01/11/2019 - 09:02

Thực phẩm tốt cho sức khỏe cũng tốt cho Trái đất 

Theo nghiên cứu của Đại học Minnesota (Mỹ) và Đại học Oxford (Anh), việc áp dụng rộng rãi chế độ ăn uống lành mạnh sẽ làm giảm đáng kể tác động của ngành sản xuất nông nghiệp và thực phẩm đối với hệ sinh thái, bởi thực phẩm có lợi cho sức khỏe cũng có lợi cho môi trường.

Trong một phân tích mới công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, nhà sinh thái học David Tilman và các cộng sự đã xem xét tác động sức khỏe và môi trường của 15 nhóm thực phẩm khác nhau, bao gồm các loại hạt, trái cây, rau củ, thịt đỏ, sản phẩm từ sữa, trứng, cá, dầu ô liu, các loại đậu và đồ uống có đường. Các thực phẩm được so sánh với nhau dựa trên mức độ ảnh hưởng của chúng đối với nguy cơ mắc bệnh và sự hao tốn tài nguyên trên Trái đất như sử dụng nước và đất, mức độ thải khí nhà kính và cách chúng ảnh hưởng đến tình trạng ô nhiễm nước và đất.

Để đưa ra kết luận về mối quan hệ giữa chế độ ăn uống và sức khỏe, các nhà nghiên cứu đã xem xét 19 nghiên cứu trước đó đối với hàng triệu người trong thời gian dài. Họ sử dụng dữ liệu đó để tính toán việc ăn thêm một phần thực phẩm nhất định mỗi ngày ảnh hưởng ra sao đến nguy cơ ung thư đại trực tràng, bệnh tim mạch vành, đột quỵ, tiểu đường típ 2 và nguy cơ tử vong nói chung. Tương tự, dữ liệu về tác động môi trường của thực phẩm cũng được lọc ra từ các phân tích về vòng đời thực phẩm, bao gồm nhu cầu sử dụng máy móc, đất đai và các tài nguyên khác trong quá trình nuôi, trồng thực phẩm.

Nhìn chung, các nhà nghiên cứu phát hiện thực phẩm giúp tăng cường sức khỏe cũng có xu hướng tốt cho hành tinh và ngược lại. Cụ thể, hầu hết các loại thực phẩm có tác dụng nâng cao sức khỏe (như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau củ, đậu, hạt và dầu ô liu) có tác động môi trường thấp nhất. Trong khi đó, các loại thực phẩm làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiều nhất - chủ yếu là thịt đỏ (heo, bò, cừu, dê) chế biến và chưa qua chế biến - lại tác động tiêu cực đến môi trường nhiều nhất.

Mặc dù sản xuất các loại hạt tiêu tốn nhiều nước, song trưởng nhóm nghiên cứu Tilman cho rằng nước chỉ là một yếu tố ảnh hưởng đến thứ hạng của thực phẩm này. “Nếu nước được dùng để tưới cây, thì tốt hơn nên dùng cho các loại cây trồng tốt cho sức khỏe”, ông nói thêm. Nghiên cứu cho thấy sản xuất một phần hạt tác động tiêu cực đến môi trường nhiều gấp 5 lần so với sản xuất một phần rau. Nhưng so với thịt đỏ con số đó vẫn rất nhỏ. Các nhà nghiên cứu nhận thấy việc tạo ra một phần thịt chế biến tác động xấu đến môi trường gấp 40 lần so với sản xuất một phần rau và ăn thêm một phần thịt đỏ mỗi ngày làm tăng 40% nguy cơ tử vong nói chung.

Chỉ có hai trường hợp ngoại lệ đáng chú ý là cá và thức uống có đường. Theo đó, cá tuy làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh nhưng việc tiêu thụ chúng lại không tốt cho hành tinh bằng chế độ ăn dựa trên thực vật. Lý do là hoạt động đánh bắt cá sử dụng nhiều nhiên liệu diesel và lượng khí thải nhà kính tạo ra cho mỗi khẩu phần cá nhiều gấp 6 lần so với các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Trong khi đó, đồ uống có đường làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường típ 2, bệnh tim mạch vành và đột quỵ, nhưng nghiên cứu cho thấy tác động môi trường của chúng không nhiều hơn trồng rau là mấy.

“Đây là một nghiên cứu hữu ích vì nó sử dụng các phương pháp tương đồng và nhất quán nhằm so sánh mức độ ảnh hưởng của các loại thực phẩm khác nhau đến sức khỏe của con người và hành tinh” - Dariush Mozaffarian, Hiệu trưởng Trường Khoa học và Chính sách dinh dưỡng Friedman thuộc Đại học Tufts, nhận xét. Những phát hiện trên càng củng cố bằng chứng cho thấy cắt giảm thịt đỏ là một lựa chọn lành mạnh, cả cho sức khỏe con người và cho hệ sinh thái.

HOÀNG ĐIỂU (Theo Phys.org, Npr.org)

Chia sẻ bài viết