13/12/2012 - 20:53

Tọa đàm “Ký ức Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

Thêm tự hào về tinh thần chiến đấu anh dũng, quật cường của ông cha

Các bạn trẻ tham quan triển lãm sách "Ký ức Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" ngày 5-12-2012.

Xúc động xen lẫn tự hào là tâm sự chung của nhiều bạn trẻ có mặt tại buổi tọa đàm "Ký ức Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" do Thành đoàn Cần Thơ, Hội Cựu chiến binh (CCB) thành phố và Thư viện TP Cần Thơ tổ chức vào đầu tháng 12-2012. "Tôi rất khâm phục ý chí sắt đá của các thế hệ cha anh trước âm mưu của kẻ thù muốn đưa Hà Nội trở về "thời kỳ đồ đá". Tôi cũng thấy căm ghét chiến tranh và biết mình hạnh phúc khi có được cuộc sống thanh bình hôm nay..." - anh Võ Thanh Mộng, Bí thư Đoàn Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP Cần Thơ chia sẻ với chúng tôi như vậy.

Dân ta phải biết sử ta

Có mặt tại điểm triển lãm sách của Thư viện TP Cần Thơ nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (12/1972-12/2012), Trần Nhật Trường, sinh viên Sư phạm thể dục - thể thao khóa 35, Trường Đại học Cần Thơ, chăm chú đọc sách. Lật từng tấm ảnh về trận đánh 12 ngày đêm của quân dân ta trước sự tấn công của 193 máy bay B.52, mắt Trường đỏ hoe vì xúc động. Trường cho biết: "Tôi từng đi bộ đội nên cũng biết ít nhiều về chiến công này. Tuy nhiên, chỉ khi đến đây tôi mới nhận thấy sự hiểu biết của mình còn quá hạn hẹp. Chẳng hạn như chuyện bộ đội ta đã cải tiến tên lửa SAM2 để đánh máy bay B.52, tinh thần quả cảm của quân dân thủ đô trong 12 ngày đêm... Những điều đó hoàn toàn mới mẻ với tôi". Đây là lần đầu tiên Trường đến xem triển lãm sách về lịch sử. Không chỉ tìm hiểu về Hà Nội, tại đây, Trường cũng tìm thấy những tư liệu quý giá về một sự kiện cũng diễn ra vào "mùa hè đỏ lửa" năm 1972: cuộc chiến 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị. Nhật Trường bộc bạch: "Tôi rất xúc động khi thấy hình ảnh các anh trong Quân chủng Phòng không - Không quân kiên cường đánh trả máy bay Mỹ hay bộ đội ta vượt sông Thạch Hãn để vào thành cổ. Hai sự kiện đó ở hai thời điểm khác nhau nhưng tôi nhận ra rằng chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Việt Nam dù ở đâu, thời điểm nào cũng thật hiển hách…".

Cùng tham dự triển lãm sách, Lê Thị Mai Sương, Phó Bí thư Đoàn phường An Phú, quận Ninh Kiều, cho biết: "Mình đem theo cuốn sổ tay để thấy vấn đề nào hay thì ghi lại. Sau này, Ban Chấp hành Đoàn phường tổ chức thi hái hoa dân chủ thì mình sẽ lấy tư liệu này thiết kế các câu hỏi…". Trong suốt buổi tọa đàm "Ký ức Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", Mai Sương cẩn thận ghi từng lời của chú Trần Thành Nghiệp, Chủ tịch Hội CCB thành phố - diễn giả của buổi tọa đàm. Không riêng gì Mai Sương, gần 200 bạn trẻ có mặt tại chương trình cũng không rời mắt khỏi màn hình máy chiếu để dõi theo chiến công vang dội địa cầu của Quân đội Nhân dân Việt Nam qua từng thước phim tư liệu. Trần Nguyễn Ngọc Ngân, Phó Bí thư Đoàn phường Phú Thứ, quận Cái Răng, chia sẻ: "Tôi thích nhất câu nói của Bác là "Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B.52, B.57 hay "bê" gì chăng nữa ta cũng đánh… Mà đánh là nhất định thắng". Càng khâm phục trí tuệ của Bác, quân dân thủ đô, tôi càng quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống của cha anh đi trước…".

Ra sức gìn giữ, xây dựng nền hòa bình

Tham gia chương trình tọa đàm, hàng chục câu hỏi đã được gởi đến cho ban tổ chức, như: ta đã đánh thắng Mỹ với lực lượng như thế nào? Làm sao sơ tán người dân khi máy bay đến? Kinh nghiệm năm xưa đã được quân đội ta gìn giữ, phát huy ra sao?... Trả lời câu hỏi "Tuổi trẻ Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng hôm nay cần làm gì để phát huy chủ nghĩa anh hùng 40 năm trước?". Chú Trần Thành Nghiệp chia sẻ: "Thật sự các cháu đều có thể trả lời được câu hỏi này bởi đó là lý do chúng ta có mặt ở đây. Chúng ta cần phải sống có trách nhiệm đối với Tổ quốc, với công việc. Bên cạnh đó, các cháu cũng cần học tập nâng cao trình độ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Theo chú Trần Thành Nghiệp, sức lan tỏa của chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" cũng nhắc nhở thế hệ trẻ hiện nay "sống phải biết cống hiến". "Ngày trước, cha anh đã kiên cường đánh thắng "pháo đài bay B.52" thì ngày nay trách nhiệm lớn nhất của tuổi trẻ trong phát huy truyền thống đó là làm rạng rỡ nước nhà"- chú Trần Thành Nghiệp đúc kết.

Buổi tọa đàm không chỉ giúp các bạn trẻ có dịp nung nấu bầu nhiệt huyết, lòng tự hào và ý thức về chủ quyền dân tộc mà còn giúp các bạn nhận ra một điều cũng vô cùng quan trọng: lòng yêu hòa bình. Các bạn tự hào khi thấy hình ảnh máy bay Mỹ rơi thì liền kề đó là hình ảnh Hà Nội với những phố phường tang thương, tường nhà đổ nát… điều đó dạy cho các bạn trẻ sự căm ghét chiến tranh, vun bồi tình yêu hòa bình. Tham dự buổi tọa đàm, Thượng tá Nguyễn Sơn Hiệp, Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an TP Cần Thơ, cũng kể cho các bạn trẻ nghe câu chuyện Mỹ dùng máy bay B.52 đánh vào Hà Nội. Những ký ức qua lời cô kể đã phần nào giúp các bạn trẻ hiểu thêm: để có chiến thắng, ta đánh đổi biết bao máu xương. Cô Hiệp chia sẻ: "Đau thương của ngày hôm qua không làm chúng ta nuôi mãi hận thù mà đó là nguồn động lực để các em phấn đấu trong học tập, công tác, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các em hãy luôn tự hào là người Việt Nam: Anh hùng, bất khuất và yêu hòa bình.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, anh Đào Chí Nghĩa, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Cần Thơ, cho rằng: 40 năm đã trôi qua, đất nước đang vươn mình đến một tầm cao mới, nhưng bài học từ chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" cho đến hôm nay và mãi sau này vẫn còn nguyên giá trị. Anh Nghĩa nói: "Từ sự cảm phục thế hệ cha anh ngày trước, tôi hy vọng sau buổi tọa đàm hôm nay, tuổi trẻ thành phố sẽ bổ sung cho mình vốn kiến thức hữu ích về lịch sử hào hùng của dân tộc. Để từ đó càng thêm tự hào và ra sức học tập, rèn luyện, không ngừng nâng cao nâng lực bản thân, xung kích trong các phong trào hành động vì cộng đồng, giữ bản lĩnh chính trị vững vàng, chống lại mọi âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch...".

Bài, ảnh: PHẠM TRUNG

Chia sẻ bài viết