10/08/2009 - 20:50

Hàng Việt về nông thôn

Tích lũy kinh nghiệm và tạo niềm tin

Người tiêu dùng nông thôn không có nhiều cơ hội tiếp cận với Hàng Việt Nam chất lượng cao do phụ thuộc rất nhiều vào chính sách giá, mẫu mã sản phẩm của doanh nghiệp. Nhằm kích cầu tiêu dùng nông thôn, Bộ Công thương đã và đang triển khai chương trình xúc tiến thương mại ở thị trường nội địa và thúc đẩy bán hàng Việt tại khu vực có hơn 70% người tiêu dùng sinh sống. Đây là dịp để doanh nghiệp Việt Nam định dạng lại hệ thống phân phối của mình một cách hợp lý.

Rút ngắn khoảng cách tiêu dùng

Chương trình đưa “Hàng Việt về nông thôn” vào đầu tháng 3-2009 tổ chức tại tỉnh An Giang là khởi đầu đột phá nhằm mục tiêu đẩy mạnh bán hàng trên thị trường nội địa. Tại đây, các doanh nghiệp (DN) đã nhận ra sự thiếu sót của mình đối với người tiêu dùng nông thôn và thiếu phân khúc thị trường cho đối tượng này. Từ tháng 3 đến nay, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (BSA) đã phối hợp cùng các DN Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), Báo Sài Gòn tiếp thị... tổ chức 5 phiên chợ nông thôn. Bến Tre là địa phương thứ 5 tổ chức chương trình Hàng Việt về nông thôn (2 ngày 7 và 8-8-2009) tại huyện Mỏ Cày Bắc đã thu hút khoảng 10.000 lượt khách tham quan, mua sắm, doanh thu bán hàng đạt khoảng 400 triệu đồng. Phiên chợ có 38 DN tham gia với những thương hiệu tên tuổi như: Vinatex, Mỹ Hảo, ICP, Kim Hằng, Vissan, Namilux, Nhựa gia dụng Duy Tân...

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA cho biết: “Bến Tre là địa phương thứ 5 tổ chức phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn”, số DN tham gia nhiều nhất so những lần trước. Tại tỉnh An Giang chỉ 10 DN tham gia, nhưng sự thành công của phiên chợ đã thu hút ngày càng nhiều DN. Lần này, doanh số bán hàng ở Bến Tre đạt không cao vì phiên chợ tổ chức tại huyện nghèo, mới được chia tách, nhưng với lượng người tham quan đông cho thấy nông dân vùng sâu rất quan tâm đến HVNCLC”. Theo bà Vũ Kim Hạnh, mục tiêu của Ban tổ chức phải đảm bảo sản phẩm trưng bày và bán tại các phiên chợ đã qua cũng như sắp tới đều là HVNCLC, chất lượng, mẫu mã đa dạng để người dân vùng thôn tin tưởng, quan tâm sử dụng hàng Việt.

Người dân đến tham quan, mua sắm tại gian hàng Công ty hóa phẩm Mỹ Hảo tại phiên chợ ngày 7-8-2009 ở Mỏ Cày Bắc (Bến Tre). 

Trong 2 ngày tổ chức phiên chợ tại Bến Tre, các DN tham gia đặt mục tiêu không vì mục đích bán hàng (hầu hết đều chịu lỗ), mà cái chính là giới thiệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Hàng hóa tại phiên chợ được các DN áp dụng chương trình khuyến mãi, giảm giá chênh lệch so với giá chung trên thị trường 10- 30%. Ông Võ Văn Thành, Phó Giám đốc Siêu thị Vinatex (Vĩnh Long), nói: “So với phiên chợ tổ chức ở huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) hồi tháng 6-2009, phiên chợ lần này doanh số bán hàng của chúng tôi chỉ đạt 15 triệu đồng, giảm 50%, nhưng thành công là mặt hàng may mặc có thương hiệu hàng đầu Việt Nam là Việt Tiến, Việt Thắng, Thành Công, Thắng Lợi... của Vinatex được hàng ngàn người dân nông thôn ở Bến Tre biết đến”. Để người dân nông thôn có điều kiện sử dụng hàng chất lượng cao, sản phẩm của Vinatex giảm giá khoảng 30% so với giá chung của hệ thống siêu thị Vinatex. Còn Mỹ Hảo- thương hiệu hóa mỹ phẩm nổi tiếng tham gia xuyên suốt các phiên chợ đã tiếp tục thành công cả về doanh số cũng như khách tham quan, mua sắm. Có trên 600 lượt khách đến mua hàng của Công ty hóa phẩm Mỹ Hảo với doanh số bán ra trên 20 triệu đồng. Ban đầu, gian hàng của Công ty hóa phẩm Mỹ Hảo chỉ bố trí 6 nhân viên phục vụ bán hàng, giới thiệu sản phẩm, nhưng do lượng khách đến tham quan, mua sắm quá đông, công ty phải tăng lên 10 người để phục vụ tốt khách hàng...

Chị Nguyễn Thị Thưa, ở xã Hưng Khánh Trung A, huyện Mỏ Cày Bắc, cho biết: “Nghe nói phiên chợ bán hàng Việt Nam chất lượng có khuyến mãi, tôi tạm gác việc nhà cùng con xuống đây để mua sắm. Món nào bán tại phiên chợ tôi cũng ham, ghé vào chỗ Mỹ Hảo mua nước rửa chén, nước xả... để dành xài lâu dài. Tính ra được được tặng khuyến mãi bột giặt, giảm giá khoảng 40.000 đồng”. Còn anh Ngô Văn Phước Em, ở xã Tân Bình, huyện Mỏ Cày Bắc cũng mua một bếp ga trên 500.000 đồng tại gian hàng Bếp ga Namilux. Anh Ngô Văn Phước Em nhận xét: “Hàng Việt Nam đẹp thế này mà không mua thì mua hàng nước nào. Nhìn bếp chắc chắn, sự cam kết của nhân viên gian hàng và nghe giới thiệu phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” là bán hàng chất lượng nên tôi quyết định mua”...

Sự hào hứng của người tiêu dùng nông thôn ngay khi khởi động phiên chợ đã tạo nên không khí sôi động, đồng thời củng cố niềm tin cho DN trong việc định dạng lại hệ thống phân phối nội địa.

Tích lũy kinh nghiệm

Ngoài hoạt động buôn bán tại phiên chợ, Ban tổ chức còn tổ chức gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia thị trường đến từ TP Hồ Chí Minh với chủ đề “làm sao bán hàng giỏi – đông khách” cho 60 hộ tiểu thương tại chợ Ba Vát (huyện Mỏ Cày Bắc) nhằm trang bị kỹ năng bán hàng. Bên cạnh đó, BSA còn vận động các DN hỗ trợ kinh phí trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học ở huyện, tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo... Ông La Văn Bé, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bến Tre, Trưởng Ban tổ chức phiên chợ, cho biết: “Phiên chợ diễn ra thành công đem về lợi ích thiết thực cho cả DN và người tiêu dùng nông thôn. Chúng tôi tin rằng, sau phiên chợ này sản phẩm của các DN Việt Nam sẽ tạo được ấn tượng tốt hơn với khách hàng, qua đó có điều chỉnh trong tương lai để phân phối hàng Việt tại nông thôn phù hợp. Bà con nông dân ở nông thôn sẽ quan tâm sử dụng hàng Việt chất lượng, góp phần loại bỏ hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Các phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” sẽ diễn ra suốt năm 2009, đây là cơ hội để DN tích lũy kinh nghiệm, thiết lập hệ thống phân phối. Tuy nhiên, để chiếm lĩnh thị trường nông thôn, DN cần hiểu người tiêu dùng, đối tượng khách hàng của mình cần gì và có chính sách giá hợp lý, phù hợp với thu nhập, khả năng tài chính ở khu vực này. Song song đó, việc tạo dựng “thương hiệu” tại sân nhà cần những cam kết nhất quán từ phía DN, các sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, an toàn.

Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu và thị trường nội địa - trong đó có thị trường nông thôn - đầy tiềm năng, nhưng thực tế thời gian qua, các DN chưa quan tâm nhiều để đưa hàng Việt Nam về thị trường này, do đó, hàng Trung Quốc, Thái Lan... có cơ hội chiếm lĩnh. Vì vậy, Chính phủ rất quan tâm, đồng thời giao cho các ngành hữu quan kiểm soát chặt chẽ sản phẩm được bày bán ở phiên chợ. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong chương trình đưa “Hàng Việt về nông thôn”, Bộ Công thương, Sở Công thương các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ các DN đưa hàng về nông thôn, nhằm đảm bảo chất lượng và giá cả cho người tiêu dùng chấp nhận được. Mặt khác, DN được hỗ trợ đưa hàng về thị trường nông thôn phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa, giá cả. Đây thực sự là thách thức lớn đối với DN trong lúc hàng rào thuế quan đang giảm mạnh ở nhiều mặt hàng nhập khẩu, khi nước ta đang thực hiện cam kết cắt giảm thuế theo WTO.

Bài, ảnh: CAO DƯƠNG

Chia sẻ bài viết