|
Hôm qua 23-6, ông Tsvangirai tuyên bố sẵn sàng thương lượng với chính phủ nếu bạo lực chống MDC chấm dứt. Ảnh: AP |
(TTXVN)- Cộng đồng quốc tế lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình hình chính trị tại Zimbabwe sau khi thủ lĩnh đảng đối lập Phong trào Vì sự thay đổi dân chủ (MDC), ông Morgan Tsvangirai, tuyên bố rút khỏi vòng hai cuộc bầu cử tổng thống nước này, dự kiến diễn ra ngày 27-6 tới, do tình hình bạo lực chống lại MDC gia tăng.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cho rằng quyết định rút lui của ông Tsvangirai là một “diễn biến gây lo ngại sâu sắc”, báo trước một tương lai đen tối ở Zimbabwe. Chính phủ Mỹ tỏ ý lo ngại rằng cuộc bầu cử vòng hai ở Zimbabwe sẽ diễn ra không công bằng, đồng thời kêu gọi Chính phủ Zimbabwe nỗ lực chấm dứt bạo lực.
Ngoại trưởng Anh David Miliband cho rằng Zimbabwe đang lâm vào một cuộc khủng hoảng cực kỳ nghiêm trọng và cáo buộc Tổng thống Robert Mugabe sử dụng vũ lực để cố giữ quyền lực. Chính phủ Pháp cũng lên án những hành động bạo lực nghiêm trọng chống lại ông Tsvangirai và cam kết sẵn sàng cùng Liên minh châu Âu (EU) thực hiện mọi biện pháp cần thiết để “xử lý những người chịu trách nhiệm về trò lừa bịp bầu cử” ở Zimbabwe.
Trong một tuyên bố chính thức, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EU Javier Solana cho rằng quyết định rút lui của ông Tsvangirai là hệ quả của chiến dịch bạo lực, phá rối và hăm dọa có hệ thống của nhà chức trách Zimbabwe.
Chính phủ Australia ngày 23-2 tuyên bố đang xem xét gia tăng các biện pháp cấm vận đối với Zimbabwe. Ngoại trưởng Australia Stephen Smith kêu gọi Cộng đồng Phát triển Nam Phi (SADC) và Liên minh châu Phi (AU) gia tăng sức ép tối đa đối với ông Mugabe.
Chủ tịch SADC, Tổng thống Zambia Levy Mwanawasa kêu gọi hoãn cuộc bầu cử tổng thống vòng hai ở Zimbabwe để ổn định tình hình, đủ điều kiện tổ chức một cuộc bầu cử tự do và công bằng, phù hợp với luật pháp Zimbabwe cũng như nguyên tắc của SADC. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thông tin Zimbabwe Sikhanysio Ndlovu khẳng định cuộc bầu cử tổng thống vòng hai vẫn sẽ được tổ chức theo kế hoạch vì việc này phù hợp với Hiến pháp Zimbabwe.
Trong khi đó, Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki, người được chỉ định là trung gian hòa giải các phe phái ở Zimbabwe, tỏ ý muốn ông Mugabe và ông Tsvangirai ngồi lại với nhau để cùng tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.