05/04/2021 - 15:47

Thơm ngon hương vị bánh tráng dừa 

Với mong muốn khôi phục lại nghề truyền thống của gia đình, hơn 2 năm nay, hai chị em Cao Thị Mỹ Tuyền và Cao Thị Mỹ Duyên (ngụ tại ấp Thới Thuận A, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) từng bước gây dựng cơ sở bánh tráng dừa Mỹ Tuyền. Bánh tráng dừa Mỹ Tuyền được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng bởi sự thơm ngon, mang đậm hương vị quê nhà.

Ngày nào cũng vậy, từ 4-5 giờ sáng, chị Mỹ Tuyền và Mỹ Duyên đã thức dậy, tất bật chuẩn bị nguyên liệu, nổi lửa tráng bánh. Khi ngoài hiên bếp củi lửa đã sẵn sàng, hơi nóng trong lò vừa đủ, người thì lo đổ bột vào khuôn, người lại thoăn thoắt tráng bánh. Với hệ thống máy tráng bánh bằng hơi nước hiện đại, chỉ trong chốc lát, những chiếc bánh thơm ngon đã ra lò trong làn khói nghi ngút, đậm vị béo thơm nước cốt dừa. Xong công đoạn tráng bánh, từng vỉ bánh lại được đem ra sân phơi nắng từ 3 tiếng trở lên mới hoàn thiện.

Hệ thống tráng bánh bằng hơi nước giúp cơ sở bánh tráng dừa Mỹ Tuyền tiết kiệm nhiều thời gian và công sức. 

Vừa nhanh tay tráng từng chiếc bánh, chị Duyên chia sẻ: “Nghề làm bánh tráng dừa là nghề truyền thống của gia đình tôi, được lưu giữ qua rất nhiều thế hệ ông bà. Do hoàn cảnh gia đình neo người, đến đời 2 chị em tôi, nghề làm bánh tráng bị gián đoạn, phải nghỉ một thời gian dài. 2 năm nay, chị em tôi quyết định khôi phục lại nghề và gây dựng cơ sở này”. Theo chị Duyên, trước đây, gia đình chị chỉ làm thủ công, tráng bánh bằng lò trấu nên rất vất vả. Qua nghiên cứu, tìm tòi trên mạng internet, 2 chị mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng để làm hệ thống máy tráng bánh bằng hơi nước. So với cách làm truyền thống, thời gian tráng bánh được rút ngắn đáng kể. Nếu làm bánh theo phương pháp thủ công thì chỉ tráng được khoảng 1.000 chiếc bánh/ngày; còn với máy thì số lượng bánh thành phẩm tăng gấp đôi, gấp 3 lần mà không cần tốn nhiều thời gian, công sức.

Ðể tạo ra được những chiếc bánh thơm ngon, đòi hỏi người làm nghề phải khéo léo và tỉ mẩn trong từng công đoạn. Thành phần bánh phải gồm có: bột gạo, nước cốt dừa, đường, muối, mè, hành lá và tiêu xay. Bí quyết làm nên một chiếc bánh ngon chính là lượng bột được cân đong vừa phải, bột phải được tán đều. Trung bình, khoảng 40kg bột mới làm được 1.000 chiếc bánh tráng thành phẩm. Bánh được hấp bằng hơi nước tầm khoảng 1 phút là chín. Sau khi tráng xong, bánh sẽ được xếp đều trên vỉ đem phơi nắng khoảng 3 giờ.

Vừa xếp từng vỉ bánh đem phơi nắng, chị Tuyền vừa tâm sự: “Chị em tôi chia nhau từng công đoạn để làm bánh. Phần tôi đảm nhiệm chính là khâu phơi bánh. Nhìn thì thấy công việc nhẹ nhàng nhưng khâu phơi bánh cũng rất vất vả. Nếu phơi bánh bằng vỉ nhựa chỉ mất khoảng 3 tiếng bánh sẽ khô; còn sử dụng vỉ phơi bằng tre phải tiếp tục phơi sương để chiếc bánh được dẻo, ngon. Làm nghề này, cực nhất là vào mùa mưa, tôi phải thường xuyên canh tiết trời để phơi bánh, chỉ cần ướt mưa thì bánh sẽ bị hư”. Theo chị Tuyền, nghề làm bánh tráng tuy cực nhưng mang lại nguồn thu nhập rất ổn định, giúp nuôi sống cả gia đình chị. Hiện nay, bình quân mỗi ngày, lò bánh cung ứng ra thị trường trên 1.000 chiếc bánh tráng dừa và 400 bánh tráng ngọt với kích cỡ 3,2 tấc; giá bán lẻ 30.000 đồng/chục bánh. Sau khi trừ chi phí, mỗi ngày, lò bánh giúp 2 chị thu lời khoảng 600.000 đồng. Ðặc biệt, vào những ngày cận Tết, chị Tuyền và chị Duyên còn làm thêm bánh tráng trắng để phục vụ cho các bữa ăn dân dã. Với nghề làm bánh tráng, mỗi dịp Tết cũng là thời điểm tất bật hơn cả, nguồn đơn đặt hàng đều tăng gấp 3 lần so với ngày thường, lò bánh phải hoạt động hết công suất mới đủ cung ứng thị trường.

Bánh tráng dừa là một trong những món ăn được ưa chuộng của người miền Tây. Với mô hình này, không chỉ giúp gia đình chị Tuyền, chị Duyên ổn định cuộc sống, mà với 2 chị, nghề tráng bánh còn là một niềm vui tinh thần lớn lao, giúp lưu giữ nghề truyền thống của gia đình.

Bài, ảnh: HỒNG VÂN

Chia sẻ bài viết