04/10/2020 - 17:42

30 năm nước Đức tái thống nhất

Thủ tướng Merkel thừa nhận vẫn còn chênh lệnh giữa hai miền 

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm ngày nước Đức tái thống nhất 3-10, Thủ tướng Angela Merkel thừa nhận dù đã đạt được nhiều tiến bộ và sự khác biệt về điều kiện sống giữa hai miền đã giảm đáng kể, song vẫn còn những chênh lệch về cấu trúc và cơ cấu giữa hai miền, đòi hỏi cần tiếp tục nỗ lực hơn, đầu tư và thúc đẩy đổi mới mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Cổng Brandenburg ở thủ đô Berlin của Đức.

Cổng Brandenburg ở thủ đô Berlin của Đức.

Thủ tướng Merkel nhấn mạnh sự thống nhất giữa những người Ðức chưa hoàn tất hoàn toàn khi nhiều người ở Ðông Ðức cũ vẫn cho rằng họ là những “công dân hạng hai”.

Thủ tướng Merkel xuất thân từ Ðông Ðức và bà chính là biểu tượng lớn nhất của sự hòa hợp thành công giữa Ðông và Tây Ðức trong 30 năm qua, khi từ một nhà khoa học trẻ, bà Merkel đã được cố Thủ tướng Helmut Kohn dìu dắt và thăng tiến lên vị trí cao như hiện nay. Tuy nhiên, trường hợp bà Merkel cũng là trường hợp ngoại lệ, do sau 30 năm thống nhất, khoảng cách giữa các bang ở Ðông Ðức và các bang ở Tây Ðức vẫn tương đối rõ cho dù đã thu hẹp hơn, đặc biệt về mặt thu nhập của người dân.

Kết quả cuộc khảo sát có cùng nội dung do Hiệp hội Bảo hiểm Ðức (GDV) thực hiện mới đây và so sánh với cuộc khảo sát năm 1991, qua đó cho biết sự hài lòng của người dân ở miền Ðông Ðức đã tăng đáng kể so với khi nước Ðức vừa tái thống nhất. Tại thời điểm năm 1991, chỉ có khoảng 1/5 số người ở Ðông Ðức được hỏi bày tỏ thái độ hài lòng hoặc rất hài lòng với tình hình tài chính của họ. Trong cuộc khảo sát năm 2020, đã có gần 50% số người tham gia khảo sát thuộc các bang miền Ðông cảm thấy hài lòng về mức thu nhập hiện tại. Trong khi tại Tây Ðức, năm 1991, con số này là khoảng 60% thì nay giảm xuống còn 55%. Liên quan việc làm, người dân Ðông Ðức cũng cho biết họ hài lòng hơn so với thời điểm 30 năm trước. Lý giải cho điều này, ông Elmar Brähler, Giáo sư tâm lý và xã hội học y tế Ðại học Leipzig, nêu rõ ngay sau khi tái thống nhất, miền Ðông Ðức đã trải qua “cú sốc chuyển đổi”, từ đó, tình hình việc làm và tài chính của nhiều người đã được cải thiện đáng kể.                                     

Tuy nhiên, cũng có những lĩnh vực mà sự hài lòng của người dân đã giảm dần. Vào khoảng 30 năm trước, có tới gần 79% số người dân ở Ðông Ðức được hỏi đánh giá cuộc sống của gia đình họ tốt hoặc rất tốt, song trong cuộc khảo sát mới, con số này đã giảm xuống còn 73%. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của hai miền cũng ít chênh lệch hơn. Tại phía Tây, tỷ lệ thất nghiệp trung bình là 5,5%, trong khi miền Ðông là 7,3%, giảm mạnh so với thời điểm những năm 1990 có lúc lên tới 25%. Tuổi thọ của người dân Ðông và Tây Ðức cũng ít chênh lệch hơn và gần như bằng nhau ở nữ giới, trong khi thời điểm năm 1990, tuổi thọ phụ nữ phía Ðông trung bình là 77 tuổi và phía Tây tới 80 tuổi. Tuy nhiên, giữa hai miền Ðông và Tây Ðức vẫn còn những khác biệt chưa thể khỏa lấp, như sức mạnh kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp, nhất là sự trỗi dậy của các phong trào cánh hữu ở phía Ðông. Theo báo cáo hàng năm về tình trạng thống nhất của nước Ðức, sức mạnh kinh tế trung bình của Ðông Ðức (trừ Berlin) gần bằng 73% mức trung bình chung của nước Ðức. Ngay cả bang phía Ðông mạnh nhất về kinh tế cũng chưa bằng bang phía Tây yếu nhất. Khoảng cách về sự giàu có giữa hai miền cũng còn rất lớn. Kể từ khi tái thống nhất, số lượng chủ sở hữu bất động sản ở miền Ðông đã tăng từ 25 lên 40%, trong khi mức trung bình ở các bang miền Tây hiện là 60%. Về mức thu nhập giữa hai miền, người dân Ðông Ðức có thu nhập trung bình thấp hơn 14% so với người Tây Ðức.

MẠNH HÙNG

Chia sẻ bài viết