23/05/2016 - 21:01

THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

THÁNG 5 DẬY SÓNG !

"Sell in May and go away" - "Bán tháng 5 và đi chơi" là câu nói phổ biến dành cho giới đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trên thế giới và trong nhiều năm gần đây câu nói này cũng có xác suất đúng lên đến khoảng 70% với Thị trường Chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Tuy nhiên, năm nay TTCK lại dậy sóng trong tháng 5 mà nguyên nhân chính theo nhiều nhà đầu tư đánh giá đó là nhờ chúng ta vừa có một "Chính phủ hành động" đã kích thích tinh thần lạc quan, tâm lý tự tin của nhà đầu tư cũng như giới doanh nghiệp, doanh nhân.

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, chỉ số chính của TTCK Việt Nam, VN-Index đã đóng cửa ở mức 615 điểm, tăng 17 điểm so với cuối tháng 4-2016, mặc dù 3 phiên cuối tuần chỉ số này đã giảm nhẹ do bị tác động từ thông tin FED sẽ nâng tiếp lãi suất vào tháng 6 tới. Mặc dù tháng 5 mới đi qua được 3 tuần nhưng đây là tháng 5 tăng ấn tượng nhất của TTCK Việt Nam trong vòng nhiều năm qua. Ngay từ phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5-2016, Chỉ số VN-Index phá vỡ ngưỡng kháng cự rất mạnh 600 điểm mà nó đã bị hụt hơi cách đây gần một năm. Kế tiếp là mốc kháng cự 620 điểm của chỉ số này cũng bị phá vỡ vào ngày 17-5-2016. Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 22-4-2016 chỉ số VN-Index cũng đã tăng đến 17 điểm, một mức tăng kỷ lục trong một phiên trong vòng từ 2 năm trở lại đây và tiếp đó ngày 17-5-2016 chỉ sổ này cũng tăng đến 9 điểm để nhẹ nhàng vượt qua mốc kháng cự kỹ thuật 620 điểm.

Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ đối thoại với doanh nghiệp ngày 29-4-2016. Ảnh: VGP

Thông thường, vào tháng 5 hằng năm là lúc bước vào giai đoạn chuẩn bị kết thúc mùa đại hội cổ đông, mọi tin tức tốt lành về doanh nghiệp niêm yết như chia cổ tức, kế hoạch kinh doanh, lợi nhuận đạt được của quý 1 và quý 2 đã dần lộ diện hết, nhà đầu tư không còn kỳ vọng gì trong lúc này nên tạm bán cổ phiếu để nghỉ ngơi chờ mùa tin tức cuối năm. Chính vì thế mà hằng năm vào khoảng tháng 5 là thị trường chứng khoán bước vào giai đoạn giao dịch trầm lắng, ít sôi động, chỉ số chứng khoán thường đi ngang hoặc giảm điểm. Thanh khoản của thị trường cũng sụt giảm. Tuy nhiên, năm nay thì ngược lại hoàn toàn. Mùa đại hội cổ đông năm 2016 cũng cơ bản kết thúc nhưng thị trường không có dấu hiệu giảm nhiệt mà còn tăng khá mạnh cả về chỉ số lẫn thanh khoản. Từ đầu tháng 5 đến nay thanh khoản trên 2 sàn cũng luôn đạt con số trên 3.000 tỉ đồng một phiên. Đặc biệt, năm nay do Chính phủ có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp mới IPO niêm yết trên sàn chứng khoán Upcom nên sàn này cũng có thanh khoản tăng đột biến. Với con số thanh khoản từ 50 đến 100 tỉ đồng mỗi phiên, cá biệt có những phiên đạt 200-300 tỉ đồng là con số kỷ lục mà sàn Upcom này đã thiết lập được kể từ khi có TTCK cho đến nay. Dự kiến, cuối tháng 6 tới đây, Sàn giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ đưa một nhóm có khoảng từ 60 đến 100 cổ phiếu gọi chung là nhóm cổ phiếu "Upcom Premium" vào giao dịch ký quỹ (margin) sẽ giúp sàn này giao dịch sôi động hơn nữa, tăng thanh khoản đáng kể.

Tăng giá mạnh nhất từ sau Tết Nguyên đán đến nay là nhóm cổ phiếu ngành dầu khí. Trong đó đứng đầu là cổ phiếu GAS đã tăng giá từ mức đáy 29.000đồng 1 cổ phiếu lên 59.000 đồng/1 cổ phiếu vào ngày 17-5 vừa qua. Kế đó là cổ phiếu PVD cũng tăng giá từ mức 19.000đồng 1 cổ phiếu lên 30.000đồng 1 cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu này đang dần hồi phục theo đà hồi phục của giá dầu thế giới. Giá dầu đã tăng gần gấp đôi kể từ lúc thiết lập mức giá đáy 26,5USD/thùng vào tháng 1-2016, đạt mức 49USD/thùng vào ngày 18-5-2016 vừa qua. Kế đến là nhóm cổ phiếu của ngành ngân hàng mà điển hình các cổ phiếu của các ngân hàng lớn như VCB, CTG, BID, STB, MBB cũng tăng khá mạnh trong thời gian gần đây. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu blue-chips như VNM, VIC, BMP, CTD, BVH, HSG, FPT, DRC... có kết quả kinh doanh quý 1 khá tốt nên giá các cổ phiếu này đã tăng khá mạnh, dẫn dắt cả thị trường có khí thế theo. Dự kiến, các doanh nghiệp blue-chips này cũng sẽ có kết quả kinh doanh quý 2 rất khả quan và sẽ là nhân tố tiếp tục dẫn dắt chỉ số VN-Index duy trì mức tăng trưởng tốt trong thời gian sắp tới.

Sở dĩ TTCK Việt Nam hưng phấn trong tháng 5 này trong khi chứng khoán thế giới đang đi ngang hoặc giảm nhẹ theo quy luật chung hằng năm, theo nhiều nhà đầu tư là sự hành động rất quyết liệt của Chính phủ mới. Tuyên thệ nhậm chức vào ngày 7-4-2016 thì tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bắt tay ngay vào công việc một cách quyết tâm và ngày 29-4-2016 Chính phủ đã tổ chức một cuộc gặp gỡ giới doanh nghiệp, doanh nhân tại Dinh Thống Nhất, thành phố Hồ Chi Minh với chủ đề "Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước" đã tạo sự tin tưởng, lạc quan vào một "Chính phủ hành động", một môi trường kinh doanh thuận lợi sắp được mở ra. Ngay sau đó Chính phủ đã ra ngay Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020, với những nhiệm vụ rất cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Tiếp đó ngày 16-5-2016 Chính phủ cũng ra tiếp Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Mục tiêu được Nghị quyết 35 đề ra là đến năm 2020, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững; cả nước sẽ có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, khu vực tư nhân Việt Nam sẽ đóng góp khoảng 50% GDP; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm và hơn 30% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo. Đề xuất giảm 50% thuế thu nhập cá nhân trong một số lĩnh vực, đề xuất tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp ngay trong năm 2016; xử lý nợ chậm nộp cho doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan; nghiên cứu, đề xuất giảm thuế, suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhà nước thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển; Nhà nước bảo đảm sự ổn định, nhất quán, dễ dự báo của chính sách; ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện...

Một niềm tin mạnh mẽ của nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân đã được phản ánh vào thị trường đầy khí thế. Một mức cao hơn mốc 660 điểm cho chỉ số VN-Index, đây mức cao nhất hơn 9 năm qua kể từ khi khủng hoảng kinh tế thế giới nổ ra, đã được nhiều nhà đầu tư dự đoán là sẽ đạt được trong năm 2016, thậm chí là ngay trong quý II này - khi Ủy Ban Chứng Khoán Nhà nước cho phép nhóm cổ phiếu VN30 giao dịch T+0 và triển khai một số sản phẩm chứng khoán phái sinh từ đầu tháng 7-2016.

Trần Đăng

Chia sẻ bài viết