18/05/2022 - 22:09

Tiếp sức nhân rộng hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa 

Những năm gần đây, truy xuất nguồn gốc (TXNG) sản phẩm hàng hóa từ khâu sản xuất, chế biến, cho đến khi lưu thông trên thị trường trở thành xu thế tất yếu, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Nắm bắt xu thế này, TP Cần Thơ đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã ứng dụng TXNG vào hoạt động sản xuất kinh doanh và ghi nhận kết quả bước đầu.

Thao tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm giá sạch Hồng Nhung (Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hồng Nhung).

Đáp ứng xu thế

Ông Nguyễn Minh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản, thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: “TXNG sản phẩm không còn là quy định mới mà trở thành yêu cầu bắt buộc đối với nhóm hàng hóa thực phẩm ở một số thị trường nhập khẩu lớn trên thế giới như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… Vì vậy, chúng ta phải bắt kịp các xu thế nhằm đưa sản phẩm hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng đáp ứng yêu cầu thị trường, gia tăng lợi thế cạnh tranh và khẳng định thương hiệu trên thế giới. Ngành Nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch thực hiện Ðề án Triển khai áp dụng và quản lý hệ thống TXNG sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2022-2030. Ðồng thời, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện TXNG cho nhiều sản phẩm nông nghiệp như cá thát lát, trà mãng cầu, xoài cát, tổ yến… Ðây là dòng sản phẩm chủ lực, được phân phối ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong tương lai.

Về phía Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ cũng triển khai Dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đăng ký và TXNG sản phẩm hàng hóa TP Cần Thơ”. Dự án do Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ thành phố chủ trì thực hiện từ tháng 1-2021 đến tháng 6-2022. Mục tiêu dự án nhằm xây dựng mô hình cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin và các công cụ hỗ trợ phục vụ cho việc đăng ký và TXNG các sản phẩm hàng hóa của TP Cần Thơ dựa trên mã QR. Ðồng thời, triển khai thử nghiệm đăng ký nguồn gốc cho 10 sản phẩm hàng hóa của TP Cần Thơ. Ðến nay, Dự án chọn được 17 sản phẩm triển khai TXNG: dâu Hạ Châu (Hợp tác xã Dâu Hạ Châu Phong Ðiền), nhãn thanh (Hợp tác xã Hữu Tâm - Cờ Ðỏ), giá sạch Hồng Nhung (Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hồng Nhung), trà mãng cầu (Công ty TNHH Chế biến nông sản Kim Nhiên), Hapi chả viên thát lát - tôm (Công ty CP Thực phẩm Phạm Nghĩa)…

Là một trong những đơn vị được hỗ trợ từ Dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đăng ký và TXNG sản phẩm hàng hóa TP Cần Thơ”, ông Phạm Ngọc Ðá, Giám đốc Hợp tác xã Giọt Phù Sa, chia sẻ: “Chúng tôi chuyên sản xuất các sản phẩm nấm dược liệu vì sức khỏe cộng đồng. Hiện chúng tôi xây dựng kênh phân phối tại 63 tỉnh, thành và hướng đến xuất khẩu nên việc TXNG là vô cùng quan trọng. Thông qua hỗ trợ từ Dự án, chúng tôi đã thực hiện TXNG cho sản phẩm trà sâm túi lọc Ðông trùng hạ thảo. Việc TXNG cho sản phẩm mang lại kết quả bước đầu: minh bạch thông tin; khẳng định uy tín, bảo chứng thương hiệu; kết nối với khách hàng; giải pháp quản trị sản xuất hữu hiệu”.

Phát huy, nhân rộng

Qua gần 1,5 năm thực hiện Dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đăng ký và TXNG sản phẩm hàng hóa TP Cần Thơ”, 100% đơn vị đánh giá hệ thống TXNG phù hợp với thực tế sản xuất của đơn vị, 87% đơn vị đánh giá các tính năng của hệ thống đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của đơn vị. Tuy nhiên, còn 13% đơn vị đánh giá là chưa thực hiện được và cần sự hỗ trợ của các thành viên dự án. Nguyên nhân là do thiếu nhân sự có chuyên môn phụ trách dẫn đến quá trình thao tác chưa được thực hiện thường xuyên, thành thục…

Theo ông Trần Thế Duy, Chủ nhiệm Dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đăng ký và TXNG sản phẩm hàng hóa TP Cần Thơ”, thời gian tới, dự án tiếp tục hoàn thiện và đề ra giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã trên cơ sở rút kinh nghiệm từ thực tế cũng như ý kiến đóng góp, đề xuất từ các bên có liên quan. Các bên có liên quan cần phối hợp mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng và hướng dẫn người dân hình thành thói quen thực hiện TXNG sản phẩm. Tuy nhiên, về lâu dài, bản thân doanh nghiệp, người quản lý chất lượng sản phẩm phải ý thức được tầm quan trọng của vấn đề và xác định rõ các phần việc, lên kế hoạch TXNG sản phẩm.

Ông Nguyễn Minh Hải cho biết: Việc định hướng sản xuất nông nghiệp kết hợp với ứng dụng TXNG là một trong giải pháp góp phần thực hiện hiệu quả Ðề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thành phố. Do đó, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu UBND thành phố ban hành danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm nông nghiệp ưu tiên triển khai TXNG. Mục tiêu đến năm 2030, 100% sản phẩm OCOP, sản phẩm được chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, 100% sản phẩm từ sản xuất ban đầu (chăn nuôi, trồng trọt, nuôi thủy sản) là nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu và 80% sản phẩm nông nghiệp chủ lực được hỗ trợ áp dụng TXNG. Song song đó, sẽ hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa áp dụng TXNG của thành phố kết nối với hệ thống quản lý TXNG sản phẩm hàng hóa của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quốc gia.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết