28/04/2020 - 09:36

Thế giới gian nan trước “dịch truyền nhiễm” thông tin 

Thông tin sai lệch đang khiến cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 trên toàn cầu trở nên khó khăn hơn, đặc biệt khi các thuyết âm mưu bị phóng đại dưới ảnh hưởng của người nổi tiếng và giới chính trị gia.

Cùng với sự xuất hiện của đại dịch, hệ thống y tế, nền tảng mạng xã hội, giới truyền thông, các tổ chức xác minh dữ kiện và người dân thế giới cũng đang đối phó thách thức từ “bệnh truyền nhiễm thông tin”. Lấy ví dụ thời điểm COVID-19 bùng phát, trên các mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter bắt đầu xuất hiện thuyết âm mưu về nguồn gốc SARS-CoV-2 gây dịch bệnh. Một trong những giả thuyết được tin nhất hiện nay là virus do phòng thí nghiệm ở Vũ Hán (Trung Quốc) chế tạo. Liên tiếp sau đó là những diễn giải khiến nhiều người hoang mang, rằng đại dịch là sự che đậy để phát triển mạng 5G hay các cáo buộc hạ tầng 5G khiến virus lây lan. Tin giả về các loại thuốc tiêu diệt SARS-CoV-2 đồng thời xuất hiện tràn lan trên Internet.

Trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các nhà phân tích cảnh báo tình hình sẽ tồi tệ hơn khi các thuyết âm mưu được phóng đại với sự tham gia của người nổi tiếng và giới chính trị gia, Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters và Viện giáo dục Internet Oxford, thông tin sai lệch lan truyền từ nhóm đối tượng này chiếm tới 69% tổng số lượt thích, chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội.

Để hình dung về tác động của nó, có thể điểm qua số liệu các ca ngộ độc do uống chất tẩy rửa gia tăng tại thành phố New York sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh) khiến giới chuyên gia “choáng váng” bằng loạt gợi ý về cách tiêu diệt SARS-CoV-2, bao gồm “tiêm chất khử trùng vào cơ thể”. Đây không phải lần đầu tiên ông Trump nêu ra phương pháp điều trị COVID-19 dù chưa được chứng minh. Tháng rồi, một người đàn ông ở bang Arizona đã tử vong còn vợ anh ta trong trạng thái nguy kịch sau khi nuốt chất phụ gia làm sạch bể cá chloroquine phosphate. Người vợ trong cuộc phỏng vấn sau đó cho biết họ đã tự ý uống sau khi nghe tổng thống nhắc trên truyền hình về tính khả thi của thành phần chloroquine để điều trị COVID-19.

So với thái độ do dự chống nạn tin giả trước đây, giới quan sát cho biết các ông lớn như Facebook, Twitter đã sốt sắng hơn trong việc nâng chất lượng nội dung, kiểm soát thông tin sai lệch về dịch COVID-19. Điển hình như việc Google, Facebook, Twitter đã “thẳng tay” xóa bài đăng từ tài khoản của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro trên nền tảng của họ do chứa thông tin sai về dịch bệnh. Google còn tuyên bố lập nhóm phản ứng sự cố 24 giờ để loại bỏ nội dung nguy hại khỏi kết quả tìm kiếm và trên kênh YouTube.

Trong nỗ lực khác bảo vệ người dùng trực tuyến, các tổ chức xác minh dữ kiện phối hợp mạng lưới truyền thông không ngừng cập nhật đến công chúng thông tin xác thực từ các bác sĩ, giới khoa học và những cơ quan được quốc tế công nhận như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Một trong những tổ chức đi đầu là Mạng lưới kiểm chứng thông tin quốc tế (IFCN), không chỉ tăng cường gỡ rối mà còn cung cấp nhiều chương trình giáo dục về kiến ​​thức. Bên cạnh đó, các dự án của First Draft News hay Vishvas News còn chủ động mở công cụ xác minh hình ảnh, video giúp cư dân mạng loại bỏ tin giả.

MAI QUYÊN (Theo France 24)

Chia sẻ bài viết