13/11/2023 - 22:35

Thúc đẩy kết nối TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL 

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Trong 2 ngày (15 và 16-11), tại TP Hồ Chí Minh, Diễn đàn Mekong Connect 2023 diễn ra. Năm nay, Mekong Connect đánh dấu lần đầu tiên mở rộng phạm vi liên kết phát triển cấp vùng TP Hồ Chí Minh và tất cả 13 tỉnh, thành ÐBSCL. Trong khuôn khổ phạm vi diễn đàn, bên cạnh các phiên thảo luận, tọa đàm, diễn đàn… xuyên suốt sự kiện còn có khu triển  lãm về những thành tựu, sáng kiến, giải pháp; các mô hình kinh doanh, hoặc sản phẩm mới theo chủ đề về nền kinh tế xanh…

Khu triển  lãm sản phẩm đặc trưng của TP Cần Thơ tại Diễn đàn Mekong Connect 2022 tổ chức tại TP Cần Thơ.  

Khu triển  lãm sản phẩm đặc trưng của TP Cần Thơ tại Diễn đàn Mekong Connect 2022 tổ chức tại TP Cần Thơ.  

Nỗ lực mở rộng kết nối

Ra đời từ sáng kiến của mạng lưới liên kết cấp vùng ABCD Mekong (An Giang - Bến Tre - Cần Thơ - Ðồng Tháp) và sau đó có sự tham gia của TP Hồ Chí Minh, Mekong Connect - CEO Forum là diễn đàn thường niên dành cho doanh nhân, nhà quản lý, điều hành, các chuyên gia trong và ngoài nước cùng các đối tượng có mối quan tâm và lợi ích liên quan đến ÐBSCL.

Sau những kỳ tổ chức, Mekong Connect thực sự đã mở rộng các kết nối của các tỉnh ÐBSCL cùng doanh nghiệp trong và ngoài nước; kết nối nông dân và doanh nghiệp; nhà nghiên cứu với nhà đầu tư, nhà làm chính sách...

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC), cho biết: Ðể có những nội dung về xanh, phát triển bền vững… trong diễn đàn Mekong Connect 2023, Hội DN HVNCLC đã tổ chức các chương trình tiền Mekong Connect, đó là những chương trình hội thảo, các tour tham quan nhà máy, mô hình sản xuất xanh, bền vững. Ðây là những tư liệu để có thêm những góc nhìn từ các doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực để truyền thông trong diễn đàn.

Ðiển hình, ngày 30-10, trong cuộc hội thảo về: “Kết nối doanh nghiệp ÐBSCL và TP Hồ Chí Minh: Thúc đẩy xuất khẩu & kích hoạt bán hàng với công cụ mới trong tình hình mới” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) và Hội DN HVNCLC tổ chức.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng: Nếu doanh nghiệp có sự đầu tư, cũng như số lượng doanh nghiệp tham gia nhiều trong quá trình thực hiện chuỗi sản xuất xanh, kinh doanh xanh thì sẽ có những kết quả khả quan. Chẳng hạn như, từ chủ trương giảm thải carbon của Chính phủ đưa ra, chúng tôi ghi nhận trong ngành lúa gạo và lĩnh vực trồng trọt, thấy rằng, chúng ta đang áp dụng nhanh và tốt. Nếu chương trình này được nhân rộng ra trong các lĩnh vực khác sẽ là hướng đi đúng đắn, có triển vọng, giúp cho nền kinh tế có những giá trị cao hơn.

Bàn về chủ đề chính Mekong Connect 2023 là “Kết nối chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa vùng kinh tế TP Hồ Chí Minh và ÐBSCL hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững”, bà Vũ Kim Hạnh nhấn mạnh: Ðây là lần thứ hai diễn đàn được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, cho thấy sự quan trọng của thành phố trong mối liên kết, hợp tác với khu vực ÐBSCL, tích hợp các nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, nổi bật nhất là những xu hướng về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững đang dẫn dắt thị trường. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang hành động để thích nghi theo xu hướng này.

Nâng chất Mekong Connect

Năm 2023, Mekong Connect đánh dấu lần đầu tiên diễn đàn mở rộng phạm vi liên kết phát triển cấp vùng TP Hồ Chí Minh và tất cả 13 tỉnh thành ÐBSCL, hướng tới trở thành diễn đàn đối thoại kinh tế công tư thường niên của vùng kinh tế TP Hồ Chí Minh trong mối liên kết với khu vực ÐBSCL và các tỉnh Ðông Nam Bộ, nhằm tạo không gian tiếp cận, thảo luận và kiến nghị các cơ hội, thách thức và giải pháp có ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh tế của khu vực.

Trong ngày đầu diễn đàn, ngày 15-11, diễn ra 4 phiên thảo luận đồng thời. Phiên thảo luận chuyên đề 1 “Kiến tạo môi trường cho cộng đồng doanh nghiệp của nền kinh tế xanh” nội dung xoay quanh chủ đề tương lai của kinh tế nông nghiệp. Ðó là những câu chuyện về thế hệ doanh nông mới và giá trị gia tăng từ tài nguyên bản địa, vai trò của các doanh nghiệp dẫn đầu trong hệ sinh thái kinh tế xanh.

Phiên thảo luận chuyên đề 2 “Những thị trường mới nổi: Tái chế và Tín chỉ carbon” nói về những chuyển động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong xu hướng tái chế hướng tới phát triển bền vững; giải pháp thúc đẩy sự hình thành thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam.

Ở phiên thảo luận chuyên đề 3 “Giải pháp mở rộng thị trường cho sản phẩm Việt Nam trong bức tranh kinh tế thế giới 2024” phân tích về thị trường quốc tế đang tìm kiếm điều gì từ các sản phẩm của Việt Nam, cơ hội thị trường cho sản phẩm thực phẩm và đồ uống có nguồn gốc từ thực vật, góc nhìn từ thị trường Việt Nam và quốc tế, cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam đối với thị trường thực phẩm Halal, kênh thương mại điện tử đang ở đâu trong bản đồ phân phối của doanh nghiệp Việt, vận dụng những ứng dụng công nghệ mới như thế nào để tạo lợi thế cho doanh nghiệp trong dòng chảy thương mại trực tuyến.

Phiên thảo luận chuyên đề 4 “Giải pháp thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh trong xã hội và chuyển đổi xanh trong cộng đồng doanh nghiệp”, bàn về xu hướng tiêu dùng xanh hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới, những giải pháp tiếp thị truyền thông hiện đại gắn với xu hướng ESG của cộng đồng doanh nghiệp, những sáng kiến của hệ thống bán lẻ và các công ty cung cấp ứng dụng giao hàng trong việc thúc đẩy tiêu dùng xanh và chuyển đổi xanh.

Ðặc biệt, tại diễn đàn chính - phiên toàn thể diễn ra ngày 16-11, sau phát biểu của lãnh đạo Bộ ngành, lãnh đạo các tỉnh thành Mekong và TP Hồ Chí Minh, là các tham luận xoay quanh nội dung: Cơ chế đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh tác động thế nào đến việc tăng cường liên kết cho doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh và ÐBSCL trong chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ; những thách thức trong việc triển khai quy hoạch tích hợp ÐBSCL và kiến nghị giải pháp hỗ trợ và tọa đàm với nội dung: Tận dụng đòn bẩy chính sách để tăng cường liên kết kinh tế và thương mại giữa khu vực kinh tế TP Hồ Chí Minh và ÐBSCL. Ðặc biệt, tại diễn đàn, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu định hướng hành động của mình.

Xuyên suốt diễn đàn còn diễn ra triển  lãm với chủ đề “Nền kinh tế xanh và bền vững của Việt Nam” với sự tham gia của các doanh nghiệp từ TP Hồ Chí Minh, các tỉnh ÐBSCL và các tỉnh Ðông Nam Bộ, bao gồm: Các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trực tiếp có sản phẩm phù hợp với xu hướng mới; đơn vị đầu tư canh tác và phát triển vùng nguyên liệu; các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và giải pháp cho hoạt động sản xuất như smart manufacturing, bao bì thế hệ mới, dây chuyền công nghệ, nguyên vật liệu mới; doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và giải pháp cho hoạt động kinh doanh như thu xếp tài chính, ngân hàng, bán lẻ trực tuyến, thiết kế, marketing và chiến lược xây dựng thương hiệu,  logistics, xúc tiến thương mại quốc tế; doanh nghiệp tư vấn và chứng nhận tiêu chuẩn; doanh nghiệp thuộc thế hệ doanh nông mới của Việt Nam; doanh nghiệp tổ chức quốc tế đang triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân trong khu vực TP Hồ Chí Minh và ÐBSCL theo xu hướng xanh và bền vững.

Lĩnh vực triển lãm các thành tựu, sáng kiến, giải pháp, mô hình kinh doanh, sản phẩm mới theo các xu hướng kinh tế đương đại, dựa trên tiêu chuẩn và hướng đến xuất khẩu, bao gồm: Mô hình kinh tế tuần hoàn, mô hình thích ứng khí hậu, số hóa và chuyển đổi số, sản phẩm thân thiện môi trường và tốt cho sức khỏe, hệ thống sản xuất đạt chuẩn quốc tế về phát triển bền vững, vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, giải pháp tái chế, công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguồn năng lượng thay thế.

TP Hồ Chí Minh là trung tâm thương mại lớn của cả nước, hiện có khoảng 80% nguồn cung cho thị trường TP Hồ Chí Minh đến từ các tỉnh ÐBSCL. Mối liên kết giữa TP Hồ Chí Minh và các địa phương ÐBSCL là phát triển về hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực, chuỗi sản xuất kinh doanh, kết nối năng lượng - du lịch -  hàng không, hệ sinh thái khởi nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, bình ổn và phát triển thị trường… và có thể khẳng định, liên kết cùng phát triển giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ÐBSCL là nhu cầu cấp thiết.

Chia sẻ bài viết