01/01/2022 - 18:18

Thế giới kỳ vọng gì ở năm mới? 

Thế giới đón mừng năm mới 2022 trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp với sự lây lan của biến thể Omicron khiến không khí có phần trầm lặng bởi các biện pháp hạn chế, giới nghiêm. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo trên thế giới lạc quan và đặt sự quyết tâm, kỳ vọng lớn vào năm mới phát triển ổn định, mạnh mẽ hơn.

Không khí đón giao thừa trầm lặng tại thủ đô Mát-xcơ-va.

Nhật đặt mục tiêu sửa đổi Hiến pháp  

Trong thông điệp đầu năm mới được đăng trên mạng xã hội, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 1-1-2022 bày tỏ hy vọng cuộc bầu cử tổng thống sắp tới sẽ mang lại hy vọng cho tương lai. Ông chủ Nhà Xanh nhấn mạnh: “Một cuộc bầu cử để chọn ra một tổng thống mới đang ở phía trước” và “mong đợi một cuộc bầu cử đảm bảo hy vọng cho tương lai cùng với mọi người”.

Bầu cử  tổng thống ở Hàn Quốc sẽ được tổ chức vào ngày 9-3 và dự kiến cuộc đua tranh sẽ rất căng thẳng giữa 2 ứng cử viên của đảng Dân chủ (DP) cầm quyền Lee Jae-myung và đảng Quyền lực nhân dân (PPP) đối lập chính Yoon Suk-yeol.  Tổng thống Moon Jae-in cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ để biến năm 2022 trở thành một năm nhảy vọt của Hàn Quốc. Tổng thống Moon Jae-in sẽ kết thúc nhiệm kỳ 5 năm vào tháng 5 tới.  

Trong thông điệp năm mới đưa ra tại phiên bế mạc hội nghị thường niên của Ðảng Lao động, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhấn mạnh phát triển kinh tế đất nước, trong đó chú trọng sản xuất nông nghiệp đảm bảo tự cung tự cấp, là trọng tâm. Ông Kim cũng đề cập đến quyết tâm tiếp tục củng cố năng lực quân sự của nước này trong bối cảnh an ninh có nhiều bất ổn trên bán đảo Triều Tiên và tình hình quốc tế. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Triều Tiên khẳng định chống COVID-19 là một trong những mục tiêu đặt ra trong năm 2022.

Tại Nhật Bản, Nhật hoàng Naruhito kêu gọi người dân “sẻ chia khó khăn và giúp đỡ lẫn nhau”. Xuất hiện trong video cùng với Hoàng hậu Masako nhân dịp năm mới 2022, Nhật hoàng Naruhito nói: “Từ đáy lòng mình, tôi cầu chúc chúng ta vượt qua những thời điểm khó khăn này”.   Nhật hoàng Naruhito cũng gửi lời chia buồn tới những người đã mất vì đại dịch COVID-19, đồng thời cám ơn đội ngũ nhân viên y tế tham gia vào cuộc chiến chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Cũng trong bài phát biểu nhân dịp năm mới, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio khẳng định cải cách hiến pháp sẽ là “chủ đề quan trọng” trong năm 2022. Ông Kishida cam kết đẩy nhanh các cuộc thảo luận nhằm đạt được mục tiêu của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền là sửa đổi Hiến pháp.  Thủ tướng Kishida tuyên bố mặc dù việc ứng phó với dịch COVID-19 vẫn là một ưu tiên nhưng một khi Nhật Bản giành chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, Chính phủ sẽ tập trung vào các chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tái phân phối của cải hướng tới xây dựng “chủ nghĩa tư bản mới”.

Pháp hướng tới bầu cử tổng thống

Trong bài phát biểu mừng năm mới, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố những tuần sắp tới sẽ vô cùng khó khăn đối với nước Pháp do sự gia tăng số ca mắc COVID-19, song nước này có thể vượt qua khó khăn nếu người dân hành xử có trách nhiệm. Tổng thống Macron cho biết Pháp đang có điều kiện thuận lợi hơn để đối mặt với đại dịch COVID-19 so với một năm trước vì số lượng người đã được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đồng thời ông kêu gọi bất kỳ người nào chưa được chủng ngừa hãy tiêm phòng vaccine. Ông khẳng định đất nước cần nỗ lực hết mình để tránh phải áp đặt các biện pháp hạn chế mới, có thể làm hạn chế quyền tự do của người dân. Tổng thống cũng nhấn mạnh những sự kiện quan trọng của nước Pháp trong nửa đầu năm 2022, đó là đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu, cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 4 tới và bầu cử hội đồng nhân dân các cấp vào cuối năm.

Trong bài phát biểu chào mừng năm mới 2022 vào đúng thời điểm nước Ðức bắt đầu nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7),  tân Thủ tướng Olaf Scholz khẳng định sẽ phát huy vai trò chủ tịch để đưa nhóm G7 trở thành những “nước tiên phong” trong các mô hình kinh tế thân thiện với môi trường và cho một thế giới công bằng. Mục tiêu của “câu lạc bộ” như vậy sẽ không chỉ thúc đẩy sự chuyển dịch toàn cầu hướng tới một nền kinh tế thân thiện với môi trường, mà còn để tránh xung đột thương mại liên quan đến các chính sách thuế quan xanh khác nhau, như thuế biên giới carbon
của EU.

Ông Scholz nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hợp tác quốc tế khi cho rằng: “Trong một thế giới sắp là nơi sinh sống của 10 tỉ người, tiếng nói của chúng ta sẽ chỉ được lắng nghe nếu chúng ta tạo ra sự hài hòa với những quốc gia khác”. Theo ông Scholz, đây cũng chính là lý do tại sao chính phủ mới của Ðức đang rất quyết tâm củng cố sự gắn kết hơn nữa giữa các quốc gia trong Liên minh châu Âu. Ông nhấn mạnh: “Mục tiêu của chúng ta là một châu Âu có chủ quyền, mạnh mẽ. Một châu Âu sống theo các giá trị chung của hòa bình, pháp quyền và dân chủ”. Vai trò dẫn dắt và tầm ảnh hưởng của Berlin ở thời điểm hiện tại được xem là đặc biệt quan trọng, không chỉ bởi thế giới đang vật lộn với đại dịch COVID-19 cùng hàng loạt vấn đề cấp bách, mà còn bởi Ðức vừa trải qua một giai đoạn chuyển giao quyền lực, với một liên minh cầm quyền ba bên chưa từng có ở cấp độ liên bang do Thủ tướng Scholz thuộc đảng Dân chủ Xã hội (SPD) dẫn đầu. Ðây cũng là phép thử đối ngoại của đầu tiên của chính quyền mới tại Ðức trong giai đoạn hậu nhà lãnh đạo Angela Merkel. L

P.V (TTXVN)

Chia sẻ bài viết