01/08/2020 - 17:23

Thêm đòn chí tử vào tham vọng công nghệ Trung Quốc

Trả lời báo chí trên chuyên cơ Air Force One tối 31-7 (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông sẽ nhanh chóng cấm nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội TikTok của Trung Quốc hoạt động tại Mỹ. Chủ nhân Nhà Trắng cho biết ông có thể sử dụng các quyền lực kinh tế khẩn cấp hoặc một sắc lệnh hành pháp để chính thức cấm TikTok hoạt động tại Mỹ. Bên cạnh đó, ông Trump cũng tỏ rõ thái độ không ủng hộ việc cho phép một công ty Mỹ mua lại TikTok.

Trước đó, hai thượng nghị sĩ Mỹ là Richard Blumenthal của đảng Dân chủ  và Josh Hawley của đảng Cộng hòa yêu cầu Bộ Tư pháp nước này điều tra để xác định liệu quan hệ kinh doanh của Zoom và TikTok, cũng như cơ chế xử lý dữ liệu và các mối liên hệ hoạt động của hai công ty này với Trung Quốc có tạo nguy cơ đối với người dân Mỹ hay không. Hai ông bày tỏ sự đặc biệt quan ngại rằng Zoom và TikTok đã tiết lộ thông tin cá nhân của Mỹ và tham gia kiểm duyệt. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin cũng thông báo ứng dụng chia sẻ video TikTok đang nằm trong diện cần cân nhắc tới vấn đề an ninh quốc gia nước này. 

Ứng dụng TikTok hiện có khoảng 1 tỉ người dùng trên toàn thế giới. Nền tảng này đặc biệt phổ biến với người dùng điện thoại thông minh trẻ tuổi bởi nó cho phép người dùng tạo các video ngắn từ 15 giây đến 1 phút. Kể từ khi ra mắt năm 2017, ứng dụng đã được tải xuống hơn 2 tỉ lần và trở thành một trong những nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất thế giới. Tại Mỹ, TikTok đã được tải xuống hơn 165 triệu lần và mỗi tháng có 80 triệu người dùng tham gia. 

TikTok đã nhiều lần khẳng định rằng họ là công ty độc lập, nằm ngoài sự kiểm soát hay bị bắt buộc phải chia sẻ dữ liệu như công ty nội địa từ Chính phủ Trung Quốc. Vả lại, giám đốc điều hành TikTok là người Mỹ và dữ liệu người dùng được lưu trữ ở Mỹ và Singapore. TikTok cũng không được cài đặt sẵn ở Trung Quốc đại lục, nơi có ứng dụng tương tự là Douyin cũng thuộc công ty ByteDance. 

Tuy nhiên, giới chức Mỹ có lý do để tin rằng TikTok có thể chia sẻ thông tin cho công ty mẹ ByteDance hoặc các chi nhánh khác ở nhiều nơi trên thế giới. Đáng chú ý, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 29-7 cho biết Bắc Kinh đang xem xét coi TikTok là công ty nội địa của Trung Quốc. 

Có ý kiến cho rằng TikTok nên được bán cho người Mỹ, nhưng cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro đánh giá cách này không thể giải quyết được mối lo ngại an ninh quốc gia. Hãng tin Reuters cho biết trước khi Tổng thống Trump đưa ra tuyên bố hôm 31-7, Nhà Trắng, ByteDance và các nhà đầu tư tiềm năng, bao gồm tập đoàn Microsoft đã thất bại trong cuộc đàm phán xử lý nền tảng TikTok. Có đề xuất định giá TikTok khoảng 50 tỉ USD, thấp hơn kỳ vọng của ByteDance. Cuộc đàm phán được cho sẽ tiếp tục diễn ra trong vài ngày tới. 

Chưa rõ số phận của TikTok sẽ ra sao, nhưng việc chính quyền Trump quyết tâm “hạ bệ” nền tảng xã hội này được coi là một đòn chí tử mới vào tham vọng công nghệ toàn cầu của Trung Quốc. TikTok được xem là mối đe dọa cạnh tranh của các đại gia công nghệ Mỹ như Facebook và Snapchat. Nếu Mỹ cấm vận TikTok thì nhiều nước đồng minh khác có thể sẽ hành động theo, như đối với tập đoàn viễn thông Huawei và ZTE. Đầu năm nay, ByteDance được định giá là 140 tỉ USD. 

                                                                                                                                                                             ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết