Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện lòng yêu nước, thương dân vô bờ bến, một trí tuệ mẫn tiệp, nghị lực kiên cường, tinh thần lạc quan cách mạng và lòng tin tuyệt đối vào Đảng, vào sức mạnh cuả toàn dân tộc. Đó còn là tấm gương đạo đức ngời sáng và tình đoàn kết quốc tế chân thành…
Hình ảnh làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nguồn tư liệu TTXVN
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, ngày 3/9/1969, Bộ Chính trị triệu tập cuộc họp bất thường Ban Chấp hành Trung ương Đảng để quyết định tổ chức quốc tang và công bố bản Di chúc của Người viết lần đầu năm 1965. Quyết định này hợp lý lúc đó vì đây là bản duy nhất được viết hoàn chỉnh, có cả chữ ký của Người và chữ ký chứng kiến của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn.
Sau khi Tổ quốc thống nhất, công cuộc khôi phục, xây dựng lại đất nước bị chiến tranh kéo dài tàn phá đã tạm ổn định thì đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết cuốn hồi ký Bác Hồ viết Di chúc bằng tình cảm tận tụy, sâu nặng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với lịch sử. Cuốn hồi ký của đồng chí Vũ Kỳ được sự cộng tác nhiệt tình của đồng chí Thế Kỷ, một sĩ quan nghiên cứu lịch sử công tác tại Bộ Tư lệnh Phòng không-Không quân. Sau khi bản thảo cuốn sách hoàn thành, đồng chí Vũ Kỳ đã gửi đến Nhà xuất bản Sự Thật (Chính trị quốc gia) để biên tập, xuất bản đồng thời tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó phát hành rộng rãi trong toàn quốc nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cũng vào dịp này, ngày 19/8/1989, Bộ Chính trị ra thông báo số 151/TB-TW về một số vấn dề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà do hoàn cảnh lịch sử của năm 1969 chưa được công bố, đó là các tài liệu, bản viết gốc Di chúc có chỉnh sửa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản công bố chính thức tháng 9/1969 là hoàn toàn trung thành, chính xác với bản gốc. Thông báo này và cuốn hồi ký của đồng chí Vũ Kỳ đã công bố rõ ràng những nội dung Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được chỉnh sửa qua từng năm cũng như quá trình viết Di chúc của Người.
Từ năm 1989, các bản gốc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được lưu giữ tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng sau đó được in màu, phát hành rộng rãi và được các nhà xuất bản khác tái bản nhiều lần cho đến bây giờ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo trong một phiên họp tại chiến khu Việt Bắc, chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ - Ảnh tư liệu TTXVN
Ý nghĩa lịch sử và giá trị trường tồn của bản Di chúc
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một kiệt tác chứa đựng tinh thần cao cả, sâu sắc nhưng cũng rất gần gũi với dời sống hàng ngày của một nhà cách mạng, nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà giáo dục và nhà văn hóa lỗi lạc; vừa mang tính triết lý truyền thống đồng thời cũng chỉ ra con đường tương lai; vừa là cảm nghĩ của một vĩ nhân nhưng cũng là sự đúc kết các quy luật của tự nhiên, xã hội, con người một cách đơn giản, nhẹ nhàng, kinh nghiệm, cô đọng, triết luận.
Chọn dịp sinh nhật để viết những dòng tài liệu bí mật để lại cho đồng bào, đồng chí và Tổ quốc nên phong cách diễn đạt suy nghĩ của Người trong Di chúc rất độc đáo, đó là sự kết hợp hài hòa giữa dân gian và bác học, cổ điển và hiện đại, phù hợp giữa tinh thần Đông phương với tình hình thực tiễn của thời điểm đó và cả về sau này, mang chất dung dị, đời thường, chứa đựng tình cảm thương yêu mênh mông bao trùm hết thảy của một trái tim nhân hậu.
Những ý tưởng của Người được diễn tả chân thực vì nói đúng sự thật khách quan và chính xác về chủ quan; ngắn gọn, dễ hiểu bởi mọi tâm ý đều đã được khái quát, chắt lọc tối giản; nhân văn và thiết thực. Chính vì tư tưởng, phong cách, đạo đức cao thượng đẹp đẽ trong sáng như vậy nên tác phẩm này chỉ có thể thuộc về một Con Người vĩ đại, có tầm nhìn thời đại và hàm chứa suy nghĩ của cả nhân loại.
Nội dung Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thấy khí phách, tinh thần lạc quan cách mạng của bậc đại nhân, đại trí, đại dũng như Jean Lacourture đã nhận xét: “Văn phong kỳ lạ rõ ràng là thế! Người ta không thấy có giọng văn này ở cả Stalin, Churchill hay De Gaulle, còn văn Cụ Hồ thì vươn tới tiếng nói của lịch sử”.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết tinh tư tưởng đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, một chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp hòa bình, tiến bộ, phát triển trên toàn thế giới. Sinh ra, lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước, Nguyễn Tất Thành đã quyết tâm cống hiến tuổi trẻ và cả cuộc đời của mình vào hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin và đi theo con đường cách mạng vô sản, từ đó sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện Đảng cộng sản Việt Nam, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đi vào lịch sử cách mạng thế giới với vai trò của người chiến sĩ tiên phong trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa trong thế kỷ XX.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đưa văn hóa thành ngọn hải đăng cho sự nghiệp phát triển đất nước, đồng thời Người cũng là nhà hoạt động văn hóa trên các lĩnh vực: Báo chí, thơ, văn. Người còn là một nhà ngoại giao xuất chúng, luôn kiên trì phấn đấu không mệt mỏi cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa các dân tộc trên toàn thế giới và từ đó đưa Việt Nam lên vị thế xứng đáng trong bản đồ chính trị thế giới.
Từ những cống hiến lớn lao và kinh nghiệm phong phú trong sự nghiệp cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn dò tất cả những điều cần thiết, quan trọng, chính yếu trong Di chúc của Người cho tương lai của dân tộc. Chính vì vậy mà Fidel Castro đã viết: “Hồ Chí Minh thuộc lớp những người đặc biệt mà cái chết là mầm mống của sự sống và là nguồn cổ vũ đời đời bất diệt”.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vào vai trò, vị trí và tính tiên phong của Đảng cầm quyền, một chính Đảng cần phải lấy đạo đức cách mạng làm nền tảng, có nhiệm vụ làm cho dân giàu nước mạnh và người đảng viên luôn xác định phải trung thành tận tụy phục vụ đất nước, phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân.
Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giữ vững tư tưởng xuyên suốt, nhất quán, kiên định về tư cách của Đảng cầm quyền, trong đó nền tảng là đạo đức của đảng viên. Người đã nói rõ cách mạng muốn thành công trước hết phải có “Đảng Cách mệnh”, tuy nhiên: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Muốn gánh vác được trách nhiệm nặng nề đó, đảng viên cần có đạo đức cách mạng, đó là: “Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình”. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thường xuyên nhắc nhở: “Để làm cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng, Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên”.
Và, trong Di chúc, Người cũng vẫn nhấn mạnh những vấn đề cơ bản, quyết định đến sự tồn vong của Đảng cầm quyền, đó là: Đoàn kết, tự phê bình và phê bình, đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Như Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khẳng định: “Mỗi bước đi của nhân dân ta và của Đảng ta đều gắn liền với cuộc đấu tranh cách mạng vô cùng sôi nổi và đẹp đẽ của Hồ Chủ tịch. Toàn bộ hoạt động của Người cùng với sự nghiệp của nhân dân ta và của Đảng ta là một thiên anh hùng ca bất diệt của cách mạng Việt Nam”.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện sâu sắc tinh thần yêu nước thương dân, suốt đời chăm lo cho hạnh phúc nhân dân của một vị lãnh tụ lập quốc vĩ đại, mà còn tỏa sáng lòng bao dung, nhân ái của một vị thánh Cộng sản đối với tất cả con người, niềm tin tưởng tuyệt đối vào nhân dân. Trong suốt cuộc đời cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một mục tiêu duy nhất để hướng tới, đó là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, để nhân dân có quyền làm chủ đất nước. Vì thế, Người luôn tâm niệm rằng: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh”. Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân và Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ của nhân dân nên bất luận trong hoàn cảnh nào: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân”.
Trong những lời cuối cùng để lại, Người quan tâm từng chi tiết tới người dân của các tầng lớp xã hội, nhắc những công việc cụ thể đối với những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho đến những nạn nhân của xã hội cũ. Đó không chỉ là niềm tin vững chắc, sự khẳng định về thắng lợi cuối cùng của một dân tộc anh hùng đấu tranh vì chính nghĩa, mà còn là tấm lòng đôn hậu, bao dung, tình thương yêu con người vô bờ bến. Như nhà sử học Helen Tourmel đã viết: “Ở con người Hồ Chí Minh, mỗi người đều thấy biểu hiện của nhân vật cao quý nhât, bình dị nhất và được kính yêu nhất trong gia đình mình… Hình ảnh của Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp giữa đạo đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Karl Marx, thiên tài cách mạng của Lenin và tình cảm của một người chủ gia tộc”.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thấy tầm nhìn xa, sự quan tâm sâu sắc, chăm lo, bồi dưỡng các thế hệ cách mạng đời sau. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề đào tạo, giáo dục các thế hệ cách mạng kế cận, đặc biệt là lứa tuổi đoàn viên, thanh niên bởi: “Thanh niên là chủ tương lai của nước nhà. Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Hơn thế nữa, đội quân chủ lực, nguồn sức mạnh tiên phong trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng chính là nhờ các thế hệ thanh niên nếu như lực lượng thanh niên được giáo dục, rèn luyện thử thách trong thực tiễn cách mạng thì chắc chắn sẽ trở thành lực lượng hậu bị vững chắc của Đảng và của dân tộc. Chiến lược đối với thế hệ trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là cẩm nang cần thiết cho một giai đoạn cách mạng cụ thể, mà đó còn là yêu cầu quan trọng phục vụ mãi mãi sự nghiệp và lý tưởng cách mạng. Thế hệ trẻ Việt Nam cần phải rèn luyện những tố chất trung thành, nhiệt tình, hăng hái, tinh thông nghiệp vụ, quan hệ mật thiết với nhân dân và quyết tâm cao, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp đổi mới của Đảng, của dân tộc, đó chính là “những người thừa kế xây dựng CNXH vừa hồng vừa chuyên”.
Thực hiện ý nguyện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định vị trí, vai trò, ý nghĩa to lớn của đạo đức cách mạng đối với xã hội nói chung và đặc biệt quan trọng đối với tư cách của người đảng viên: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Cả cuộc đời Người là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, đạo đức cộng sản. “Người luôn luôn quan tâm tới lợi ích của nhân dân, nghĩ những điều dân nghĩ, lo những điều dân lo, hiến dâng cả đời mình cho nhân dân, không quan tâm đến lợi ích bản thân… Suốt đời, Người luôn luôn gìn giữ đạo đức cao đẹp, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư và dùng tám chữ đó để giáo dục cán bộ và nhân dân”. Đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh rất sâu sắc, toàn diện và mang tính thiết thực, tuy ở mỗi giai đoạn lịch sử, tùy theo yêu cầu cấp thiết của sự nghiệp cách mạng, những tiêu chí của đạo đức được bổ sung thêm, nhưng nội dung cơ bản của đạo đức cách mạng không thay đổi.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Trải qua nửa thế kỷ quyết tâm thực hiện theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vững vàng lãnh đạo đất nước nước ta đến những thành công to lớn về mọi mặt: chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, ngoại giao… Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta đã đưa ra nhiều giải pháp để giữ vững vai trò tiên phong lãnh đạo, đó là: Xác định nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mac-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; lấy xây dựng và chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt, hàng đầu lâu dài; dựa vào dân để xây dựng Đảng; Bộ Chính trị ra Chỉ thị 05-CT/TƯ để đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ra Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và kể từ đó đến nay cuộc chiến đấu chống tiêu cực, tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, thoái hóa trong tổ chức Đảng diễn ra quyết liệt, nóng hổi, đạt được một số kết quả đáng ghi nhận làm cho quần chúng nhân dân hồ hởi, phấn khởi, ủng hộ, dõi theo từng ngày và qua đó đã củng cố thêm lòng tin của nhân dân vào Đảng.
Trước tình hình đó, vai trò trách nhiệm của người đảng viên càng nặng nề hơn, mỗi người cần phải kịp thời rút ra những bài học thực tế cho riêng bản thân, không ngừng tu dưỡng đạo đức người đảng viên bằng những hành động cụ thể trong đời sống hàng ngày và khi thực thi nhiệm vụ. Mỗi cán bộ đảng viên luôn luôn khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ cộng sản mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Đồng chí ta phải học lấy bốn đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính”.
Đã tròn 50 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa nhưng Di chúc của Người vẫn còn nguyên giá trị, đó là một áng văn tuyệt bút minh chứng cho lòng yêu nước, thương dân thiết tha, vô bờ bến, một trí tuệ mẫn tiệp, nghị lực kiên cường, tinh thần lạc quan và lòng tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào sức mạnh đoàn kết cuả toàn dân tộc, một tấm gương đạo đức ngời sáng và tình đoàn kết quốc tế nồng nhiệt, chân thành. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mãi mãi soi rọi con đường chân lý chẳng những cho nhân dân ta mà còn cho tất cả những dân tộc trên thế giới đang đấu tranh cho tự do, độc lập, hòa bình, công lý và hạnh phúc của loài người.
Đỗ Hoàng Linh
Phó Giám đốc Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Theo Báo Điện tử Chính phủ