25/09/2017 - 22:23

Thủ tướng Đức chiến thắng trong khó khăn 

Châu Âu vừa “thở phào” sau chiến thắng của phe bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử ở Đức hôm 24-9 giúp bà Angela Merkel duy trì ghế thủ tướng thêm 4 năm, cũng vừa “thấp thỏm” khi lần đầu tiên một đảng cực hữu giành ghế tại quốc hội nước này trong vòng hơn nửa thế kỷ.

    

Thủ tướng Merkel phát biểu trước người ủng hộ sau khi biết CDU giành chiến thắng. Ảnh: AFP

Theo CNN, Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel cùng đảng “chị em” tại bang Bavaria là Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) giành chiến thắng với 33,5% số phiếu.

Tuy vẫn là nhóm lớn nhất, chiếm 246 trong tổng số 709 ghế tại Quốc hội, nhưng con số này giảm khá nhiều so với tỷ lệ 41,5% mà CDU-CSU đạt được trong kỳ bầu cử năm 2013. Đây cũng kết quả tồi tệ nhất của phe bảo thủ trong 70 năm qua.

Đối tác của CDU trong chính phủ hiện tại, đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD) cũng có kết quả thấp kỷ lục kể từ năm 1933 với số phiếu giảm từ 25,7% trong kỳ bầu cử trước xuống còn 20,5%, tương đương 153 ghế.

Trong khi đó, đảng Sự lựa chọn thay thế vì nước Đức (AfD) thành lập cách đây 4 năm bất ngờ giành được số phiếu nhiều hơn mong đợi (12,6%) tức 94 ghế, trở thành đảng cực hữu đầu tiên hiện diện trong Quốc hội Đức kể từ năm 1961.

Các đối thủ còn lại có thể kể đến gồm đảng Dân chủ Tự do (FDP) giành 10,7% số phiếu (80 ghế), Cánh tả chiếm 9,2% (69 ghế) trong khi đảng Xanh giành được 8,9% (67 ghế).

Theo BBC, kết quả này cũng dẫn đến tình huống lần đầu tiên có 6 đảng chính trị trong Quốc hội Đức kể từ những năm 1950.

Nói về kết quả bầu cử hôm 24-9, lãnh đạo SPD Martin Schulz cho biết đây là một thất bại “cay đắng” và đảng này sẽ trở thành phe đối lập thay vì tiếp tục gia nhập chính phủ liên hiệp do CDU lãnh đạo.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Schulz cũng từng lên tiếng về vai trò thứ yếu của SDP trong liên minh cầm quyền. Mặt khác, nếu phe trung tả duy trì liên minh với đảng của bà Merkel thì AfD nghiễm nhiên trở thành đảng đối lập lớn nhất.

Cuộc bầu cử ở Đức được theo dõi sát sao khi diễn biến của chính trường Berlin sẽ ảnh hưởng lớn tới chính sách của châu Âu.

Bà Merkel cũng được coi là nhà lãnh đạo quan trọng tái lập trật tự tự do phương Tây trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy với việc Anh rời khỏi EU và chiến thắng của tỉ phú Donald Trump trong bầu cử Mỹ.

Theo giới phân tích, cử tri Đức đã bầu ra một quốc hội bị chia rẽ mà qua đó phản ánh sự rạn nứt giữa một bên tỏ ra hài lòng với Thủ tướng Merkel và một bên mong muốn thay đổi sau 12 năm chính phủ nằm dưới sự lãnh đạo của nữ chính trị gia 63 tuổi.

Phát biểu trước người ủng hộ, bà Merkel cho biết bản thân đã kỳ vọng kết quả bầu cử có thể “tốt hơn”. Thủ tướng cũng cho biết bà coi thắng lợi của phe cực hữu là “phép thử” đối với nước Đức.

Lãnh đạo liên minh bảo thủ cam kết sẽ lắng nghe mối quan tâm của những cử tri ủng hộ AfD. Thủ tướng Merkel cũng cho biết chính phủ của bà sẽ tập trung vào kinh tế-an ninh cũng như giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề di cư - một trong những lý do chính đằng sau thắng lợi của phe cực hữu. 

“Có một thách thức lớn đối với chúng tôi, đó là sự hiện diện của AfD tại Bundestag (Quốc hội Liên bang Đức). Chúng tôi muốn giành lại cử tri từ AfD” – Thủ tướng Merkel nhấn mạnh.

Theo giới quan sát, cuộc tổng tuyển cử hôm 24-9 về bản chất có thể được coi là cuộc trưng cầu dân ý ở Đức về khủng hoảng người tị nạn.

Được thành lập vào năm 2013, AfD nổi lên nhờ quan điểm chống nhập cư và tuyên bố Thủ tướng Merkel sẽ bị “trừng phạt nặng nề” xung quanh quyết định mở cửa biên giới cho người tị nạn chủ yếu từ Trung Đông.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết