04/12/2021 - 09:37

Thúc đẩy phát triển các tiểu vùng trong ASEAN 

Với đặc trưng phát triển đa dạng, ASEAN có những đô thị quy mô lớn, năng động hàng đầu khu vực. Các tiểu vùng phần lớn đều nằm ở những giao điểm quan trọng của khu vực. Từ nhiều thập kỷ qua, ASEAN và các nước thành viên luôn chú trọng vấn đề thu hẹp khoảng cách, phát triển với việc thúc đẩy triển khai sáng kiến hội nhập ASEAN. Diễn đàn cấp cao ASEAN về hợp tác tiểu vùng vì phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm tổ chức mới đây tại Hà Nội nhằm tiếp tục triển khai các ưu tiên của Việt Nam trong năm ASEAN 2020, trong đó thúc đẩy hợp tác phát triển các tiểu vùng gắn với tổng thể tiến trình phát triển chung của ASEAN.

Trung tâm MM Mega Market Hưng Lợi, một trong những dự án 100% vốn của Singapore hoạt động thành công tại TP Cần Thơ.

Trung tâm MM Mega Market Hưng Lợi, một trong những dự án 100% vốn của Singapore hoạt động thành công tại TP Cần Thơ.

Liên kết

Các nước trong khu vực ASEAN có vị trí địa lý gần gũi, văn hóa giàu bản sắc, điều kiện tự nhiên tương đồng và hình thành các khuôn khổ hợp tác các tiểu vùng như hợp tác tại khu vực tăng trưởng Ðông ASEAN, tam giác tăng trưởng Indonesia - Malaysia - Thái Lan, Chiến lược hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng… Hợp tác các tiểu vùng thông qua các cơ chế nói trên với sự trợ giúp hiệu quả của các đối tác, tổ chức khu vực và quốc tế đã đạt được những kết quả thiết thực hỗ trợ cho sự phát triển của mỗi quốc gia và của cả khu vực.

Diễn đàn cấp cao ASEAN về hợp tác tiểu vùng vì phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm là hoạt động đầu tiên trao đổi các vấn đề về hợp tác tiểu vùng trong ASEAN. Diễn đàn là dịp để các nước trong khu vực, các đối tác, tổ chức quốc tế, giới chuyên gia của cộng đồng doanh nghiệp cùng trao đổi, tìm phương hướng và giải pháp phù hợp nhằm khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội mở rộng, lợi thế cạnh tranh để thúc đẩy phát triển ở các tiểu vùng. Cùng với quá trình liên kết khu vực được thúc đẩy nhanh và sâu rộng của ASEAN, việc gắn kết và đảm bảo các vùng miền theo kịp với tiến trình phát triển chung của khu vực ngày càng có ý nghĩa quan trọng.

Tại diễn đàn, các nhà lãnh đạo ghi nhận những tiến triển đạt được trong triển khai các sáng kiến ứng phó dịch COVID-19. Ghi nhận tiến triển tích cực trong triển khai khung phục hồi tổng thể ASEAN, các nước cho rằng, cần tiếp tục thúc đẩy triển khai các sáng kiến, đồng thời chú trọng tận dụng đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số làm đòn bẩy phục hồi. Các nhà lãnh đạo đã nhất trí thông qua khung thỏa thuận Hành lang đi lại ASEAN (ATCAF) nhằm tạo thuận lợi cho di chuyển thiết yếu trong khu vực, đồng thời tích cực xem xét khả năng công nhận lẫn nhau và áp dụng giấy chứng nhận tiêm vaccine điện tử cho người dân.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, cùng với việc nỗ lực đẩy mạnh hội nhập khu vực và và xây dựng cộng đồng ASEAN, việc đảm bảo phát triển đồng đều, bền vững của các tiểu vùng trở thành cấp thiết và quan trọng. Diễn đàn là cơ hội cho các nước thành viên ASEAN, các đối tác và liên quan trao đổi về cơ hội và thách thức với các tiểu vùng trong ASEAN. Ðiều này có ý nghĩa quan trọng bảo đảm xây dựng thành công cộng đồng ASEAN. Chúng ta cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển to lớn ở các tiểu vùng. Việc thúc đẩy hợp tác phát triển hiệu quả của các tiểu vùng, gắn phát triển tiểu vùng với tiến trình phát triển chung của ASEAN sẽ đáp ứng được lợi ích của cả ASEAN trong duy trì tiến độ liên kết khu vực và hiện thực hóa mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.

Mở rộng cơ hội, tăng lợi thế cạnh tranh

Các nước ASEAN đề nghị, cần sớm đưa kho dự phòng vật tư y tế ASEAN và Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED) đi vào vận hành hiệu quả, đáp ứng các tình huống khẩn cấp trong tương lai. Các nước cũng cho rằng, ASEAN cần tích cực triển khai các nỗ lực nhằm khôi phục chuỗi cung ứng và dịch vụ bị gián đoạn, gỡ bỏ các rào cản thương mại và dành quan tâm đến các ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều như du lịch. Việc sớm phê duyệt Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ góp phần tích cực vào nỗ lực từng bước phục hồi tổng thể và bền vững tại khu vực.

Theo lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN, để phát triển các tiểu vùng hay ở các khu vực khác, trước hết là cần phải có nhận thức chung. Từ nhận thức chung đó sẽ đề ra các chính sách; từ chính sách mới hình thành các cơ chế, từ đó thu hút các nguồn lực, sự quan tâm và có các dự án, kế hoạch cụ thể. Cộng đồng ASEAN và Chính phủ các nước thành viên ASEAN đưa ra chủ trương, chính sách và tạo ra các cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực cũng như cùng trao đổi, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tiến hành đầu tư, kinh doanh tại các tiểu vùng của ASEAN. Ðiều đó sẽ đem lại lợi ích chung của cả tiểu vùng, của người dân khu vực này cũng như là bản thân lợi ích cho doanh nghiệp, đóng góp cho phát triển bền vững, toàn diện của cả cộng đồng ASEAN, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Hợp tác của các nước trong ASEAN đóng góp một phần không nhỏ trong phát triển kinh tế của TP Cần Thơ. Lũy kế đến tháng 11-2021, TP Cần Thơ có 84 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.043 triệu USD. Trong đó, ASEAN hiện có 16 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 169,9 triệu USD, cụ thể: Singapore có 11 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 124,71 triệu USD; Malaysia 1 dự án tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 285.000 USD; Thái Lan có 4 dự án, tổng vốn đăng ký 41,16 triệu USD... Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa TP Cần Thơ sang thị trường các nước ASEAN là 148,31 triệu USD. Trong 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước ASEAN là 197,64 triệu USD, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gạo, thủy hải sản, nông sản và nông sản chế biến, may mặc, dược phẩm, thuốc thú y, phân bón hóa chất, thép và một số mặt hàng khác (lông vũ, máy móc thiết bị,…). Với khối ASEAN+3 (một cơ chế hợp tác giữa ASEAN và 3 quốc gia Ðông Bắc Á gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc), 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường ASEAN+3 đạt 293,96 triệu USD, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: gạo, thủy hải sản, nông sản và nông sản chế biến, may mặc, dược phẩm, thuốc thú y, phân bón hóa chất, thép và một số mặt hàng khác (lông vũ, máy móc thiết bị,…).

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hợp tác tiểu vùng trong ASEAN ngày càng có ý nghĩa quan trọng. Trong thế giới liên kết sâu rộng hiện nay, đoàn kết hợp tác và chung tay phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia là điều kiện thiết yếu để đảm bảo tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững. Chúng ta cần có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân trong ứng phó với các thách thức toàn cầu hiện nay nhất là đối với đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh nguồn nước… Ðồng thời, khai thác hiệu quả các tiềm năng còn rộng mở tại các tiểu vùng tạo điều kiện kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp và hợp tác công tư. Các Chính phủ sẽ đồng hành hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm kiếm khai thác cơ hội kinh doanh, đầu tư tại các tiểu vùng.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết