13/06/2011 - 21:40

Thổ Nhĩ Kỳ

Thủ tướng Erdogan lại đăng quang

Người ủng hộ AKP vui mừng chiến thắng.
Ảnh: Getty Images

Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan đã trở thành người đứng đầu chính phủ thành công nhất trong lịch sử hệ thống bầu cử đa đảng ở Thổ Nhĩ Kỳ khi đảng Công lý và Phát triển (AKP) trung hữu cầm quyền của ông giành thắng lợi vang dội trong cuộc tổng tuyển cử ngày 12-6.

Kết quả từ 99,8% số phiếu đã kiểm cho thấy AKP giành được 49,9% phiếu ủng hộ, tức đạt 325 ghế trong quốc hội 550 thành viên. Đây là chiến thắng vang dội nhất của AKP kể từ khi lên nắm quyền năm 2002 (năm 2007 AKP giành được 46,6% số phiếu), nhưng do lần này áp dụng hệ thống bầu cử phân bổ tỷ lệ đại biểu nên số nghị sĩ của đảng giảm 6 người so với quốc hội khóa trước. Hai đảng đối lập là Cộng hòa Nhân dân về nhì với 26% số phiếu ủng hộ, trong khi Phong trào Dân tộc đứng thứ ba với 13%. Có 36 ứng viên độc lập, mà đa số ủng hộ AKP, đắc cử.

Các nhà quan sát cho rằng kết quả nói trên có được chủ yếu là nhờ uy tín ngày càng gia tăng của chính quyền ông Erdogan trong việc ổn định và phát triển kinh tế đất nước. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thổ Nhĩ Kỳ năm 2010 tăng 8,9% - bước nhảy vọt ngoạn mục trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm chạp. GDP bình quân đầu người cũng đã tăng gần gấp đôi kể từ khi AKP lên nắm quyền.

Với số ghế như trên, AKP có quyền tự đứng ra thành lập chính phủ, nhưng không đủ 330 ghế cần thiết để thông qua hiến pháp mới mà không cần có sự hậu thuẫn của các đảng phái khác. Vì vậy, phát biểu trước hàng ngàn ủng hộ viên đang mừng chiến thắng tại Thủ đô Ankara tối 12-6, Thủ tướng Erdogan tuyên bố kết quả bầu cử là một thông điệp của nhân dân yêu cầu AKP xây dựng hiến pháp mới bằng sự thỏa hiệp và đàm phán, điều đó đòi hỏi đảng này phải thảo luận và tham vấn với tất cả đối thủ và phe phái chính trị cũng như với giới học giả, các tổ chức phi chính phủ, truyền thông nhằm mang lại hòa bình và công lý cho đất nước. Theo các nhà phân tích, nội dung quan trọng của hiến pháp mới mà AKP cam kết soạn thảo là phát triển mô hình tổng thống nắm quyền hành pháp cao nhất (như Pháp hoặc Mỹ), và đặt dấu chấm hết cho sự can thiệp chính trường của quân đội khi bất ổn xã hội xảy ra - vốn được ghi trong hiến pháp hiện hữu do chính quyền quân sự biên soạn cách đây 3 thập niên. Mặc dù nền dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ được phương Tây ca tụng là mô hình đáng noi theo của các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi, nhưng Thủ tướng Erdogan cho rằng nước này cần một hiến pháp mới tôn trọng các quyền cơ bản và tự do phục vụ lợi ích đích thực của nhân dân.

Tuy nhiên, dư luận và phe đối lập e ngại hệ thống chính trị mới có thể khiến ông Erdogan, 57 tuổi, trở thành nhà độc tài nếu ra tranh cử tổng thống đầu tiên vào năm 2015, thời điểm mà ông không thể tranh cử tiếp nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư theo quy định của hiến pháp hiện hành, đồng thời có thể ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa vào năm 2019 (kết thúc vào năm 2023). Việc ông cam kết đưa kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ từ vị trí thứ 16 thế giới hiện nay vào tốp 10 năm 2023 càng khiến người ta nghi ngờ.

PHÚC NGUYÊN (Tổng hợp)

Người ủng hộ AKP vui mừng chiến thắng. Ảnh: Getty Images

Chia sẻ bài viết