23/09/2019 - 14:17

Thế khó của Úc trong quan hệ với Trung Quốc 

Trong một chương trình truyền hình trực tiếp mới đây, Gladys Liu, thành viên đảng Tự do, người trước đây có mối quan hệ với các tổ chức thân Trung Quốc, đã nhận được một câu hỏi bất ngờ: Bà có phải là phát ngôn viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc hay không? Vị nghị sĩ Úc đầu tiên sinh ra ở Trung Quốc ngay lập tức trả lời là "không".

Gladys Liu cho biết bà không nhớ các mối liên hệ trong quá khứ với các tổ chức Trung Quốc có liên quan đến nỗ lực tạo ảnh hưởng ở nước ngoài của Bắc Kinh. Câu trả lời có phần lúng túng của bà và sự la ó của khán giả sau đó làm nổi lên vấn đề của Canberra là làm sao hòa nhập cộng đồng người nhập cư đến từ Trung Quốc ngày càng gia tăng, trong bối cảnh Úc tỏ ra hoài nghi về sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc và gióng lên hồi chuông báo động về ảnh hưởng của Bắc Kinh tại các tổ chức ở xứ chuột túi. Các đối thủ chính trị của Liu yêu cầu các cơ quan tình báo xem xét kỹ bất kỳ mối quan hệ nào của bà với Chính phủ Trung Quốc, khiến Thủ tướng Úc Scott Morrison phải lên tiếng, xem đây là hành động phân biệt chủng tộc.

Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng đây là một trong những câu hỏi mà Úc từ lâu tránh trả lời trong bối cảnh "cơn khát" tài nguyên thiên nhiên và bằng cấp đại học từ Trung Quốc đã giúp nền kinh tế Úc không rơi vào tình trạng gián đoạn. "Chỉ có 2 năm gần đây, Úc mới nói về mặt trái sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong 15 năm qua, chúng tôi chỉ nói về mặt phải" - John Lee, từng là cố vấn cho cựu Ngoại trưởng Úc Julie Bishop, nói. Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Úc, chiếm gần 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, trong khi có tới 256.000 sinh viên Trung Quốc theo học tại Úc vào năm 2018.

Bà Liu phát biểu tại Quốc hội Úc. Ảnh: NYT

Hiện các quốc gia trên thế giới đang vất vả đối phó với tham vọng bành trướng của Trung Quốc nhưng Úc dường như phải đối mặt với nhiều thách thức hơn. Năm ngoái, Thượng viện Úc đã thông qua luật chống sự can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ của nước này, yêu cầu tất cả những ai vận động cho nước ngoài hay hoạt động nhân danh các chính phủ nước ngoài đều phải đăng ký với chính quyền. Chính phủ liên bang Úc cũng đã đưa ra các bước nhằm giữ khoảng cách với Bắc Kinh, chẳng hạn như từ chối tham gia  sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc, không thông qua các gói thầu của Trung Quốc nhằm xây dựng mạng lưới điện, đường ống khí đốt quốc gia cũng như cấm các "ông lớn" công nghệ Trung Quốc lắp đặt mạng không dây 5G.

Tuy nhiên, sau nhiều năm Trung Quốc tạo ảnh hưởng tại nước này, giới chức Úc dường như ít tiết lộ với công chúng về lý do vì sao họ đưa ra những biện pháp như vậy. Thay vào đó, họ chỉ có những tuyên bố mơ hồ. Đơn cử như mới đây, Reuters cho biết các cơ quan tình báo Úc kết luận rằng Trung Quốc đứng sau vụ tấn công mạng nhằm vào quốc hội nước này và 3 đảng chính trị lớn nhất trước thềm cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5 vừa qua, nhưng các quan chức Chính phủ Úc đã được yêu cầu giữ bí mật vụ việc nhằm tránh làm tổn thương quan hệ thương mại giữa hai nước.

TRÍ VĂN (Theo New York Times)

Chia sẻ bài viết