20/11/2012 - 09:14

Thầy thạch khên- nhà giáo ưu tú mẫu mực

Không chỉ với người dân Ô Môn mà trong ngành giáo dục, nhiều người biết đến thầy Thạch Khên, bởi thầy đã gắn bó với nghề, với Trường THPT Lưu Hữu Phước đã gần 1/4 thế kỷ. Vì vậy, khi hay tin thầy được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, nhiều người cho rằng, thầy Khên xứng đáng nhận danh hiệu này từ lâu lắm rồi...

Thầy Thạch Khên, Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hữu Phước luôn là tấm gương sáng cho học trò noi theo. 

Nhận được tin Nhà nước vừa phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú (NGƯT), thầy Thạch Khên chia sẻ: "Với một nhà giáo, đây là danh hiệu cao quí, là thành quả của một đời làm thầy. Với riêng tôi, đây là danh hiệu để đền đáp cho rất nhiều người đã giúp đỡ tôi". NGƯT Thạch Khên có một tuổi thơ nhọc nhằn, vất vả. Quê thầy ở xã Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Gia đình nghèo, đến 8 tuổi thầy mới được vào học lớp 5 (lớp 1 bây giờ). Thầy Khên, nói: "Tôi rất ham học, được đi học với tôi là một cơ hội, một niềm đam mê nên tôi học rất chăm và giỏi. Thấy tôi quá nghèo mà siêng năng, thầy cô thương lắm". Hoàn cảnh gia đình thầy Khên lúc ấy quá khó khăn, lo cái ăn từng bữa đã khó, huống chi là cái chữ. Từ nhà thầy Khên đến trường làng khá xa, đường đi học lầy lội, đất sét gây trơn trợt vào mùa mưa. Vì vậy, trong sóc, nhiều nhà cho con nghỉ học, lo chạy giặc. Gia đình cũng muốn cho thầy Khên nghỉ học, nhưng thấy thầy Khên ham học quá nên đành xin Hòa thượng, trụ trì chùa gần trường cho thầy vào tu và ở hẳn trong chùa.

Tuy nghèo nhưng rất chăm học và học giỏi nên thầy Khên luôn được các Achar, Đại đức, Hòa thượng thương. Ngoài giờ học, thầy Khên có nhiệm vụ phục vụ cho các Hòa thượng, Đại đức. Thầy Khên kể: "Thời gian được gần gũi các vị tăng, sư, tôi được dạy rất nhiều kiến thức từ lễ nghĩa ở đời đến cách đối nhân xử thế và cả chữ viết...". Ở trong chùa tại Long Phú đến hết lớp 9 thì thầy được giới thiệu lên chùa tại TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng ở khi thi đậu vào Trường công lập Hoàng Diệu, tỉnh Sóc Trăng.

- Thầy nghĩ gì khi chọn nghề giáo?- Chúng tôi hỏi.

- Tôi đã mơ ước được làm giáo viên từ nhỏ nên trở thành nhà giáo và theo đuổi được nghề đến thời điểm này là một niềm hạnh phúc lớn lao của đời tôi- Thầy cười đáp.

Hoài bão trở thành nhà giáo có sẵn trong tim thầy Khên và nó càng được thắp lên bởi những người thầy, người cô của thầy lúc bấy giờ. Thầy Khên vẫn nhớ rất rõ những gì mà thầy giáo lớp 1 của mình đã dạy. Ðó là phải biết cư xử hòa nhã với bạn bè, lễ phép, kính trọng người lớn tuổi, có hiếu với cha mẹ, ông bà... Thầy giáo lớp 1 của thầy còn đến tận nhà hàng xóm của các trò để thăm hỏi xung quanh, xem các trò của mình có ngoan không, hoàn cảnh gia đình như thế nào để uốn nắn, kịp thời giúp đỡ. Thầy Khên nói: "Tôi may mắn được nhiều thầy cô thương và giúp đỡ...". Ngoài thầy giáo lớp 1, cô giáo chủ nhiệm suốt 3 năm THPT là người mà thầy không thể nào quên. Cô tên Trần Thị Ánh Mai- xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm nghề dạy học nên từ cách cư xử, hành động của cô đều thể hiện cốt cách của một nhà giáo. Lúc ấy, thấy học trò mình thiếu thốn là cô giúp ngay. Biết thầy Khên không có tiền mua dầu lửa để đốt đèn dầu học bài vào ban đêm, cô mua dầu lửa cho; qua bạn bè, cô biết thầy chỉ có một bộ đồ đi học nhưng đã quá cũ, cô lại mua quần áo cho thầy; thầy không có tập, viết cô lại mua tập, viết... Cô còn đến tận chùa tìm hiểu hoàn cảnh sống của học trò mình. Hồi ấy là giai đoạn bao cấp khó khăn nhưng cô vẫn hết lòng quan tâm giúp đỡ học sinh. Với nhiều người, đây là những vật dụng nhỏ nhưng với riêng thầy, nó lớn lao vô cùng.

Mỗi khi có dịp về Sóc Trăng, thầy Khên vẫn hay ghé thăm cô giáo cũ với tấm lòng tri ân sâu sắc. Lòng biết ơn ấy thầy không nói ra và chắc rằng cô cũng không nhớ mình đã giúp những gì cho cậu học trò nghèo ngày ấy. Nhưng cô Mai vẫn hay hãnh diện mà nhắc rằng, học trò Thạch Khên của cô thi đậu thẳng vào Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ. Cô cũng nhớ cậu học trò của cô là một trong những học sinh hiếm hoi của huyện Long Phú thi đậu đại học lúc bấy giờ. Và còn rất nhiều chuyện cô không nhớ khi giúp học sinh mình, nhưng với những học trò nghèo như thầy Khên, việc hỗ trợ kịp thời ấy lại chính là động lực để thầy quyết tâm theo nghề giáo. Với thầy Khên- thầy cô của mình chính là những "thần tượng". Thầy kể: "Trong chùa, tôi thường làm gia sư cho các em nhỏ hơn. Vì vậy, "máu làm thầy" cứ cuộn chảy trong tôi". Trong suốt buổi tiếp chuyện với chúng tôi, thầy không nói về bản thân mà nhắc nhiều đến thầy cô cũ với niềm xúc động chân thành. Niềm xúc động ấy, len sang chúng tôi lúc nào không hay. Nhất là khi thầy kể, thầy giáo lớp 1 của thầy tìm đến thăm thầy khi có dịp đến Ô Môn. Thầy Khên bộc bạch: "Tôi chưa kịp về thăm thì thầy đã thăm mình. Vừa thấy vui, thấy hạnh phúc và cả cảm giác có lỗi".

Không thể kể hết thành tích của thầy Thạch Khên, sau gần 30 năm theo nghề, thầy được nhận nhiều danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Bằng khen của UBND tỉnh, thành phố... Nhưng với thầy Khên, bằng khen mà thầy trân trọng nhất đó chính là tình cảm của đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh dành cho mình. Chú Nguyễn Văn Chắc, nhà ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, chia sẻ: "Tôi có 7 đứa con học thầy Khên nên tôi biết thầy từ lâu lắm rồi. Tôi nghĩ thầy là một nhà giáo đáng kính, đáng quí bởi thầy có cái tâm của một người thầy rất lớn". Và hầu hết nhận xét, ý kiến của đồng nghiệp dành cho thầy Khên đều tỏ rõ sự trân trọng, quí mến, xem thầy là một tấm gương sáng để những nhà giáo trẻ noi theo. Trong suốt buổi trò chuyện, không ít lần thầy Khên bày tỏ sự trăn trở trước thực trạng hình ảnh người thầy đang mất dần vị thế "thần tượng" trong lòng học sinh. Thầy Khên cho rằng, đó không chỉ là trách nhiệm của xã hội mà bản thân mỗi thầy, cô giáo đều phải tự vấn mình: Vì sao hình ảnh trong sáng, thuần khiết của người thầy mai một như thế?

Chia tay thầy Khên, tôi biết rằng dẫu cuộc sống còn nhiều lo toan, xã hội còn nhiều điều xấu xen lẫn cái tốt nhưng mãi mãi tinh thần tôn sư trọng đạo vẫn là truyền thống cao đẹp của dân tộc Việt Nam và lòng tri ân dành cho những nhà giáo tâm huyết, đáng kính như thầy Khên vẫn tồn tại trong lòng mỗi phụ huynh, học sinh. Đó là phần thưởng cao quí dành cho ngành giáo dục, dành cho những nhà giáo hết lòng vì sự nghiệp chăm bồi cho thế hệ tương lai.

Bài, ảnh: Thiên Thanh

Chia sẻ bài viết