19/10/2017 - 21:42

Thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ, Ngoại trưởng Mỹ “chọc giận” Trung Quốc 

Trong bài phát biểu hiếm hoi tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (ảnh) hôm 18-10 cho biết Washington mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế và quốc phòng sâu rộng với Ấn Độ, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của quốc gia Nam Á này trước “ảnh hưởng tiêu cực” của Trung Quốc trong khu vực.

    

Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ được đưa ra khi ông sắp thăm Ấn Độ vào tuần tới và trước chuyến ​​công du chính thức đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Trung Quốc trong chưa đầy một tháng nữa. Phát biểu tại CSIS, Ngoại trưởng Tillerson khẳng định Mỹ và Ấn Độ không chỉ có chung cơ cấu dân chủ mà còn chia sẻ tầm nhìn về tương lai, thúc đẩy sự thịnh vượng, ổn định và an ninh trong một khu vực châu Á-Thái Bình Dương “tự do và cởi mở”.

   Chia sẻ thông điệp mạnh mẽ về Trung Quốc, Ngoại trưởng Tillerson cho rằng Bắc Kinh tuy trên đà phát triển cùng với New Delhi nhưng lại thiếu trách nhiệm của một cường quốc. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ còn cáo buộc những “hành vi khiêu khích” của Trung Quốc, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông, đang làm xói mòn trật tự và các chuẩn mực quốc tế mà hai nước Mỹ-Ấn đều ủng hộ.

Trong một bình luận khác được cho “chọc giận” Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ tiết lộ Washington sẽ đẩy mạnh hợp tác an ninh Ấn Độ - Mỹ - Nhật Bản và mời một số quốc gia như Úc tham gia nhằm tạo thế cân bằng và thiết lập các tiêu chuẩn thương mại-an ninh trong khu vực. Động thái này vốn bị Trung Quốc nhiều lần phản đối vì cho rằng mục đích của liên minh là nhằm chống lại Bắc Kinh. Nhưng trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Tillerson khẳng định: “Mặc dù Mỹ đang thúc đẩy quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc, nhưng Washington sẽ không lùi bước trước việc Trung Quốc thách thức các trật tự dựa trên quy tắc cũng như có hành động xâm phạm chủ quyền các nước láng giềng, gây bất lợi đối với Mỹ hoặc bạn bè của chúng tôi”. Tuyên bố này được cho nhằm ám chỉ đến căng thẳng bùng phát hồi tháng 8 giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực tranh chấp ở cao nguyên Doklam của Bhutan.

Ngoài ra, ông Tillerson cho biết Washington và New Delhi cần hỗ trợ những nước khác bảo vệ chủ quyền, xây dựng mối quan hệ sâu rộng và có tiếng nói lớn hơn trong khu vực nhằm thúc đẩy lợi ích quốc gia, phát triển nền kinh tế. Liên quan vấn đề này, Ngoại trưởng Mỹ cho rằng chính sách viện trợ tài chính của Trung Quốc đang khiến nhiều quốc gia gánh chịu các khoản nợ khổng lồ và không tạo ra việc làm. Vì vậy, Ngoại trưởng Tillerson cho biết Washington đang bắt đầu thảo luận những giải pháp thay thế cơ cấu viện trợ tài chính của Trung Quốc tại châu Á. Tuy không nêu cụ thể, nhưng ông Tillerson tiết lộ chính quyền Trump đã tiến hành thảo luận kín với một số quốc gia Đông Á mới nổi nhân một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 8. “Chúng ta sẽ không thể cạnh tranh được với các điều khoản mà Trung Quốc đưa ra, nhưng các quốc gia phải quyết định những gì họ sẵn sàng bỏ ra để bảo đảm chủ quyền và kiểm soát nền kinh tế của chính mình trong tương lai” – Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.

Trong một phản ứng đầu tiên về bài phát biểu trên của Ngoại trưởng Tillerson, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng kêu gọi Mỹ cần bỏ thành kiến với Trung Quốc và đánh giá nước này một cách khách quan.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, AFP)

Chia sẻ bài viết