Cách đây 50 năm, trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại bản Di chúc thiêng liêng - tài sản tinh thần vô giá cho Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta. Được xếp hạng bảo vật quốc gia (quốc bảo), Di chúc của Bác là sự kết tinh tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại; chứa đựng những giá trị lý luận - thực tiễn vượt thời gian; là sự tiên liệu những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam; thể hiện tình yêu thương vô hạn dành cho đồng bào, đồng chí, cùng bè bạn khắp năm châu; phản ánh khát vọng cháy bỏng của một con người suốt đời một lòng, một dạ phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Di chúc và những di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại mãi mãi là động lực to lớn, là ngọn hải đăng dẫn dắt Đảng ta, dân tộc ta trên con đường đi tới tương lai tươi sáng - Nguồn: tuyengiao.vn
Trong Di chúc, Người tiên liệu sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hoàn thành, hàn gắn viết thương chiến tranh, kiến thiết lại đất nước sẽ là “công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn”, “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”(1).
Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ý thức sâu sắc đến những vấn đề căn cốt nhất bảo đảm cho Đảng xứng đáng với vai trò lãnh đạo và trách nhiệm cầm quyền, đó là thực hành dân chủ rộng rãi, giữ gìn đoàn kết trong Đảng như “giữ gìn con ngươi của mắt mình”, thực hiện tự phê bình và phê bình, chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau vừa “hồng”, vừa “chuyên”, không ngừng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân... Xuyên thấm vào mọi mặt của công tác xây dựng Đảng, Người đặc biệt quan tâm “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(2). Chỉ trong mấy dòng ngắn gọn ấy, Người đã nhắc lại 4 lần từ “thật” để nhấn mạnh vai trò của đạo đức, của thực hành đạo đức đối với mỗi cán bộ, đảng viên.
Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Người, trước yêu cầu ngày càng cao của công tác xây dựng Đảng, chuẩn bị tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đẩy mạnh học tập và làm theo gương Bác một cách thiết thực, hiệu quả, gắn với thực hiện trách nhiệm nêu gương đối với cán bộ, đảng viên.
1- Cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc trách nhiệm nêu gương để mỗi cán bộ, đảng viên xứng đáng với vai trò tiền phong, gương mẫu, xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh.
Nêu gương đã được chú trọng trong quản trị xã hội từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, mà cốt lõi là thực hành các quy phạm đã trở thành chuẩn mực xã hội, từ quy phạm pháp luật đến quy phạm đạo đức, để làm khuôn thước cho người khác học tập và làm theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà kiến tạo tư tưởng, đạo đức mới, mà còn là nhà thực hành đạo đức cách mạng mẫu mực, lấy nêu gương làm một phương thức thực hành đạo đức chủ yếu để người khác noi theo. Người nói: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức”(3). Nêu gương có vai trò cực kỳ quan trọng trong lãnh đạo, nhất là khi đứng trước nhiệm vụ gian khổ, khó khăn đòi hỏi người đảng viên phải tiên phong gánh vác, kể cả chấp nhận hy sinh, mất mát để thuyết phục quần chúng làm theo. Khi đất nước chuyển đổi cơ chế quản lý, nhiều chuẩn mực đạo đức đang biến đổi, khó cắt nghĩa, lý giải thuần túy bằng lý luận, thì việc lựa chọn các gương điển hình tiên tiến để giáo dục, định hướng quần chúng thường có tính thuyết phục hơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(4); “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”(5). Mặt khác, cũng cần thấy, bao giờ người lãnh đạo cũng có mục tiêu, tầm nhìn xa, muốn lôi cuốn quần chúng vào thực hiện các nhiệm vụ để hiện thực hóa các tầm nhìn, mục tiêu đó thì bản thân người lãnh đạo phải thuyết phục, truyền nhiệt huyết, động viên, mà hơn hết phải đi đầu, nêu gương cho người khác làm theo, “đảng viên đi trước, làng nước đi sau”. Do đó, nêu gương trở thành một phương thức lãnh đạo không thể thiếu của người đảng viên, chức vụ càng cao thì càng phải nêu gương.
Nêu gương có nội dung rất rộng, chứa đựng ở đó các mối quan hệ lớn: đối với tự mình, đối với đồng chí, đồng đội, đồng bào và đối với công việc. Trong các mối quan hệ đó thì “đối với tự mình” sẽ quyết định đến các mối quan hệ khác, bởi đây là khâu tạo nên “khuôn mẫu” để người khác làm theo, là sự khẳng định năng lực tự chủ của bản thân. Đối với tự mình, đó là phải tự học, thực học, học tập suốt đời để có đủ trí tuệ lãnh đạo, dẫn dắt, thuyết phục quần chúng; phải cần, kiệm, liêm, chính; phải nghiêm khắc với chính mình, “ít lòng ham muốn về vật chất”, chấp nhận “khổ trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; vững vàng trước mọi cám dỗ, cảnh giác trước nguy cơ lối sống buông thả, thói hư tật xấu; thường xuyên tự phê bình và phê bình để đánh giá bản thân, không ngừng hoàn thiện nhân cách, tiến bộ về mọi mặt, phòng ngừa mọi nguy cơ sai lầm. Đối với đồng chí, đồng đội, đồng bào, phải chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, có tình yêu thương đồng chí; yêu dân, kính dân, lấy niềm vui của nhân dân làm hạnh phúc của chính mình, thấy khổ đau của nhân dân phải day dứt lương tâm, “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”(6). Đối với công việc, phải tận tâm, tận lực, có trách nhiệm, thấy công việc chưa hoàn thành phải thấy hổ thẹn, biết xấu hổ; xử lý công việc trên tinh thần “dĩ công, vi thượng”, vô tư, công tâm, không thiên vị; phải đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của nhân dân lên trên hết, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước... Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”(7). Vì thế, nêu gương là hình thức cụ thể nhất, sinh động nhất của thực hành đạo đức cách mạng. Qua thực hiện nêu gương mới có điều kiện so sánh, kiểm chứng giữa lời nói và việc làm, giữa tư tưởng và hành động; nêu gương không chỉ thể hiện qua lời nói, câu chữ, ngôn từ, mà còn được bộc lộ qua hành vi, phong cách, phép ứng xử, hiện hữu bằng kết quả của hành động. Nó đối lập với thói ba hoa, nói một đằng làm một nẻo, quên các cam kết chính trị trước Đảng và trước nhân dân. Khi nêu gương được thực hành một cách tự giác, có nền nếp, tự nó sẽ trở thành hành vi, phương pháp, lề lối làm việc, phong cách sống của cán bộ, đảng viên; tự thể hiện một cách công minh trước Đảng về lòng trung thành với các tuyên thệ trước đó để đấu tranh cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Cùng với những giá trị xuyên thời gian, mỗi thời kỳ còn bổ sung thêm những chuẩn mực mới về đạo đức, nhân cách tiêu biểu phù hợp với điều kiện mới đủ sức hấp dẫn làm gương trong Đảng và có sức lan tỏa rộng rãi trong xã hội.
2- Nâng cao trách nhiệm thực hiện quy định nêu gương của đảng viên gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả.
Nhận thức rõ tính hiệu quả của cách giáo dục, thuyết phục bằng nêu gương, Đảng ta hết sức coi trọng và ngày càng hoàn thiện phương pháp lãnh đạo bằng nêu gương. Trung ương đã chỉ đạo triển khai đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; lấy tấm gương của Bác làm chuẩn mực để học và làm theo; ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Phải chỉ đạo quyết liệt để thực hiện thật tốt quy định trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải nêu gương, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012, của Ban Bí thư Trung ương khóa XI đến Quy định số 08-Qđi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII là bước phát triển nhận thức mới của Đảng về cả chủ thể, đối tượng và phương pháp nêu gương. Quy định của Trung ương đã chỉ rõ 8 điểm “phải gương mẫu đi đầu” và 8 điểm “phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống” đối với cán bộ, đảng viên thực hiện trách nhiệm nêu gương. Chú trọng việc cụ thể hóa các quy định chung thành chuẩn mực đạo đức công sở, đạo đức nghề nghiệp của mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị. Các nội dung thực hiện quy định nêu gương phải được bao quát trong mọi mặt công tác của Đảng khi phân tích, đánh giá diễn biến tư tưởng, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy, bổ nhiệm cán bộ, quản lý, đánh giá và phân loại đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ, thi đua - khen thưởng, kiểm tra, giám sát, vận động nhân dân.
Mỗi đảng viên lấy tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh làm chuẩn mực để xây dựng kế hoạch học tập, tu dưỡng, rèn luyện; khi học tập, noi gương đạt được kết quả thực chất, tự mình sẽ trở thành tấm gương cho người khác học tập, tạo ảnh hưởng lan tỏa trong Đảng và ngoài xã hội. Thực hiện quy định trách nhiệm nêu gương của Đảng và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có quan hệ gắn bó mật thiết, tương tác, bổ sung cho nhau. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có phạm vi rộng, không chỉ diễn ra trong Đảng mà còn lôi cuốn sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân. Thực hiện quy định nêu gương là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, cấp càng cao đòi hỏi trách nhiệm càng cao và nghiêm khắc hơn. Suy cho cùng, đây là một phương thức thực hành đạo đức cầm quyền, ràng buộc trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, đảng viên với cương vị, chức vụ, quyền hạn được ủy thác, được thực hiện bằng ý thức kỷ luật tự giác trước Đảng, trước nhân dân.
Thực hiện trách nhiệm nêu gương gắn với học tập, và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có rất nhiều việc phải làm, nhưng cần xác định rõ những trọng tâm, trọng điểm. Điều cấp bách hiện nay là, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự đặt ra cho mình chế độ kỷ luật thực hành nêu gương tự giác, lấy lý trí và lương tâm của người đảng viên để kiểm soát nhu cầu và hành vi cá nhân của bản thân. Phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời; thường xuyên “tự soi”, “tự sửa”, không một phút buông thả, mất cảnh giác trước nguy cơ suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; giữ vững phẩm chất vững vàng trước mọi cám dỗ của tiền tài, danh vọng. Rèn luyện phong cách nói đi đôi với làm, thống nhất giữa tư tưởng và hành động, lý luận với thực tiễn, lấy kết quả của hành động để đánh giá tư tưởng; đấu tranh với các căn bệnh giả dối, nói không đi đôi với làm, nói một đằng, làm một nẻo.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là làm cho tư tưởng của Người thấm sâu vào mọi mặt tổ chức và hoạt động của Đảng và cùng với chủ nghĩa Mác - Lê-nin hợp thành nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng; lấy thế giới quan duy vật biện chứng để nhìn nhận mọi sự vật, hiện tượng, quá trình; lấy phương pháp luận mác-xít để phân tích, đánh giá và xử lý mọi công việc “có lý, có tình”; hình thành biểu tượng khuôn mẫu thật sự có giá trị làm gương để người khác học tập và làm theo cả trong công tác và sinh hoạt đời thường. Đó là học tập cuộc đời, sự nghiệp của Bác, một con người hiện thân cho trí tuệ, tâm hồn, lương tâm của dân tộc, khí phách của thời đại, cả cuộc đời dấn thân cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, hòa bình cho nhân loại, lấy lợi ích chung của đất nước, hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống, coi số phận bất hạnh của từng gia đình, mỗi con người là nỗi đau của bản thân mình. Đó là học tập tấm gương tự học, thực học và học tập suốt đời, học trong sách vở, học từ người thầy vĩ đại đến từ cuộc sống để có trí tuệ uyên thâm, sáng suốt, mẫn tiệp. Học tập đạo đức Hồ Chí Minh là học tập việc thực hành các chuẩn mực đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”; lãnh đạo bằng đạo đức, sự thông thái và tài năng, làm cho mỗi quyết sách chính trị luôn đúng đắn và sáng suốt, phòng ngừa được nguy cơ sai lầm; xây dựng tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng dựa trên giá trị cốt lõi là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, hạnh phúc cho nhân dân, không màng danh lợi, hy sinh cho Tổ quốc, cho đồng bào; tu dưỡng đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” bằng tinh thần nghiêm khắc tột độ với chính mình, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; lấy đó làm gương thuyết phục đồng chí, đồng bào. Học tập phong cách của Bác đó là học tập phong cách làm việc khoa học và dân chủ; mỗi công việc đều phải sắp xếp có kế hoạch, phân tích đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện, bám sát thực tiễn, tránh quan liêu, qua loa, đại khái, coi trọng tiết kiệm tiền tài, công sức của nhân dân; thực hành rộng rãi và thường xuyên dân chủ trong Đảng, dân chủ trong xã hội, để phát huy tốt nhất trí lực, tài lực, tâm lực của đảng viên và nhân dân vào xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng và bảo vệ đất nước.
3- Tăng cường giáo dục, rèn luyện, thực hành đạo đức cách mạng phải đi đôi với kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, bệnh cơ hội, thực dụng, “lợi ích nhóm”.
Đây là yêu cầu không thể thiếu để các giá trị đạo đức cách mạng trở thành nền tảng tinh thần bảo đảm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, bởi chủ nghĩa cá nhân đối lập với đạo đức cách mạng, tạo ra nguy cơ đẩy Đảng vào con đường suy thoái. Những người bị chi phối bởi chủ nghĩa cá nhân chỉ quan tâm đến quyền lợi cá nhân, ích kỷ mà cố tình quên mất nghĩa vụ. Họ tìm mọi cách thoái thác nghĩa vụ, trách nhiệm, kể cả vi phạm trật tự, kỷ cương, kỷ luật, bàng quan trước phản ứng, chỉ trích của dư luận, vô cảm trước khổ đau của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh xem “Chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt, nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc”(8); nó “là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”(9). Người cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(10).
Cảnh báo của Người đã trở thành hiện thực khi nhìn lại bài học đảng cộng sản ở Liên Xô và các nước Đông Âu vào những năm 1989 - 1991 đã đánh mất địa vị cầm quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ, mà trong đó có một nguyên nhân quan trọng bắt nguồn từ suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả lãnh đạo cao cấp của đảng. Không riêng gì các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, ngay kể cả những quốc gia đề cao chủ nghĩa cá nhân cũng đã phải trả giá khi các giá trị xã hội bị hủy hoại, các kết cấu xã hội bị rạn nứt. Đã có không ít ý kiến phê phán và hình thành các trào lưu xã hội phản kháng trước mô hình phát triển không có lương tâm khi tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân mà hy sinh các lợi ích công cộng, khi tối đa hóa các mục tiêu vật chất mà làm biến thái các hệ giá trị xã hội, khi theo đuổi nhu cầu tiêu dùng vô hạn độ trước mắt mà bất chấp cả khả năng phát triển của các thế hệ tương lai. Viện dẫn trên đây càng cho thấy tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về coi trọng xây dựng Đảng về đạo đức, xem giá trị đạo đức cách mạng là một thuộc tính của chủ nghĩa xã hội đối lập với tôn sùng chủ nghĩa cá nhân. Người khẳng định: “Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ”(11). Vì vậy, xây dựng đạo đức mới, đạo đức cách mạng không thể tách rời với kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống lại những thói hư, tật xấu.
Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân phải được tiến hành bằng tất cả các biện pháp tư tưởng, chính trị và tổ chức. Công tác giáo dục tư tưởng, chính trị phải được đổi mới, giúp phân biệt rõ giữa lợi ích chính đáng của con người với chủ nghĩa cá nhân đi ngược lại lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của nhân dân. Công tác lý luận trong tình hình mới phải tích cực tổng kết thực tiễn, góp phần lý giải những biến đổi thang giá trị trong điều kiện cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, để từ đó đề xuất bổ sung, phát triển các chuẩn mực đạo đức mới, nhân cách lãnh đạo tiến bộ, phù hợp. Xây dựng văn hóa trong chính trị, làm cho văn hóa thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội, bảo đảm cho cái tốt đẹp ngày càng nảy nở, cái xấu, cái ác ngày càng bị đẩy lùi, dẹp bỏ. Báo chí phải đi tiên phong trong cổ vũ gương “người tốt, việc tốt”, đồng thời phê phán, đấu tranh với “gương xấu” sa vào chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng lạc, chủ nghĩa vị kỷ. Phải xem cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là một bộ phận của đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn chủ nghĩa cơ hội, bởi cơ hội chính trị có xuất phát điểm từ chủ nghĩa cá nhân, ban đầu chỉ lợi dụng cơ chế, chính sách, môi trường để trục lợi cá nhân, rồi sau thì “kiến nghị”, “đề xuất” thay đổi cơ chế, chính sách, pháp luật theo hướng có lợi cho cá nhân, cho “nhóm lợi ích”, kể cả vi phạm những vấn đề mang tính nguyên tắc, xa rời bản chất cách mạng. Do đó, cần tích cực sửa “lỗ hổng” trong các cơ chế, chính sách, đồng thời nâng cao tinh thần cảnh giác và đấu tranh không khoan nhượng với các biểu hiện cơ hội chính trị hướng lái cơ chế, chính sách, pháp luật xa rời mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không chỉ dừng lại trên trận địa chính trị, tư tưởng, mà còn phải triển khai đồng bộ trên cả lĩnh vực tổ chức. Ngay từ khâu chuẩn bị kết nạp đảng viên phải đổi mới công tác giáo dục, bồi dưỡng chính trị, tư tưởng để giúp quần chúng cảm tình đảng hiểu biết đầy đủ về Đảng và nghĩa vụ của đảng viên. Bao giờ đạt được độ chín muồi về trình độ giác ngộ cách mạng, nhận thức tự giác về sứ mệnh, lý tưởng, mục tiêu của Đảng, nghĩa vụ của đảng viên thì mới kết nạp vào Đảng, kiên quyết không kết nạp vào Đảng những người nhận thức chính trị còn hời hợt, nông cạn. Trên cơ sở nhận diện các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, từng cấp ủy cần chú trọng đẩy mạnh tự phê bình và phê bình để phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với chủ nghĩa cá nhân, nhất là khi mới xuất hiện các biểu hiện, hành vi đi ngược lại lợi ích tập thể, đe dọa đến tính tôn nghiêm của kỷ luật, kỷ cương, nguyên tắc tổ chức. Cần làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nhất là những vấn đề chính trị hiện nay, sớm phát hiện các phần tử cơ hội chính trị để đấu tranh ngăn chặn và sàng lọc làm trong sạch đội ngũ. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân. Kiểm soát quyền lực, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, cơ hội, thực dụng, “lợi ích nhóm”. Tăng cường kiểm tra, giám sát đảng viên thực hiện nhiệm vụ của đảng viên, xử lý nghiêm các vi phạm quy định nêu gương để cảnh tỉnh, răn đe. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, giám sát việc thực hiện quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đề cao kỷ cương, kỷ luật, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, kiên quyết đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, lãng phí. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, môi trường cho dưỡng đức, dưỡng liêm, bồi dưỡng và trọng dụng người hiền tài, sàng lọc, loại bỏ các cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019), chúng ta càng hiểu sâu sắc về các giá trị lý luận - thực tiễn chứa đựng trong nội dung Di chúc của Người. Di chúc và những di sản của Người để lại mãi mãi là động lực to lớn, là ngọn hải đăng dẫn dắt Đảng ta, dân tộc ta trên con đường đi tới tương lai tươi sáng. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng phấn đấu, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, làm cho Đảng ta xứng đáng là đạo đức, là văn minh, đáp ứng niềm tin yêu của nhân dân, phấn đấu thực hiện tâm nguyện cuối cùng của Người là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
-----------------------------------------
(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15 tr. 616, 622
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 16
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 284
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 672
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 51
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 16, 130
(8), (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 602, 609
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 672
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 222
Trần Quốc Vượng
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư
Theo Tạp chí Cộng sản