30/05/2010 - 21:36

Thực hiện mô hình bệnh viện sạch, đẹp không khói thuốc lá

Gần đây, khi có dịp ghé thăm Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, mọi người đều ngạc nhiên vì bệnh viện đông đúc như thế mà vẫn giữ được sạch, đẹp và không hề thấy người hút thuốc lá hay tàn thuốc lá nào. Ở dọc hành lang các khoa, phòng đều có bảng nội quy cấm hút thuốc lá, bảng tuyên truyền về tác hại của khói thuốc...

* Vì một môi trường không khói thuốc

Chị Lâm Thị Hằng, Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở bệnh viện cho biết: “Mới đây, bệnh viện đã khen thưởng cho 5 cán bộ-nhân viên bỏ thuốc lá”. Một trong số đó là anh Lê Nguyễn Duy Nam, nhân viên bảo trì điện. Anh Nam năm nay mới 33 tuổi nhưng đã có “thâm niên” hút thuốc từ năm 19 tuổi. Anh kể: “Đi học xa nhà buồn, ở nhà trọ cùng với bạn bè, họ hút thuốc, mời mình, thế là mình thử rồi nghiện lúc nào không hay. Mới hút thì ngày vài điếu, hút lâu ngày tăng lên 1-2 gói là thường”. Đến năm 2006, khi “lên chức” cha, có sự động viên, năn nỉ của vợ, anh thôi không hút thuốc ở nhà, vì sợ ảnh hưởng sức khỏe của con. Nhưng ngưng hút ở nhà thì anh tăng cường hút khi đi đám tiệc, uống cà phê cùng bạn bè, hút xả stress sau những giờ làm việc căng thẳng... Năm 2008 khi bệnh viện triển khai vận động cán bộ-công nhân viên không hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện, các anh chị làm cùng bộ phận vận động Nam bỏ thuốc lá. Một số đồng nghiệp cũng dần bỏ thuốc, anh Nam quyết tâm bỏ thuốc lá. Nhưng để bỏ một thói quen đã hình thành từ lâu thật không dễ. Ban đầu, anh Nam hút nửa điếu, bỏ nửa điếu, luôn tìm việc để làm, không để mình ngơi tay nghĩ đến thuốc, hạn chế tiệc tùng, đi quán uống cà phê... Mãi đến cuối năm 2009, Nam mới chính thức bỏ được thuốc lá. Anh Nam cười nói: “May mắn là môi trường làm việc của tôi không khói thuốc, về nhà thì sợ ảnh hưởng con không dám hút, nhiều bạn bè đồng nghiệp đã bỏ thuốc; tối đi học thì trường cũng cấm hút thuốc... nên tôi có đà bỏ thuốc lá luôn!”. Sau khi bỏ thuốc, anh Nam thấy người ăn ngon, ngủ tốt, lên được 2kg. Giống như Nam, trong cuộc vận động này, rất nhiều cán bộ-CNV của bệnh viện đã từ bỏ thuốc lá. Theo số liệu thống kê của bệnh viện, trước ngày 31-5-2009, tỷ lệ cán bộ-nhân viên của bệnh viện hút thuốc lá từ 10-20 điếu/ngày là 1,7% nhưng đến ngày 1-1-2010, qua khảo sát, tỷ lệ người hút thuốc lá giảm xuống còn 0%; tỷ lệ hút thuốc lá dưới 10 điếu/ngày là 5,2% cũng giảm tương ứng xuống còn 2,7%. Không chỉ CB-CNV trong bệnh viện mà lực lượng vệ sĩ, công nhân vệ sinh, tài xế taxi, nhân viên phục vụ trong bếp ăn từ thiện, căng tin... cũng tuân thủ không hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện. Bác sĩ Phan Thanh Tòng, Phó giám đốc bệnh viện, Phó trưởng Ban chỉ đạo xây dựng bệnh viện không khói thuốc lá cho biết: “Khi triển khai, đại diện ban giám đốc ký cam kết với Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh thực hiện Bệnh viện không khói thuốc lá. Từng khoa phòng đều họp triển khai, thảo luận đóng góp ý kiến và ký cam kết thực hiện. Khi kiểm tra khoa, phòng nào còn mùi thuốc lá, tàn thuốc thì khoa, phòng đó bị trừ điểm thi đua. Nếu phát hiện CB-CNV trong khoa, phòng còn hút thuốc lá tại nơi làm việc có thể bị cắt thi đua”.

Cán bộ, công nhân viên toàn bệnh viện tham gia thu gom đầu lọc và tàn thuốc lá. Ảnh: Do bệnh viện cung cấp. 

Tham quan một vòng bệnh viện, tôi thấy thỉnh thoảng vẫn có người đi khám bệnh ở khoa khám bệnh lén hút thuốc. Nhưng chưa kịp hút hơi thứ hai thì các anh vệ sĩ đã có mặt yêu cầu tắt thuốc hoặc mời ra khỏi khuôn viên bệnh viện. Thấy gương mặt ngạc nhiên của tôi, một chị công nhân vệ sinh cười giải thích: “Bệnh viện cấm hút thuốc lá. Thấy có tàn thuốc hay người hút mà vệ sĩ không nhắc nhở là bị rầy, có thể bị phạt nữa nên ai cũng phải chấp hành. Tôi làm trong bệnh viện nên hiểu tác hại của thuốc lá và rất bực mình vì mình không hút mà mấy ổng hút, mình hít khói cũng bị bệnh, vì thế tôi rất ủng hộ hoạt động này!”. Không chỉ riêng lực lượng CB-CNV trong bệnh viện, mà thân nhân, bệnh nhân cũng nghiêm chỉnh chấp hành nội qui này. Ông Nguyễn Văn Sáu, một thân nhân nuôi bệnh cho biết: “Mấy ngày đầu nuôi vợ bệnh, tui thèm thuốc quá mà không dám hút, vì hút trong khoa, phòng, mấy cô điều dưỡng thấy là họ la liền. Khi nào thèm quá thì chịu khó ra cổng hút cho đỡ ghiền”. Thậm chí một số bác sĩ còn từ chối khám bệnh nếu bệnh nhân, thân nhân cứ phì phèo thuốc lá. Nhờ có sự chung tay, góp sức của tất cả mọi người mà môi trường của bệnh viện trở nên trong lành.

*Đa dạng hóa các loại hình truyền thông

Trong bệnh viện, lúc nào cũng hiện diện trên dưới 6.000 người. Trong khi lực lượng cán bộ-nhân viên, vệ sĩ... chiếm chưa đến 1/4 nên để thực hiện dự án “Bệnh viện không khói thuốc lá”, lãnh đạo bệnh viện xác định cần huy dộng tổng lực và đẩy mạnh truyền thông dưới mọi hình thức. Bệnh viện tự trang bị 34 bảng “Nội quy bệnh viện không khói thuốc lá” tại 34 khoa phòng. Trong nội quy nêu rõ: Tuyệt đối không được hút thuốc lá trong bệnh viện, nghiêm cấm hút thuốc lá trong bệnh viện, tất cả mọi người đều có trách nhiệm nhắc nhở mọi người không hút thuốc lá trong bệnh viện và nếu ai vi phạm nội quy sẽ bị mời ra khỏi bệnh viện. Ngoài nội quy, poster tuyên truyền tác hại thuốc lá được treo ở các chỗ dễ quan sát như khoa khám bệnh, khoa thăm dò chức năng... tài liệu tuyên truyền về tác hại thuốc lá cũng được treo tại các góc truyền thông của bệnh viện. Thêm vào đó, chương trình phát thanh nội viện tuyên truyền tác hại thuốc lá và nội quy thực hiện “Bệnh viện không khói thuốc lá” được phát 3 lần/ngày (có phân công người chịu trách nhiệm và giám sát), tuyên truyền tác hại thuốc lá trong buổi sinh hoạt Câu lạc bộ người bệnh hen và COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính) định kỳ hàng quý, trong buổi sinh hoạt hội đồng người bệnh cấp khoa và cấp bệnh viện. Khi hiểu rõ về tác hại của thuốc lá thì từng cán bộ-nhân viên, thân nhân, người bệnh... đều trở thành những tuyên truyền viên tích cực.

Bên cạnh công tác truyền thông, việc giám sát cũng thực hiện nghiêm túc. Hàng ngày, Điều dưỡng trưởng giám sát tại các buồng bệnh, lực lượng vệ sĩ-công nhân vệ sinh giám sát, nhắc nhở ở các hành lang, khoa khám bệnh, công viên... Hàng tháng khoa, phòng giám sát và báo cáo bằng biểu mẫu (do Công đoàn Y tế Việt Nam hướng dẫn) và Ban giám sát của bệnh viện cũng giám sát hàng tháng, đột xuất. Để khách quan, bệnh viện cũng mời đại diện của Công đoàn ngành y tế tham gia giám sát, đánh giá hàng quí. Nhờ thực hiện nghiêm việc giám sát, ban chỉ đạo kịp thời uốn nắn những sai sót.

Ông Phan Thanh Tòng cho biết: “Bệnh viện là một trong 9 đơn vị trong toàn quốc được Bộ Y tế chọn thí điểm Xây dựng Bệnh viện không khói thuốc lá. Qua hơn 2 năm thực hiện, kinh nghiệm thành công là sự cam kết, quyết tâm của lãnh đạo BV và các khoa, phòng là yếu tố quan trọng khi triển khai thực hiện chương trình. Chúng tôi huy động và phát huy sức mạnh của các đoàn thể trong công tác tuyên truyền, tăng cường giám sát và đưa vào xem xét thi đua là biện pháp hiệu quả để đảm bảo chương trình thực hiện một cách lâu dài và bền vững. Về phía thân nhân và bệnh nhân, do không thể xử phạt hay chế tài họ nên chủ yếu đẩy mạnh tuyên truyền. Tuy còn một ít thân nhân người nuôi bệnh còn hút thuốc trong khuôn viên bệnh viện nhưng được kịp thời nhắc nhở. Vì thế, hướng tới, chúng tôi giao nhiệm vụ cho lực lượng vệ sĩ, vệ sinh công nghiệp kiểm tra và cương quyết nhắc nhở ngay tại cổng bệnh viện và ở những vị trí tập trung đông người 24/24h. Ban kiểm tra giám sát bệnh viện có kế hoạch kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc thực hiện ở các khoa phòng, căn tin; duy trì xét bình chọn thi đua và khen thưởng từng đợt”.

Mô hình xây dựng bệnh viện sạch, đẹp, không khói thuốc lá ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tuy kết quả thực hiện mới chỉ bước đầu nhưng đã đem lại niềm phấn khởi cho CB-CNV toàn bệnh viện. Chị Lâm Thị Hằng, Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở bệnh viện vui vẻ cho biết: “Trước đây, mỗi ngày công nhân vệ sinh thu gom mấy kg đầu lọc và tàn thuốc lá trong bệnh viện nhưng hiện nay mỗi ngày chỉ còn vài chục đầu lọc thuốc lá. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, sắp tới chúng tôi cố gắng hơn nữa để không còn khói thuốc lá trong bệnh viện. Đó là sự đồng lòng của tập thể CB-CNV toàn bệnh viện và thân nhân, người nuôi bệnh-vì một môi trường trong lành và an toàn sức khỏe cho cộng đồng”.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết