ông về Rạch Giá.

Được tin dữ, đồng bào Tà Niên- một làng có nghề trồng chiếu nổi tiếng và là nơi có nhiều người tham gia nghĩa quân của ông Nguyễn- đã dệt gấp một số chiếu bông. Ngày 27 tháng 10 năm 1868, giặc Pháp chọn chỗ đất (nay là bưu điện Rạch Giá) làm pháp trường xử tử ông Nguyễn. Sáng sớm, chỗ đất ấy đã được trải kín chiếu bông Tà Niên để cho ông Nguyễn đi. Nơi ông đứng thọ án, người dân trải một chiếc chiếu bông cực đẹp, chính giữa có dệt hồi văn chữ THỌ lớn."(1)

Các vị anh hùng xả thân vì nước như cụ Nguyễn Trung Trực đều được người dân Nam bộ xem như những vị thần của làng xóm mình, từ đó họ lập miếu thờ, lập bia ghi công đức, xây dựng mộ phần… Tất cả tạo thành một tín ngưỡng dân gian tồn tại mãi trong lòng cư dân vùng đất này.Việc xây miếu hay đền thờ nhằm vào hai mục đích chính: Trước tiên là để linh hồn những người đã khuất có nơi yên nghỉ đàng hoàng, khỏi phải vất vưởng; kế tiếp là để cư dân quanh vùng có dịp đến viếng anh linh, nhớ đến công ơn của các vị, đồng thời đây cũng là nơi để người dân gởi gắm, cầu xin, mong ước được một cuộc sống an lành, hạnh phúc. Hiện nay, ở Nam bộ có rất nhiều đền thờ dạng này. Tiêu biểu:

"Đền thờ Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều: Đền thờ hai ông hiện ở khu vực Gò Tháp, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Ngôi đền quanh năm không ngớt khói hương bởi lòng thành kính của khách thập phương và dân trong vùng. Hàng năm, đến ngày giỗ Thiên Hộ Dương, nơi đây trở thành trung tâm của lễ hội.

Đền thờ Thủ Khoa Huân: Ngôi đền được xây dựng gần đây, thuộc xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang. Bên trái đền là mộ Thủ Khoa Huân. Đền có gian chính thờ di ảnh, linh vị anh hùng. Hai bên tả hữu thờ các tướng lĩnh của ông. Khuôn viên đền rộng mát, cũng là nơi tổ chức lễ giỗ ông hàng năm.

Riêng đình Tịnh Hà (xã Mỹ Tịnh, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) là nơi thờ Thủ Khoa Huân ngay sau khi ông bị hành hình (1865). Đồng bào và các học trò đưa ông vào thờ dưới dạng Tiền hiền, cùng với ba vị quan lại cấp cao đời Lê- Nguyễn. Cả bốn vị được thờ ở hương án Hội đồng. Sau cùng, ông được tôn thành vị chính thần của địa phương."(2)

Ngoài ra, còn có thể kể đến đền thờ Thống Linh ở TP Cao Lãnh, đền thờ Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang… và biết bao những miếu, những đền như thế ở khắp nơi trên vùng đất Nam bộ.

Có thờ thì phải có cúng, các đền miếu này đa số đều có phân công người coi sóc và khói hương hằng ngày. Hằng năm, trong các đền miếu này đều có một hoặc nhiều kỳ lễ hội riêng, thường gắn với cuộc đời của vị anh hùng được thờ như ngày sinh, ngày mất… Bên cạnh đó, mỗi nơi cũng chọn ra một ngày nhất định để làm lễ cúng tế anh linh các vị. Ở những đền miếu có nhiều nhân vật được phối hợp thờ thì thường kỳ lễ gắn với những anh hùng được thờ và xem như kỳ lễ chính trong năm.

Bên cạnh đó, nhân dân Nam bộ còn bày tỏ lòng tiếc thương với tất cả những người đã ngã xuống, cho dù vô danh: "Sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, thực dân Pháp núp sau lưng quân đội Đồng Minh quay trở lại chiếm nước ta một lần nữa. Ngày 23-9-1945, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Sài Gòn- Gia Định bắt đầu. Hàng nghìn con em của thành phố đã anh dũng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Nhưng vì trong thời gian đầu lực lượng quân sự của ta còn non yếu phải rút ra chiến khu hoặc các huyện ngoại thành tổ chức trường kỳ kháng chiến. Những gia đình có con em hy sinh trong chiến đấu đến ngày giỗ vẫn tổ chức cúng. Các đồng đội, bà con, xóm giềng vẫn tới dự để tưởng nhớ liệt sĩ và thầm hứa trung thành với cách mạng, với kháng chiến để khỏi phụ lòng người đã nằm xuống. Quân thù không thể lấy cớ gì để ngăn cấm, đàn áp, vì phong tục thờ cúng người chết là truyền thống lâu đời của mọi gia đình Việt Nam, mặc dầu bọn tề điệp, bọn chỉ điểm thừa biết đó là ngày giỗ của liệt sĩ."(3)

Tín ngưỡng thờ các anh hùng kháng Pháp có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tinh thần của người dân Nam bộ. Không chỉ thể hiện đạo lý uống nhớ nguồn, tri ân những anh hùng bảo vệ độc lập dân tộc, tín ngưỡng đó còn "thể hiện trách nhiệm của các thế hệ cháu con đối với các bậc tiền nhân. Trách nhiệm đó không chỉ thể hiện qua những hành động cúng tế cụ thể mà sâu rộng hơn nữa là giữ gìn những tập tục vốn là nét văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc."(4)

Trần Phỏng Diều


1 Võ Phúc Châu (2011), Truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ (1858-1918), Nxb Thời Đại, tr.348-351.

2 Võ Phúc Châu, sđd, tr.214-215.

3 Võ Thanh Bằng (chủ biên) (2008), Tín ngưỡng dân gian ở thành phố Hồ Chí Minh, Nxb ĐHQG TP.HCM, tr.154-155.

4 Võ Thanh Bằng, sđd, tr.139.

Chia sẻ bài viết