17/03/2011 - 09:00

Tiết kiệm điện để giảm chi phí sản xuất

Từ ngày 1-3, giá điện được điều chỉnh tăng theo chủ trương của Chính phủ. Giá điện tăng khiến các doanh nghiệp (DN) lo ngại trước bài toán gia tăng chi phí sản xuất. Vì thế, giải pháp sử dụng tiết kiệm điện năng để “kiềm” giá thành sản xuất, giảm áp lực cho ngành điện đang được DN vận dụng...

Chủ động tiết kiệm điện

Nhằm giảm bớt áp lực tăng giá điện, nhiều DN trên địa bàn TP Cần Thơ hiện đang vận dụng nhiều biện pháp để tiết kiệm điện hiệu quả. Ông Ngô Văn Chơn, Phó phòng Chuẩn bị sản xuất Công ty Cổ phần may Tây Đô (Công ty may Tây Đô), cho biết: Công ty đang thực hiện chương trình cải tiến sản xuất theo công nghệ Lean (quản lý sản xuất tinh gọn) của Nhật Bản giúp loại bỏ lãng phí và tăng năng suất lao động. Qua đó công ty “loại bỏ” 10 loại lãng phí trong sản xuất, trong đó có lãng phí về sử dụng năng lượng. Nhờ bố trí chuyền sản xuất theo tiêu chuẩn “dòng chảy một chi tiết” công ty đã sử dụng tối ưu mặt bằng, giảm số lượng máy móc không cần thiết. Trước đây, Công ty may Tây Đô có 5 phân xưởng sản xuất đặt tại 5 tầng lầu, với 4 chuyền may/xưởng. Việc bố trí lại chuyền sản xuất giúp làm giảm chiều dài chuyền may từ 31m xuống còn 27m. Mỗi xưởng may bố trí được 5 chuyền may, giúp công ty tiết kiệm được một tầng lầu tận dụng làm kho chứa hàng và tiết kiệm điện năng chiếu sáng của tầng lầu đó. Ngoài ra, công ty thay bóng đèn T10 bằng bóng T8 giảm lượng điện năng tiêu thụ, giảm số đèn chiếu sáng tại những khu vực không cần thiết, đầu tư 300 triệu đồng lắp đặt nồi hơi đốt trấu để thay cho nồi hơi đốt bằng điện. Những giải pháp tiết kiệm điện đồng bộ này đã giúp Công ty may Tây Đô tiết kiệm điện 240.000kwh/năm với số tiền tiết kiệm hàng năm khoảng 266 triệu đồng.

Công ty Cổ phần May Tây Đô bố trí dây chuyền sản xuất theo tiêu chuẩn “dòng chảy một chi tiết” để tiết kiệm năng lượng. 

Còn ông Nguyễn Quang Trí, Giám đốc công ty TNHH sản xuất và thương mại Trí Thành chuyên sản xuất các sản phẩm bò viên, cá viên, tôm viên, xúc xích, cho biết: Trước đây, để sản xuất ra 10 tấn sản phẩm mỗi ngày, công ty sử dụng 8 nồi hơi với chi phí điện trên dưới 124 triệu đồng mỗi tháng. Từ khi chuyển sang đốt lò hơi bằng than đá, chi phí này giảm xuống còn 60 triệu đồng/tháng. Ông Trí cho biết thêm, mới đây công ty tham quan mô hình lò hơi đốt bằng trấu ở một số doanh nghiệp trên địa bàn để học hỏi kinh nghiệm, dự kiến sẽ chuyển sang sử dụng lò đốt bằng trấu trong năm nay, để giảm chi phí sử dụng năng lượng xuống mức bình quân 20 triệu đồng/tháng.

Hiện tại, giá xăng dầu tăng kéo theo chi phí vận chuyển tăng, giá điện và giá nguyên liệu tăng, đẩy giá thành sản xuất tăng theo. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, các DN vẫn cân nhắc trong việc tăng giá thành sản phẩm vì phải cân đối với những nhà sản xuất lớn khác để giữ chân khách hàng. Muốn làm được điều này, trước mắt DN buộc phải đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm năng lượng, nâng cao năng suất, chất lượng công việc thì mới mong vượt qua cơn khó khăn bão giá như hiện nay.

Nhiều chính sách hỗ trợ DN

Theo ông Ngô Văn Chơn, Phó Phòng Chuẩn bị sản xuất Công ty may Tây Đô, cho biết: “Trong năm 2010, Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng Cần Thơ đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và phát triển năng lượng (ENERTEAM) tại TP Hồ Chí Minh hỗ trợ Công ty may Tây Đô thực hiện việc kiểm toán năng lượng, và tư vấn những giải pháp tiết kiệm năng lượng. Hiện tại, công ty đã dựa trên nội dung tư vấn đó để xây dựng kế hoạch tiết kiệm năng lượng cho công ty. Trong số các giải pháp tư vấn có giải pháp thay thế các máy cơ cũ bằng máy điện từ, nhưng do không thể thay đồng loạt nên công ty đang tiến hành thay dần để đảm bảo thời gian hoàn vốn của việc đầu tư trang thiết bị mới”. Tuy nhiên, số DN tham gia kiểm toán điện năng ở TP Cần Thơ như trường hợp của Công ty may Tây Đô vẫn còn hạn chế.

Ông Võ Quốc Hùng, Trưởng phòng Quản lý điện năng, Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: Thành phố đã có chủ trương hỗ trợ DN thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện năng. Tuy nhiên, số lượng DN tham gia kiểm toán điện còn ít do chi phí kiểm toán cao (trung bình là 50 triệu đồng/DN- chi phí này do Bộ Công thương hỗ trợ). Mặt khác, có một số DN được mời tham gia chương trình kiểm toán điện đa phần đều từ chối với lý do không muốn quy trình sản xuất, thiết bị công nghệ của DN bị tiết lộ. Theo ông Hùng, cần thực hiện công tác tuyên truyền, vận động để DN nhiệt tình phối hợp với các sở, ngành thành phố trong việc kiểm toán điện năng để được tư vấn các giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả. Bên cạnh đó, Sở Công thương và Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Cần Thơ sẽ tìm những nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Đầu tư của thành phố để hỗ trợ DN về chi phí trong quá trình kiểm toán điện.

Theo ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ kiêm Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng Cần Thơ, Sở đã thành lập Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng, thực hiện tuyên truyền đến người dân và DN sử dụng điện nói riêng và năng lượng nói chung một cách tiết kiệm và hiệu quả. Hiện tại, cung cầu điện đang mất cân đối nên việc tuyên truyền về mức thiếu hụt, đưa ra giải pháp tư vấn về công nghệ và giải pháp để DN ứng dụng kỹ thuật sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là rất cần thiết. Năm 2010, trung tâm đã thực hiện tư vấn và kiểm toán điện tại 5 DN, đảm bảo giúp DN sử dụng tiết kiệm từ 5-10% sản lượng điện tiêu thụ. Năm 2011, trung tâm dự kiến sẽ hỗ trợ 10 DN kiểm toán điện năng và tư vấn sử dụng năng lượng tiết kiệm. Song song đó, sẽ tổ chức hội thảo giới thiệu đến DN những trang thiết bị mới có ưu thế tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, lập danh sách các DN tiêu thụ điện năng trọng điểm để mở lớp đào tạo cán bộ chuyên trách về quản lý năng lượng hiệu quả”...

Bài, ảnh: M.HUYỀN

Chia sẻ bài viết