15/10/2009 - 08:45

Thêm nhiều cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam được hưởng phúc lợi do phơi nhiễm chất độc da cam

(TTXVN)- Bộ Các vấn đề Cựu chiến binh Mỹ cho biết họ sẽ mở rộng diện được xét hưởng phúc lợi đối với những cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam.

Quyết định trên, được công bố ngày 13-10, nêu rõ những cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam và đang mắc các bệnh như bạch cầu tế bào B, Parkinson và bệnh tim đều có thể được xem xét hưởng phúc lợi của chính phủ. Với quyết định trên, tổng số loại bệnh nhân được hưởng phúc lợi do liên quan tới việc phơi nhiễm chất độc da cam tăng lên 15.

Bộ Các vấn đề Cựu chiến binh Mỹ ước tính khoảng 200.000 cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam có thể đề nghị xin hưởng phúc lợi theo chính sách mới. Theo bộ này, trong khoảng thời gian từ tháng 1/1965- 4/1970, hơn 2 triệu quân nhân Mỹ có thể bị phơi nhiễm chất độc da cam.

Các cựu binh Mỹ bị phơi nhiễm chất độc da cam đã kiện các công ty hóa chất Mỹ, kể cả công ty Dow và Monsanto là những công ty đã sản xuất và bán chất độc da cam cho chính phủ Mỹ. Vụ kiện đã được giải quyết ngoài phiên tòa với việc một số người đứng đơn kiện được trả vài nghìn USD mỗi người. Sau đó, các cựu binh Mỹ giành được thắng lợi từ cơ quan lập pháp để đền bù cho việc bị phơi nhiễm chất độc da cam và họ nhận được 1,52 tỉ USD mỗi năm dưới dạng tiền trợ cấp.

Trong khi đó, các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam vẫn chưa nhận được bất kỳ sự đền bù nào từ phía các công ty hóa chất Mỹ do Tòa án Mỹ đã bác đơn kiện của nạn nhân Việt Nam đối với các công ty trên. Theo số liệu của các nhà khoa học Mỹ, từ năm 1961 - 1971, Mỹ đã rải khoảng 80 triệu lít chất diệt cỏ, trong đó có chứa hơn 300 kg dioxin, xuống miền Nam Việt Nam. Đây là một trong những loại hóa chất độc hại nhất đối với con người và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là một chất gây ung thư (carcinogen), trong khi Học viện Y của Mỹ công nhận là chất gây dị tật bẩm sinh (teratogen). Hiện khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam và khoảng 1,4 tỉ héc-ta đất và rừng, tương đương 12% diện tích của Việt Nam, bị rải chất độc da cam, khó có thể hồi sinh.

Chia sẻ bài viết