06/12/2021 - 09:00

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Tháo gỡ điểm nghẽn sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu cuối năm 

Trước tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp (DN) ở ÐBSCL tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, tăng cường kiểm soát dịch đồng thời giữ nhịp sản xuất hàng nông - thủy sản.

Công ty Ngọc Quang Phát tăng nhịp độ sản xuất, chế biến xuất khẩu gạo cuối năm. Ảnh: CTV

Vẫn còn khó khăn

Từ giữa tháng 11-2021 đến nay tình hình dịch COVID-19 ở một số tỉnh, thành phố trong vùng ÐBSCL diễn biến phức tạp. Ðáng ngại hơn là một vài ổ dịch bộc phát tại một số nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu khiến chủ DN thêm lo âu cho việc duy trì sản xuất, chạy hàng mùa cao điểm cuối năm.

Trong hơn 4 tháng qua, ảnh hưởng dịch COVID-19 đã để lại nhiều hệ lụy. Tác động lớn nhất là chi phí logistics, vận chuyển hàng hóa tăng cao. Trong khi các DN càng gặp khó khăn khi vận chuyển nguyên vật liệu, sản phẩm vận chuyển ra vào khu vực sản xuất của các nhà máy tại các địa phương đang thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch.

Gánh nặng chi phí vận chuyển hàng hóa nội địa và vận tải biển tăng cao chẳng những đã “ăn hết” phần lãi của các DN mà tình hình hoàn toàn thụ động, phục thuộc vào các hãng tàu biển.

TP Cần Thơ có 44 DN chế biến, kinh doanh xuất khẩu gạo và tập trung nhiều nhất tại cụm công nghiệp thuộc địa bàn quận Thốt Nốt. Bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát - chuyên doanh xuất khẩu lúa gạo, cho rằng: Hiện nay cơ hội xuất khẩu gạo và thị trường đang tốt. Khách hàng nước ngoài đến khen gạo Việt Nam chất lượng và số lượng đủ khả năng đáp ứng theo yêu cầu đơn hàng. Ðó là lợi thế lớn. Vừa qua, sau khi cán bộ, nhân viên tại nhà máy xay xát lúa gạo của công ty được tiêm ngừa vaccine phòng COVID-19 các hoạt động của DN bắt nhịp sản xuất trở lại và tuân thủ các biện pháp phòng dịch, nên giảm bớt nỗi lo. Tuy nhiên, còn nỗi lo lớn hơn nhiều là cần các cấp các ngành vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho DN, để DN không phải bị “chết yểu”.

Theo bà Huyền, căng thẳng nhất hiện thời là giá cước vận tải tàu biển tăng quá cao, từ 70-80 USD/tấn nay tăng lên 150 USD/tấn. Hơn nữa, tình trạng thiếu hoặc không có container, container hư, bị thủng không đảm bảo giữ hàng hóa không bị hư hỏng. Dù đăng ký đặt lịch xuất hàng với hãng tàu trước nhưng đến ngày đi hàng vẫn có thể bị hủy bất cứ lúc nào khiến DN chới với vì trễ hạn giao hàng (sẽ bị phạt theo hợp đồng). Trong khi chủ hãng tàu thì vô hại. Mặt khác, hiện có tình trạng một vài công ty tham gia xuất khẩu gạo cạnh tranh phá giá từ trong nước khiến giá gạo xuất khẩu khó tăng thêm. Nếu tình hình này kéo dài sẽ tác động rất lớn đến gạo xuất khẩu và nông dân là người chịu thiệt thòi nhất, vì giá lúa sẽ sụt giảm.  

Nỗi lo vẫn còn đó. Ông Võ Văn Phục, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Sạch Việt Nam (Vina Cleanfood), cho rằng: Chi phí vận chuyển trong nước thì tăng ít. Nhưng chi phí vận chuyển tàu biển tăng từ 5 đến 10 lần so với trước khi bùng phát dịch COVID-19 cho các tuyến đi châu Âu và Bắc Mỹ. Bình quân mỗi container 40 feet chúng tôi bị mất hơn 200 triệu đồng, chưa kể chậm trễ và các chi phí phát sinh khác. Hiện nay chúng tôi vô cùng khó khăn về lao động do dịch bùng phát khắp nơi. Hầu hết các nhà máy đều có F0, vì có quá nhiều F0 trong cộng đồng chúng tôi không thể quản công nhân khi họ về nhà. Chi phí phòng chống dịch tăng lên khủng khiếp và lượng công nhân ngày càng giảm. Tôi nghĩ thật lo. Vì có thể một ngày không xa tất cả các nhà máy chế biến tôm nếu không kiểm tra phòng dịch thật nghiêm thì đều có thể lây nhiễm nhiều F0. Chúng tôi thật sự lo lắng vì đến giờ này tỷ lệ vaccine tiêm mũi 2 còn quá thấp.

Mặt khác, khi đồng đô-la Mỹ (USD) liên tục mất giá cũng gây bất lợi lớn cho xuất khẩu. Ðó là chưa kể vật tư đầu vào tăng rất mạnh so với trước dịch COVID-19, những mặt hàng tăng trên 30%. Và dù đồng USD mất giá có lợi cho nhập khẩu nhưng vật tư đầu vào vẫn cứ liên tục tăng. Kinh tế thế giới vẫn đang trong tình trạng vô cùng bất thường. Bây giờ DN chỉ mong có đủ vaccine và thuốc điều trị sớm.

Tháo gỡ điểm nghẽn

Nhận định tình hình phục hồi sản xuất, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HÐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Fimex-VN), nói: Chi phí sản xuất hiện vẫn tăng. Mọi chi phí đều tăng, toàn cầu đang lạm phát do hậu quả đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và hiện thời đã cuối mùa tôm… Trong tình hình dịch COVID-19 còn tái phát, khó khăn nhất là rủi ro lây lan dịch bệnh vì mầm bệnh từ lao động hồi hương đầu tháng 10 quá đông, không kiểm soát hết. Do vậy, các DN phải nâng cao tầm soát, tuy tăng chi phí nhưng chấp nhận được. Dù vậy, nỗi lo khi có ổ dịch xuất hiện ở địa phương nào đó, DN sẽ thiếu hụt số lao động đó, vì lao động không thể đi lại hoặc phải cách ly. Từ đó dẫn đến lực lượng lao động trong các DN giảm dần.

Theo ông Lực, DN muốn duy trì hoạt động sản xuất tại các nhà máy phải thực hiện đảm bảo an toàn để sản xuất. Vì đó là yếu tố “sống còn” của DN để duy trì, phục hồi sản xuất cho giai đoạn cuối năm. Về tình hình thị trường, giá tôm nguyên liệu đang tốt, các DN ngành thủy sản vừa có cuộc họp và khuyến cáo người nuôi tôm an tâm thả tôm giống nuôi tạo nguồn nguyên liệu bắt nhịp sang năm mới, cung ứng về nhà máy chế biến.

Bà Võ Thị Thu Hương, Phó Giám đốc VCCI - Chi nhánh Cần Thơ, nhận định: Các vấn đề liên quan chi phí logistics một phần ảnh hưởng bởi khả năng cung ứng dịch vụ logistics của nhà cung cấp dịch vụ quốc tế, không chỉ xuất phát từ hạn chế hạ tầng hay vấn đề cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam. Hiện tại chính quyền địa phương cũng như bộ, ngành cũng đã có hành động tích cực tái khôi phục kinh tế sau làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19. Các ảnh hưởng liên quan hạn chế di chuyển đã được gỡ bỏ, tạo điều kiện tốt hơn để DN khôi phục hoạt động.

Vấn đề tháo gỡ điểm nghẽn trong sản xuất và xuất khẩu cần sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo địa phương trong vùng nắm tình hình DN trở lại hoạt động qua sự tham mưu của các sở, ngành liên quan. Ngoài ra, vai trò của những DN đầu ngành trong vùng, DN mang tính dẫn dắt của cộng đồng DN địa phương, vai trò của Hiệp hội DN chuyên ngành rất quan trọng trong việc mạnh dạn lên tiếng phản ảnh các gút mắc cụ thể trong chuỗi giá trị ngành hàng. Bởi vì, DN phụ thuộc nguồn nguyên liệu, nhân lực không chỉ trong một địa phương mà liên quan đến các tỉnh, thành, vùng kinh tế khác.

HỮU ÐỨC

Chia sẻ bài viết