12/01/2020 - 12:59

Thời của những phương tiện tự hành 

Trung Quốc vừa đánh dấu một cột mốc mới về công nghệ khi đưa vào vận hành tuyến đường sắt cao tốc thông minh không người lái đầu tiên trên thế giới.

Tự hành từ dưới đất…

Cuối năm 2019, Trung Quốc đã khánh thành tuyến đường sắt dài gần 174km, nối Thủ đô Bắc Kinh với thành phố Trương Gia Khẩu - một trong những địa điểm sẽ đăng cai Thế vận hội mùa Đông 2022. Tuyến đường mới giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai địa danh trên từ 3 tiếng đồng hồ xuống còn 47 phút. Nó còn được mệnh danh đường sắt cao tốc thông minh đầu tiên trên thế giới vì có thể phục vụ xe lửa không người lái chạy với vận tốc lên tới 350km/h và được coi là tàu viên đạn tự hành đầu tiên của nhân loại.

Hiện mỗi ngày có khoảng 30 tàu cao tốc chạy tuyến Bắc Kinh - Trương Gia Khẩu, nhưng chỉ 6 trong số chúng được xem là “xe lửa thông minh” mới. Các toa tàu được trang bị mạng 5G, ánh sáng thông minh, bên cạnh 2.718 cảm biến để thu thập dữ liệu và phát hiện bất kỳ hoạt động bất thường nào trong quá trình vận hành. Trong đó, mỗi ghế hành khách đều có bảng điều khiển với màn hình cảm ứng riêng và đế sạc không dây. Mặc dù các tàu cao tốc trên tuyến này là tự động, bao gồm tự khởi động, dừng và điều chỉnh tốc độ, nhưng vẫn có một tài xế giám sát thường trực trên tàu.

Cũng liên quan đến Trung Quốc, nhà cung cấp giải pháp xe tự hành AutoX đang bắt tay với hãng xe hơi Fiat Chrysler để triển khai đội xe taxi tự lái (robotaxi) tại Trung Quốc và các nước châu Á. Dự kiến, các xe sẽ lăn bánh tại Trung Quốc vào đầu năm nay. Người dân Trung Quốc có thể đặt xe thông qua ứng dụng WeChat phiên bản nhỏ và các phần mềm khác. Năm ngoái, AutoX và nhà sản xuất xe điện Thụy Điển NEVS cũng đã hợp tác triển khai robotaxi ở châu Âu, dự kiến vào cuối năm 2020.

…cho tới trên không

Sự phát triển mạnh mẽ của các thành phố lớn thường đi kèm với nhiều thách thức và một trong số đó là tắc nghẽn giao thông. Giải pháp đang được quan tâm nhiều vào lúc này là xe bay, taxi bay. Tại Triển lãm điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới (CES) 2020 vừa kết thúc ở thành phố Las Vegas của Mỹ, giám đốc sáng tạo của hãng Bell là Scott Drennan thậm chí dự đoán taxi bay có thể về đầu trong cuộc đua chế tạo phương tiện tự lái.

Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh Bell cùng hãng ứng dụng gọi xe công nghệ Uber và các đối tác khác đang hợp tác phát triển taxi bay chạy bằng điện để phục vụ cho mạng lưới chia sẻ hàng không tương lai. Mới đây, tập đoàn xe hơi Hàn Quốc Hyundai cũng đã trở thành đối tác mới nhất của dự án này. Theo đó, Hyundai sẽ sản xuất và triển khai phương tiện bay, còn Uber cung cấp dịch vụ hỗ trợ hàng không, kết nối với phương tiện mặt đất và giao diện khách hàng.

Thực tế, Hyundai đã phát triển thiết bị bay cá nhân có tên S-A1 trong khuôn khổ sáng kiến Uber Elevate. S-A1 có quy trình thiết kế sáng tạo, tối ưu cất cánh và hạ cánh thẳng đứng. Phương tiện này chạy bằng điện hoàn toàn, được thiết kế cho tốc độ hành trình lên tới gần 290km/h, độ cao bay 300-600m, phù hợp di chuyển trong bán kính 96km. S-A1 ban đầu được thiết kế có người lái nhưng sau đó sẽ tự hành để giảm chi phí cho hành khách. S-A1 có cánh máy bay dài 15m, thân dài 10,7m, có thể chở được 5 người, sử dụng nhiều rô-tơ nhỏ và cánh quạt, giúp giảm đáng kể tiếng ồn so với trực thăng.

Chuyến bay thử nghiệm dự kiến diễn ra trong năm nay, trước khi bay thương mại vào năm 2023. Uber dự kiến sẽ triển khai taxi bay tại các thành phố Dallas, Los Angeles (Mỹ) và Melbourne của Úc. Thị trường cho taxi bay được dự báo sẽ tăng gấp 20 lần vào năm 2035.

Phát biểu tại CES 2020, Bộ trưởng Giao thông Mỹ Elaine L. Chao đã công bố sáng kiến về lĩnh vực xe hơi tự hành nhằm đảm bảo duy trì quản lý đối với công nghệ phát triển xe tự lái. Trong đó, sáng kiến mang tên “AV 4.0” đặt ra các quy tắc của liên bang đối với việc phát triển và tích hợp các xe tự lái, bao gồm 3 lĩnh vực trọng tâm: ưu tiên an ninh và an toàn, thúc đẩy đổi mới và đảm bảo phương pháp quản lý nhất quán.

Cũng tại sự kiện công nghệ trên, “đại gia” công nghệ Mỹ Qualcomm đã cho ra mắt nền tảng lái xe tự động mới. Theo đó, nền tảng Snapdragon Ride ứng dụng phần cứng tiết kiệm năng lượng, công nghệ trí tuệ nhân tạo hàng đầu và cơ cấu lái xe tự động tiên tiến nhằm giải quyết tính phức tạp của xe tự hành cũng như đem lại giải pháp toàn diện, tiết kiệm năng lượng và chi phí. Dự kiến, các phương tiện sử dụng Snapdragon Ride của hãng sẽ được sản xuất từ năm 2023.

Thị trường phương tiện trên không dành cho đô thị (UAM) được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai gần. Hiện đã có hơn 200 doanh nghiệp trên thế giới đầu tư vào sản xuất máy bay cá nhân (PAV) và lĩnh vực UAM. Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley của Mỹ dự báo tới năm 2040, quy mô tăng trưởng của thị trường UAM sẽ lên tới 1.500 tỉ USD.

HẠNH NGUYÊN (Theo CNN, Telegraph)

Chia sẻ bài viết