18/10/2008 - 08:36

Thực hư thỏa thuận an ninh Mỹ - Iraq ?

Hãng tin Anh Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ và Iraq tại Baghdad cho biết, sau nhiều tháng thương lượng, giới lãnh đạo hai nước vừa đạt được thỏa thuận cuối cùng về việc Washington rút quân đội khỏi Iraq và quyền miễn trừ pháp lý của lính Mỹ. Theo đó, Mỹ sẽ bắt đầu rút quân về nước từ giữa năm 2009 và tiến trình này được hoàn tất vào cuối năm 2011; luật pháp Iraq có quyền xét xử những trường hợp binh sĩ Mỹ phạm các tội ác nghiêm trọng, có chủ ý ở phạm vi bên ngoài căn cứ quân sự Mỹ và khi không làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, thỏa thuận cho phép hai bên tiếp tục đàm phán để kéo dài thời hạn đóng quân của Mỹ tại Iraq sau năm 2011 nếu xét thấy cần thiết, và nếu một bên muốn rút khỏi thỏa thuận thì phải thông báo cho bên kia trước một năm. Trong số 152.000 binh sĩ nước ngoài đang có mặt tại Iraq, lính Mỹ chiếm tới 144.000. Số lính Mỹ thiệt mạng tại quốc gia vùng Vịnh này tính đến nay là 4.185 người.

 Sẽ không còn binh sĩ Mỹ ở Iraq sau năm 2011? Ảnh : AP

Theo các nhà phân tích, thỏa thuận an ninh giữa Mỹ và Iraq, đặc biệt trong vấn đề kết thúc chiếm đóng, rất khó thực thi và dễ bị đổ vỡ. Tuy nhiên, việc Washington chấp nhận rút quân trong thời hạn cụ thể như trên chứng tỏ rằng chính quyền Tổng thống George Bush đang nghĩ tới kế hoạch “hoàn thành sứ mạng” tại Iraq, bất chấp sự không tán đồng của ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa, Thượng nghị sĩ John McCain. Theo hãng tin Anh BBC, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đang ra sức vận động Quốc hội Mỹ ủng hộ thỏa thuận này, bởi nhiều ông nghị tỏ ra không an tâm việc luật pháp Iraq được quyền xét xử các binh sĩ Mỹ phạm trọng tội. Tuy nhiên, có lẽ do lo ngại thỏa thuận bị dư luận “hiểu nhầm” là sự thừa nhận thất bại của Lầu Năm Góc tại chiến trường Iraq vào thời điểm nhạy cảm hiện nay (bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 4-11 tới), nên cả người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ lẫn Nhà Trắng đều từ chối xác nhận có bất kỳ thỏa thuận an ninh nào giữa Mỹ và Iraq.

Trong khi đó, tại Baghdad, các quan chức thân Thủ tướng Nuri al-Maliki lại hết sức hồ hởi loan tin về thỏa thuận an ninh giữa Mỹ và Iraq. Lý do, theo các nhà phân tích, thỏa thuận ấy là một thắng lợi cho Đảng Dawa của ông Maliki, vì đây là cơ hội tốt cho phái chính trị này thu hút sự ủng hộ của cử tri trước cuộc bầu cử hội đồng địa phương vào tháng Giêng năm 2009, sau đó là cuộc tổng tuyển cử vào cuối năm. Nhưng để thỏa thuận an ninh với Mỹ có hiệu lực thì cần phải được sự phê chuẩn của 2/3 thành viên quốc hội, mà điều này rất khó khăn bởi các đảng phái hậu thuẫn ông Maliki chỉ chiếm quá bán trong cơ quan lập pháp 275 ghế.

Các nhà phân tích nhận định: Dư luận râm ran về một thỏa thuận An ninh Mỹ-Iraq là hoàn toàn có cơ sở. Bởi lẽ: Sức ép của chiến trường Afghanistan cùng với cuộc khủng hoảng tài chính cực kỳ nghiêm trọng chưa có hồi kết đã buộc Mỹ phải tính tới con đường “chủ động rút lui” khỏi chiến trường Iraq trước khi quá muộn.

PHÚC GIA AN (Theo AP, Reuters, AFP, TTXVN)

Chia sẻ bài viết