19/04/2012 - 21:24

Tia hy vọng cho phòng trị bệnh chổi rồng trên cây nhãn

Kỹ sư Hồ Quang Cua (bên phải) và ông Đoàn Tấn Nguyện quan sát một cơi đọt mới không hề bị chổi rồng nhờ giải pháp sinh học hữu cơ. 

Với bộ sản phẩm gồm: Amino Đồng Xanh (chổi rồng), giúp cây kháng virus; Amino dầu sáp giúp cây kháng nhện lông nhung; Tam Nông vi nấm 3 màu đối kháng nhện lông nhung và côn trùng gây hại; cùng Amino chelate làm môi trường nuôi vi nấm, làm chất dinh dưỡng cho cây, Công ty TNHH Tam Nông đang thắp lên tia hy vọng cho nhà vườn Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng nói riêng và cả ĐBSCL nói chung trong việc phòng trị bệnh chổi rồng gây hại trên cây nhãn.

Ông Đoàn Tấn Nguyện, Giám đốc Công ty TNHH Tam Nông, giải thích: “Nguyên nhân gây bệnh chổi rồng gây hại trên cây nhãn là do virus ẩn từ trong thân mẹ, trên các mầm ghép, vết khắc xử lý ra hoa được nhện lông nhung truyền sang. Loại virus này có thể lây lan qua nhiều con đường như: nước, gió, tiếp xúc... Vì vậy, để phòng trị bệnh chổi rồng hiệu quả, chúng tôi tiến hành đồng thời cả “3 mũi giáp công” nhằm ức chế virus, diệt nhện lông nhung và bổ sung dinh dưỡng cho cây”. Cũng theo ông Đoàn Tấn Nguyện, thường sau khi thu trái, cây bị mất sức nhiều, sức đề kháng yếu, hơn nữa thời điểm này lại rơi vào mùa khô, là điều kiện thuận lợi cho nhện lông nhung phát triển. Vì vậy, thời điểm phun thuốc tốt nhất là sau khi tỉa cành xong. Nếu nhà vườn sử dụng đúng cách, mỗi năm chỉ cần phun khoảng 4 lần, chi phí khoảng 10 ngàn đồng/cây/lần...

Kết quả thử nghiệm cho thấy, ngay trên một cành đang bị chổi rồng, sau khi được phun thuốc hữu cơ sinh học, những cơi đọt mới đã ra được từ 10-20cm không hề bị chổi rồng tấn công làm xoăn lá như những cơi đọt cũ. Tại vườn nhãn của bà Nguyễn Thị Thưa, ở ấp Mỹ Huề, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, những cây nhãn bị bệnh chổi rồng sau khi được phun bộ sản phẩm của Công ty TNHH Tam Nông đang ra những cơi đọt mới xanh mướt. Quan sát kỹ trên những cơi đọt bị bệnh có thể thấy sự ký sinh của nấm trên côn trùng gây hại. Bà Nguyễn Thị Thưa cho biết: “Vườn nhãn tơ nhà tôi có 100 gốc vườn cho thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/năm. Nhưng năm 2011 không thu hoạch được gì do bệnh chổi rồng. Mới đây, vườn nhãn nhà tôi được Công ty TNHH Tam Nông đến xử lý cây nhãn bị bệnh bằng thuốc sinh học hữu cơ, giờ cây đã ra đọt mới mà không thấy có bệnh chổi rồng cũng mừng”. Tại các điểm thử nghiệm của anh Chín Vũ ở xã An Lạc Thôn, sau khi xử lý bằng sinh học cũng đang cho kết quả khả quan. Anh Vũ cho biết, nếu dùng thuốc hóa học, gần như mỗi tuần đều phải phun, còn khi sử dụng thuốc sinh học hữu cơ này, 3 tháng mới phải phun một lần. Ông Đoàn Tấn Nguyện cho biết thêm: “Chúng tôi đã thực hiện thử nghiệm tại 9 điểm, trên diện tích khoảng 2ha với khoảng 300 cây nhãn. Kết quả bước đầu rất khả quan và chúng tôi tiếp tục theo dõi các điểm này để có những đánh giá thực tế”.

Amino dầu sáp được sản xuất từ dầu dừa, dùng để cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng và tăng sức đề kháng với côn trùng gây hại; trong đó có nhện lông nhung, là tác nhân truyền virus gây bệnh chổi rồng trên cây nhãn.

Amino chổi rồng, được sản xuất từ nhiều loại Amino acid với nồng độ cao, vừa cung cấp dinh dưỡng cho cây nhãn, vừa giúp cây nhãn tăng sức đề kháng với virus (ức chế virus) gây bệnh chổi rồng. Chế phẩm Tam Nông dinh dưỡng, dùng làm môi trường nuôi vi nấm đối kháng, vừa cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Tam Nông vi nấm 3 màu, gồm 3 dòng vi nấm (nấm trắng, xanh và hồng) dùng đối kháng côn trùng chích hút và cả sâu đục cành, đục trái.

Thạc sĩ Vũ Bá Quang, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Kế Sách, cho biết: “Bệnh chổi rồng trên nhãn có từ năm 2007 khiến nhiều nhà vườn chán nản muốn chuyển sang cây trồng khác vì phải phun 7-8 lần thuốc hóa học, gây tốn kém chi phí nhưng hiệu quả mang lại không cao. Việc ứng dụng biện pháp sinh học là phù hợp trong điều kiện hiện nay và ngành nông nghiệp luôn ủng hộ biện pháp này”. Kỹ sư Hồ Quang Cua, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho rằng: “Các nghiên cứu cho thấy, nấm xanh có thể ký sinh trên 70 côn trùng gây hại cây trồng và có hiệu lực lâu dài trong phòng trị dịch hại trên cây trồng. Đối với nấm xanh diệt sâu rầy đã được sử dụng trên lúa trong nhiều năm nay, nhưng đối với nhà vườn thì vẫn còn xa lạ. Tuy nhiên, khi ứng dụng sinh học, nhà vườn cần phải biết kiên nhẫn vì cho dù nấm không diệt hoàn toàn côn trùng gây hại, nhưng mấu chốt là có thể ngăn chặn bệnh bùng phát thành dịch trên diện rộng”.

Với cách làm bài bản của Công ty TNHH Tam Nông được xem là biện pháp tổng hợp trong phòng trừ bệnh chổi rồng, hay còn gọi là biện pháp an toàn sinh học cho cây nhãn. Vì vậy, Công ty Tam Nông, ngành nông nghiệp địa phương và nhà vườn cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn để bệnh chổi rồng có thể được khống chế trong thời gian sớm nhất, trả lại cho nhà vườn những vụ mùa nhãn bội thu...

Bài, ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Chia sẻ bài viết