13/03/2012 - 09:18

Thời của máy bay không người lái
Kỳ 2: Áp lực đưa máy bay dân sự không người lái vào sử dụng

Một mẫu UAV Predator của Mỹ.
Ảnh: U.S. Air Force

Với khả năng đa dạng, máy bay dân sự không người lái, “anh em” của chiến đấu cơ không người lái, đang trở thành nhu cầu của các sở cảnh sát, lực lượng tuần tra biên giới, công ty năng lượng, tổ chức truyền thông... muốn thực hiện những hoạt động mà máy bay hoặc trực thăng thông thường không thể thực hiện hoặc rất nguy hiểm khi thực hiện. Tuy vẫn còn những lo ngại về an toàn, áp lực cho phép máy bay không người lái (UAV) cất cánh trên bầu trời nội địa giống như máy bay có người lái đang ngày càng gia tăng tại Mỹ.

Nhu cầu ngày càng tăng về UAV

Sau khi rút quân khỏi Afghanistan, Mỹ mang về nước hàng loạt UAV từ chiến trường. UAV có nhiều kích cỡ, từ máy bay tầm cao Global Hawk với sải cánh dài trên 35m đến các dạng “chim ruồi” có trọng lượng nhẹ hơn 1 cục pin AA và có thể đậu trên mép cửa sổ để thu âm thanh và hình ảnh. Mới đây, hãng Lockheed Martin vừa phát triển 1 UAV có hình dạng trái cây phong, được trang bị các máy cảm biến hình ảnh và nhẹ khoảng 30 gam.

Bộ Quốc phòng Mỹ muốn tiếp tục kiểm tra và sử dụng các UAV này trong nước. Họ cho rằng nhu cầu UAV và những sứ mệnh mở rộng của chúng đòi hỏi sự tiếp cận thường xuyên và không hạn chế ở không phận trong nước, kể cả khu vực quanh sân bay và thành phố. Tháng 10 năm ngoái, cơ quan này đề nghị được thực hiện chuyến bay đầu tiên của các UAV nhỏ dưới hình thức bay một mình và theo nhóm, ban ngày lẫn ban đêm, và kéo dài trong nhiều năm. Những chuyến bay dành cho các UAV cỡ lớn và vừa sẽ nối tiếp trong nửa sau của thập niên này.

Không chỉ có Lầu Năm Góc, rất nhiều đối tượng dân sự có nhu cầu sử dụng UAV. Các công ty năng lượng muốn dùng UAV để kiểm soát các đường ống dẫn dầu và khí đốt; nông dân muốn dùng chúng để thăm dò những chỗ cần tưới nước trên đồng; người chăn nuôi muốn chúng đếm số lượng đàn bò; phóng viên thì muốn khai thác khả năng thu thập tin tức của UAV...

Cục Hải quan và biên phòng Mỹ hiện có 9 chiếc UAV Predator do General Atomics sản xuất, hoạt động chủ yếu ở biên giới Mỹ - Mexico. Đây là loại UAV đa tính năng, có thể đạt tốc độ tối đa 217 km/giờ và tầm hoạt động 1.086 km. Cơ quan này dự kiến sẽ nâng hạm đội UAV lên 24 chiếc vào năm 2016. Các quan chức cho biết UAV đã giúp bắt giữ hơn 20 tấn ma túy và khoảng 7.500 người từ khi được đưa vào tuần tra biên giới cách đây 6 năm. Rất nhiều sở cảnh sát trên đất nước cờ hoa cũng thử nghiệm các UAV cỡ nhỏ để chụp ảnh hiện trường vụ án, hỗ trợ tìm kiếm và dò đường cho đội cảnh sát đặc nhiệm. Mỹ dự đoán thế giới sẽ triển khai khoảng 30.000 UAV vào năm 2018, trong đó Mỹ chiếm 50%.

Lo ngại về độ an toàn và những quy định ràng buộc

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho rằng có rất nhiều vấn đề về an toàn chưa được giải quyết khi cho UAV không gian hoạt động lớn hơn. Sự hiện diện của các UAV có thể xâm hại đến đời sống riêng tư của mọi người. Ngoài ra, chúng có thể va chạm với các máy bay chở khách hoặc gặp sự cố và rơi xuống đất. Những lo ngại này khiến việc triển khai rộng rãi công nghệ này bị trì hoãn.

Tháng 12-2011, quốc hội Mỹ cho phép Cục Quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA) 6 tháng để sử dụng 6 nơi trong nước làm nơi quân đội và các tổ chức có thể lái UAV trong đường bay thông thường với mục tiêu chứng minh rằng chúng an toàn. Những cơ quan chính phủ ngoài quân đội muốn dùng UAV đều bị ràng buộc bởi lệnh cấm của FAA và chỉ được sử dụng khi có giấy phép đặc biệt. Tuy nhiên, trong năm 2011, chưa tới 300 giấy miễn lệnh cấm được cấp và chúng thường kèm theo những hạn chế để tránh xảy ra tai nạn. Chẳng hạn, giấy phép của FAA mà các sở cảnh sát nhận, quy định rõ: UAV phải nhẹ hơn 25 kg, bay thấp hơn độ cao 122 m so với mặt nước biển và phải luôn nằm trong vùng kiểm soát của người điều khiển. Và giấy miễn lệnh cấm chỉ dành cho cơ quan chính phủ.

Song, với áp lực sử dụng UAV cho mục đích dân sự ngày càng gia tăng, các quy định cũng dần được điều chỉnh. Vừa qua, quốc hội Mỹ yêu cầu FAA cho phép các UAV dân sự và quân đội bay trong không phận dân sự trước tháng 9-2015. Đầu năm nay, FAA chuẩn bị bước đầu tiên là đề xuất các quy định cho phép sử dụng thương mại có giới hạn đối với các UAV nhỏ. Theo đó, người điều khiển UAV phải có “chứng chỉ phi cụ” - cao hơn chứng chỉ lái máy bay tư nhân cơ bản. Bên cạnh đó, khác với UAV dùng trên chiến trường, những UAV được thiết kế để hoạt động trong không phận dân sự cũng phải đạt các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt hơn.

FAA vẫn rất thận trọng khi đề ra kế hoạch cho các UAV dân sự. Và theo Dan Elwall, Phó chủ tịch ngành hàng không dân dụng của Hiệp hội công nghiệp hàng không Mỹ (AIA), “Đây sẽ là cuộc cách mạng lớn tiếp theo trong ngành hàng không”.

THUẬN HẢI (Theo AP, AFP)

Kỳ cuối: UAV, mạng người và sự tự do

Một mẫu UAV Predator của Mỹ. Ảnh: U.S. Air Force

Chia sẻ bài viết