Trung Quốc vừa thông báo một đợt cao điểm về khai thác và đốt than trên toàn quốc, trong bối cảnh tình trạng thiếu điện có nguy cơ gây tổn hại đến hình ảnh “công xưởng thế giới” của nước này.
Kể từ cuối tháng 9, tình trạng cắt điện luân phiên ở Trung Quốc đã lan ra 1/2 tỉnh, thành. Thiếu điện đang ảnh hưởng đến hàng loạt nhà máy và ngành công nghiệp. Ví dụ Wuxi Honghui New Materials Technology, tập đoàn cung cấp hóa chất cho các nhà sản xuất sơn trên thế giới, đã thông báo cắt giảm sản lượng. Toly Bread thì không có đủ năng lượng cần thiết để vận hành các tiệm bánh mì trên toàn quốc. Nguyên nhân của đợt khủng hoảng lần này trước tiên là do nhu cầu tiêu thụ điện năng tăng đột biến sau khi Trung Quốc kiểm soát được đại dịch COVID-19 và nhanh chóng khôi phục sản xuất.

Một xưởng cơ khí ở tỉnh Quảng Đông ngừng hoạt động vì mất điện. Ảnh: NY Times
Trước tình trạng trên, nhà chức trách đã phát động chiến dịch khai thác và đốt than nhiều hơn trên toàn quốc, bất chấp những cam kết trước đó của họ là hạn chế lượng khí thải gây biến đổi khí hậu. “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để tăng sản lượng và cung cấp than”, Zhao Qinxin, Tổng Thư ký Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, phát biểu tại cuộc họp báo hôm 13-10. Theo đó, nhiều mỏ than và nhà máy nhiệt điện than đã đóng cửa để sửa chữa sẽ nối lại hoạt động. Các chính sách ưu đãi thuế cho các nhà máy nhiệt điện than cũng đang được soạn thảo. Giới quản lý yêu cầu các ngân hàng Trung Quốc cung cấp nhiều khoản vay cho lĩnh vực than đá.
Với việc mùa đông đến gần và cần năng lượng sưởi ấm, Trung Quốc phải đào và đốt thêm than. Nước này cũng đối mặt với việc có nên cho phép các nhà máy tiếp tục vận hành toàn bộ nguyên liệu công nghiệp cho chuỗi cung ứng toàn cầu hay không. Thiếu điện có thể khiến các nhà sản xuất ở Trung Quốc phải điều chỉnh lại lịch làm việc, thời hạn giao hàng và gây khó cho toàn bộ phần còn lại của chuỗi cung ứng.
Mặt khác, cuộc khủng hoảng điện cũng đã phơi bày một trong những điểm yếu chiến lược của Trung Quốc: họ là một quốc gia ngày càng “thèm khát” năng lượng. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dựa vào các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như thép, xi măng và hóa chất để thúc đẩy tăng trưởng. Các nhà máy thép trong nước mỗi năm “ngốn” nhiều điện hơn so với tất cả các hộ gia đình trên toàn quốc và tạo ra khoảng 1/6 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Trung Quốc. Ma Jun, Giám đốc Viện Các vấn đề Công cộng và Môi trường, cho rằng các nhà máy ở Trung Quốc cũng có xu hướng cần nhiều năng lượng hơn các nhà máy phương Tây từ 10-30%.
Trung Quốc gần đây nổi lên là “thủ phạm” phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, chủ yếu do phụ thuộc nhiều vào than đá. Ðất nước tỉ dân này đốt nhiều than hơn phần còn lại của thế giới cộng lại và là quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai sau Mỹ.
Bắc Kinh đang nhanh chóng mở rộng việc sử dụng khí đốt tự nhiên, thủy điện, quang điện và phong điện nhưng vẫn không đủ năng lượng để đáp ứng nhu cầu. Thật ra, ngay cả việc chuyển đổi sang năng lượng xanh cũng có thể tốn rất nhiều năng lượng. Chẳng hạn, sản xuất tấm pin Mặt trời ở Trung Quốc đòi hỏi lượng điện rất lớn, chủ yếu là than.
HẠNH NGUYÊN (Theo NY Times)