14/09/2020 - 14:00

Thợ làm bánh vào mùa Trung thu 

Chưa đầy 20 ngày nữa là đến Tết Trung thu. Đón đầu nhu cầu bánh ngọt vui Trung thu của các gia đình, nhiều thợ bánh bắt đầu tập trung vào mùa sản xuất thủ công bánh Trung thu...

Anh Thuần giới thiệu các công đoạn làm bánh rau câu Trung thu.

►Bánh Trung thu gia truyền

Ở khu vực Bình Thường B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, có tiệm bánh trung thu A Sái của ông Dư Văn Sái, 65 tuổi. Những ngày này, trong chiếc tủ kính được đặt ngay cổng chính lối vào sân nhà luôn được ông bày bán các loại bánh nướng truyền thống, bánh dẻo, bánh pía với nhiều loại nhân: thập cẩm, đậu xanh trứng muối, khoai môn, dừa, hạt sen.

Ông Sái cho biết, đây là nghề truyền thống, cha truyền còn nối của gia đình. Hơn 30 năm trước, ông từng theo học và làm nghề bánh với anh ruột ngụ TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Sau đó, do ảnh hưởng bởi sự “lên đời” của các dòng bánh Trung thu công nghiệp, ông Sái đành ngậm ngùi bỏ nghề. Mới 8 năm nay, “bánh nhà làm” ngày càng phổ biến, chiếm được cảm tình của nhiều thực khách thì cũng là lúc ông Sái khởi động lại lò nướng bánh của gia đình. Giới thiệu chiếc lò nướng đặc biệt, vận hành bằng gas được ông đặt làm ở TP Long Xuyên từ nhiều năm trước, ông Sái vui vẻ cho biết: “Nhìn nó thô sơ vậy chứ nướng bánh Trung thu là nhất, đảm bảo bánh ngon mà rất tiết kiệm nhiên liệu”.

Mùa Trung thu của ông Sái thường bắt đầu từ đầu tháng 7 âm lịch đến ngày trăng tròn tháng 8, vừa vặn hoàn thành khoảng 700 cái bánh đủ cỡ. Bánh có trọng lượng 200gram, tùy loại, có giá bán dao động từ 30.000-50.000 đồng/cái. Ông Sái chia sẻ: “Những chiếc bánh do chính tôi và bà xã cùng làm, được bạn bè, đồng hương trong cộng đồng người Hoa ủng hộ liên tục nhiều năm qua. Cứ khoảng giữa tháng 7 âm lịch là có khách đặt làm lai rai. Các con khuyên tôi và bà xã nghỉ làm bánh, nhưng với tôi, được gắn bó với nghề mình thích chính là niềm vui lớn lao”. Không chỉ làm bánh Trung thu, vợ chồng ông Sái từng nổi tiếng với món bánh củ cải, bánh tất niên được mang dự thi và đạt giải cao ở Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ.

►Hấp dẫn bánh Trung thu rau câu

Xuất phát từ nhu cầu dùng bánh của gia đình, chị em anh Phan Văn Thuần ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều bắt đầu nghiên cứu, làm bánh trung thu rau câu từ năm 2014. Có lợi thế bánh plan và rau câu truyền thống là “món tủ” của mẹ, vì vậy, không khó để cả nhà tìm được công thức chuẩn cho món bánh này. Mùa Trung thu năm 2015, lần đầu giới thiệu, bán qua mạng, chị em anh Thuần nhận được sự ủng hộ của bạn bè, người thân, với 240 bánh được bán đi. Hiện nay, bánh Trung thu rau câu của chị em anh Thuần chủ yếu có 4 vị: ca cao, trà xanh, lá dứa và cà phê. Tùy loại, bánh sẽ được kết hợp với nhân bánh plan hay đậu xanh trà xanh, đậu xanh lá dứa phối cùng trứng muối. Ðặc biệt, 3 năm nay, anh Thuần và chị còn nghiên cứu làm thêm món bánh Trung thu rau câu tổ yến, được xem là chiếc bánh “sang chảnh” nhất trong các dòng bánh rau câu. Anh Thuần khẳng định, với phương châm đảm bảo an toàn là chính nên nguyên liệu được sử dụng làm bánh 100% có nguồn gốc từ thiên nhiên. Có lẽ cũng chính nhờ vậy nên bánh của anh Thuần và chị ngày càng được khách hàng ưa chuộng.

Trung thu năm nay, anh Thuần và chị bắt đầu nhận đặt bánh từ cuối tháng 6 âm lịch, để chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn tập trung làm bánh rộ nhất là từ mùng 5 đến Rằm tháng 8 âm lịch. Anh Thuần chia sẻ: “Cực nhưng vui vì bánh chúng tôi làm ra được khách ưa chuộng và tin dùng. Quan trọng là mùa Trung thu chị em tôi có những chiếc bánh do tự tay mình làm, có cả tấm lòng và sự cẩn trọng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đem tặng người thân”. Không chỉ phục vụ thực khách ở trung tâm TP Cần Thơ, bánh Trung thu rau câu của chị em anh Thuần còn được rất nhiều thực khách ở các tỉnh: Vĩnh Long, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và Thành phố Hồ Chí Minh đặt mua. Mỗi hộp bánh 4 cái tùy chọn khẩu vị, có giá dao động từ 170.000-270.000 đồng, món bánh Trung thu rau câu của chị em anh Thuần còn là lựa chọn khá kinh tế cho những thực khách ưa thích bánh ngọt trong mùa Trung thu.

Có thể đặt làm bánh theo khẩu vị riêng của khách hàng là lợi thế của những chiếc bánh Trung thu nhà làm. Những người thợ làm bánh với sự tỉ mỉ, tận tâm, luôn cố gắng làm hài lòng thực khách, chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn có thể tìm được sự ủng hộ, tin dùng của nhiều khách hàng trong thị trường tràn ngập bánh Trung thu công nghiệp của nhiều thương hiệu lớn để nguồn thu nhập đáng kể mỗi mùa Trung thu.

Bài, ảnh: MỸ TÚ

Chia sẻ bài viết