Chính phủ Bồ Đào Nha ngày 13-5 đã thông qua các biện pháp mới chống khủng hoảng sau khi Tây Ban Nha, một thành viên trong Khu vực đồng euro, đã chính thức tham gia chiến dịch “thắt lưng buộc bụng” của khu vực này nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát khủng hoảng nợ trên toàn châu Âu.
Theo kế hoạch, Lisbon quyết định cắt giảm mạnh tiền lương và chi tiêu cho các dịch vụ công cùng với việc tăng thuế nhằm làm giảm hơn một nửa thâm hụt ngân sách của nước này. Thủ tướng Bồ Đào Nha Jose Socrates cho biết chính phủ sẽ cắt giảm 5% tiền lương của công chức và quan chức nhà nước, trong đó có cả các bộ trưởng, tăng 1% thuế giá trị gia tăng lên 21%. Ông cũng cam kết sẽ giảm thâm hụt ngân sách từ 9,4% năm 2009 xuống còn 4,6% vào cuối năm 2011, trong khi tăng từ 1 - 1,5% mức thuế thu nhập đối với những người có thu nhập cao.
Thủ tướng Socrates đã kêu gọi người dân Bồ Đào Nha hiểu và chấp nhận các biện pháp khắc khổ của chính phủ, nhấn mạnh rằng Lisbon chỉ có 6 tháng để giảm thâm hụt ngân sách. Trong khi đó, các phương tiện thông tin đại chúng của Bồ Đào Nha đã gọi chương trình nói trên của chính phủ là một cú “sốc tài chính”. Không loại trừ rằng chương trình này sẽ vấp phải sự phản đối của dân chúng.
Những biện pháp khắc khổ mới mà các chính phủ châu Âu thông qua nằm trong khuôn khổ chiến dịch “thắt lưng buộc bụng” của Khu vực đồng euro nhằm ngăn chặn “mầm bệnh” khủng hoảng nợ công từ Hy Lạp lây lan sang các mắt xích yếu khác trong cỗ máy kinh tế Liên minh châu Âu (EU). Phát biểu trước Quốc hội Tây Ban Nha hôm 12-5, Thủ tướng nước này Jose Luis Rodriguez Zapatero khẳng định chính phủ phải thực hiện “một nỗ lực khác thường” để giảm thâm hụt ngân sách và phải thực hiện nỗ lực này trước khi kinh tế Tây Ban Nha bắt đầu phục hồi. Tuy nhiên, nhật báo El Pais của nước này cảnh báo Thủ tướng Zapatero đã vượt qua “giới hạn đỏ” mà chính ông đã hứa sẽ không bao giờ cán tới sau khi công bố kế hoạch cắt giảm chi tiêu 50 tỉ euro đầu tiên hồi tháng 1-2010.
Người ta tin rằng sau Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, các nước giàu như Phần Lan, Đan Mạch và Anh sẽ lần lượt tung ra nhiều giải pháp cắt giảm ngân sách “đau đớn” nhất chưa từng có trong lịch sử hiện đại. Báo chí Anh cho biết liên minh chính quyền mới của tân Thủ tướng David Cameron ngày 13-5 đã khẳng định sẽ cắt giảm 9 tỉ USD ngay trong tài khóa 2010 như là bước mở đầu của “chiến dịch” hạ đà thâm thủng ngân sách đang ở mức 11,5% GDP. Nước Đức của nữ Thủ tướng Angela Merkel chưa rục rịch gì, nhưng theo các nhà phân tích, bà khó giữ lời hứa giảm thuế lúc vận động tranh cử. Một quốc gia có thu nhập bình quân trên đầu người cao nhất châu Âu như Luxembourg cũng vừa thông báo chính phủ nước này sẽ có dự thảo ngân sách “ăn kiêng” trong tài khóa 2011 sắp đến. Tại Pháp, giới cầm quyền phủ nhận cái gọi là “sự khắc khổ” trong chính sách chi tiêu, nhưng cho biết sẽ giảm 10% chi phí hoạt động của nhà nước trong 3 năm và tăng các nguồn thu thuế để có thêm 5 tỉ USD sau 2 năm nữa.
Mối quan ngại chung của các nước khi đưa ra quyết định trên là sự phản ứng giận dữ của công chúng. Các cuộc biểu tình đẫm máu đã xảy ra ở Hy Lạp cho thấy điều đó. Trước Hy Lạp, năm 2008, Ireland là quốc gia đầu tiên của khu vực đồng euro thực hiện “liệu pháp sốc” này nhằm đối phó với tình hình suy thoái kinh tế. Năm ngoái, nước này đã hai lần đưa ra các biện pháp cắt giảm ngân sách, trong đó có cắt giảm trợ cấp xã hội và giảm lương cán bộ từ 5-15%, tăng thuế nước, thuế thu nhập nhằm đưa mức thâm hụt ngân sách cao ngất ngưởng 14,3% GDP xuống còn 11,6% trong năm nay. Chính quyền cánh tả ở Hungary ngay từ đầu năm 2008 cũng áp đặt nhiều biện pháp “tiết kiệm” mà người ta cho là “hết sức hà khắc” để đổi lấy sự trợ giúp của quốc tế khiến họ phải trả giá. Chính quyền cánh hữu ở Hungary lên thay hồi đầu tháng 4 vừa qua cũng không có cách nào khác hơn chính phủ tiền nhiệm. Ngay cả Roumanie, dù mức thâm hụt ngân sách chỉ chiếm 7,2% GDP và nợ công chiếm 30% GDP, nhưng hồi đầu tháng 5 vừa qua đã tuyên bố sẽ cắt giảm tất cả mọi lương bổng, trong đó lương cán bộ công chức giảm tới 25%, lương hưu trí và trợ cấp thất nghiệp giảm 15%.
Xem ra, “thắt lưng buộc bụng” đã trở thành “sự lựa chọn bất khả kháng” của các nước châu Âu trong thời buổi khó khăn hiện nay.
PHÚC NGUYÊN
(Theo Nouvelobs, VOA, The Guardian, Reuters)