11/05/2020 - 06:16

Thay đổi tư duy làm nông nghiệp 

Cách đây 5 năm, ông Tống Văn Phong (hiện là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông sản sạch Vĩnh Thới, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp), không dám mơ sẽ có ngày được làm ăn với Tập đoàn Vingroup, nhưng nay là nhà cung cấp trái cây chuyên nghiệp vào chuỗi siêu thị Vinmart. Hiện tại, trung bình mỗi năm HTX của ông Phong cung cấp khoảng từ 800-900 tấn trái cây các loại cho hệ thống siêu thị Vinmart.

Nông dân làm ăn với các “ông lớn”

Phân loại ổi tại Tổ hợp tác ổi Minh Thọ, huyện Cao Lãnh trước khi cung cấp cho các “ông lớn” bán lẻ.

Ông Phong nhớ lại: “Sau chuyến đi học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp ở Thái Lan, ông Phong rủ những anh em trồng quýt đường ở địa phương để liên kết lại sản xuất theo chuẩn Global GAP. Năm 2013, tổ hợp tác (THT) quýt đường xã Vĩnh Thới (tiền thân của HTX Nông sản sạch Vĩnh Thới) chính thức được cấp chứng nhận đạt chuẩn. Tuy nhiên, sau đó quýt đường Global GAP của THT hầu như chỉ bán đồng giá với quýt thường, THT không ngừng tìm đối tác nhưng rất khó khăn. Nhờ bền chí tin vào mô hình sản xuất nông sản sạch sẽ trở thành xu hướng tiêu dùng tương lai, đến năm 2016, sản phẩm quýt đường của chúng tôi mới được bày bán ở siêu thị Vinmart. Ngoài mặt hàng quýt đường và cam xoàn, hiện tại HTX Nông sản sạch Vĩnh Thới còn cung cấp nhiều mặt hàng trái cây thế mạnh và chủ lực của huyện Lai Vung: quýt đường, cam xoàn, mận, vú sữa…

Khoảng năm 2014, anh Nguyễn Hữu Minh, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, lên liếp trồng hơn 6ha ổi lê. Ổi lê nhanh chóng bén rễ phát triển tại vùng đất của Cao Lãnh, sau gần 2 năm anh Minh bắt đầu thu hoạch những vụ ổi đầu tiên. Ban đầu ổi vẫn có giá khá tốt song chưa đầy 2 năm sau ổi lên bắt đầu rớt giá thảm, do khủng hoảng thừa. Ổi liên tục rớt giá có những thời điềm ổi chỉ còn 800 đồng/kg nhưng không thể bán được. Quyết chí không bỏ cây ổi giữa năm 2016 anh Minh cùng một số nông dân trồng ổi chung chí hướng ở xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh rủ nhau thành lập THT ổi Minh Thọ với mong muốn xây dựng vùng nguyên liệu lớn để liên kết với doanh nghiệp.

Anh Minh nói: “Thời điểm đó giá ổi ngoài thị trường chỉ có vài ngàn đồng/kg, trong khi đó vào siêu thị tôi thấy ổi được bán tới 10.000 đồng/kg. Nhận thấy đây là kênh phân phối tiềm năng, tôi và một số nhà vườn trồng ổi khác rủ nhau thành lập THT ổi Minh Thọ, quyết tâm chinh phục thị trường mới mẻ này. Khoảng năm 2016 khi Công ty VinEco (là công ty con thuộc Tập đoàn Vingroup thời điểm đó) về huyện Cao Lãnh tìm kiếm nguồn nông sản sạch để cung cấp cho hệ thống siêu thị Vinmart, THT ổi Minh Thọ đã liên lạc với doanh nghiệp bày tỏ mong muốn được liên kết với công ty và may mắn đã mỉm cười với chúng tôi khi Công ty VinEco chính thức đồng ý hợp tác.

Sau khi hợp tác thành công với Công ty VinEco, THT ổi Minh Thọ bắt đầu mở rộng diện tích sản xuất ổi theo quy trình an toàn để cung cấp cho doanh nghiệp (DN). Hiện tại THT ổi Minh Thọ đã có 20ha ổi được chứng nhận VietGAP, bên cạnh là nhà cung cấp sản phẩm ổi lê cho siêu thị Vinmart, ổi lê của THT ổi Minh Thọ còn được tiêu thụ tại siêu thị Big C, Co.opmart và chuỗi cửa hàng tiện lợi Bách hóa Xanh, Vinmart+. Trung bình mỗi tháng THT ổi Minh Thọ cung cấp khoảng trên 30 tấn ổi các loại cho các siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện lợi.

Cuối năm 2016, anh Nguyễn Hữu Minh cùng một số nông dân trồng xoài ở xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh tiếp tục thành lập THT xoài Thiên Phú để đưa sản phẩm xoài và một số nông sản khác của địa phương vào tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị.

Giải pháp dài hơi

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng: “Hiện nay có một thực trạng ở nông thôn là những người tham gia vào sản xuất nông nghiệp phần nhiều không được đào tạo và trang bị nhiều kiến thức. Vì vậy, Nhà nước phải có trách nhiệm đào tạo tri thức cho người nông dân, cung cấp đầy đủ các kiến thức cần thiết cho người nông dân. Cần có một cuộc cách mạng tri thức cho người nông dân về phát triển nông nghiệp bền vững”.

Để làm được điều đó cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành cần có các chương trình hành động thiết thực bám sát tình hình thực tế địa phương. Nhà nước phải thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin kiến thức cho người nông dân về: thị trường, vùng nguyên liệu sạch, vấn đề kinh tế hợp tác... để người dân có thể chủ động hơn trong việc sản xuất.

Chia sẻ góc nhìn về vấn đề này, Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, bày tỏ: “Giải cứu nông sản” không phải là giải pháp lâu dài, mà phải tổ chức lại sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ và phát triển chế biến. Những năm qua, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau củ quả của Việt Nam tăng trưởng vượt bậc song nhìn lại cơ cấu thị trường thì có đến 70-90% tổng kim ngạch xuất khẩu là ở thị trường Trung Quốc. Việc “bỏ trứng vào một giỏ” đã mang lại nhiều hệ lụy khi dịch COVID-19 diễn ra tại Trung Quốc là một bài học. Việt Nam có nhiều mặt hàng nông sản ngon và có tiềm năng xuất khẩu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Những năm qua Chính phủ Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các thị trường lớn: Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc… đã mở ra nhiều hy vọng mới cho nông sản Việt Nam. Tuy nhiên để vào được các thị trường này đòi hỏi nông sản Việt Nam phải đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Để có được quy trình sản xuất bài bản nông dân phải tham gia vào tổ chức HTX. Vì chỉ khi tham gia vào HTX thì nông dân mới có điều kiện để học tập và được tham dự các lớp tập huấn về sản xuất nông nghiệp miễn phí”.

Bài, ảnh: VÂN KHÁNH

Chia sẻ bài viết