02/07/2021 - 00:20

Tham vọng tàu sân bay của Ấn Độ 

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Ðộ Rajnath Singh cho biết, Hải quân nước này sẽ bắt đầu thử nghiệm trên biển đối với INS Vikrant, hàng không mẫu hạm “Made in India” đầu tiên nhằm tăng cường khả năng chống lại sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Ðộ Dương. Theo ông Singh, INS Vikrant sẽ được đưa vào hoạt động trong nửa đầu năm 2022.

Giới chức Ấn Độ chụp ảnh lưu niệm trước hàng không mẫu hạm INS Vikrant. Ảnh: SCMP

Giới chức Ấn Độ chụp ảnh lưu niệm trước hàng không mẫu hạm INS Vikrant. Ảnh: SCMP

Tài sản mạnh nhất trên biển

Chính phủ Ấn Ðộ tiết lộ, 75% tàu chiến INS Vikrant có nguồn gốc từ trong nước, từ thiết kế, thép…đến vũ khí và hệ thống cảm biến. Ðiều đó thể hiện “sức mạnh công nghệ” của Ấn Ðộ.

Như vậy, INS Vikrant sẽ là hàng không mẫu hạm thứ hai của Ấn Ðộ. Chiếc đầu tiên là INS Vikramaditya - tàu chiến 35 tuổi từng phục vụ trong Hải quân Nga (mang tên Ðô đốc Gorshkov), với trọng tải 45.000 tấn có thể vận hành khoảng 20 chiến đấu cơ MiG-29K do Nga chế tạo, cùng với các máy bay trực thăng đa dụng.

Theo SCMP, Ấn Ðộ xem INS Vikrant là “tài sản mạnh nhất trên biển” và là “tài sản quân sự không thể so sánh được” của nước này.

INS Vikrant dài 262m, rộng 60m và có lượng choán nước 40.000 tấn, có thể đạt tốc độ lên đến 50km/h và tầm hoạt động trên 14.800km. Tàu sân bay được trang bị 4 bệ phóng pháo cỡ nòng 30 mm và 76 mm cũng như nhiều bệ phóng tên lửa phòng không này sẽ vận hành chiến đấu cơ MiG-29K và trực thăng cảnh báo sớm Ka-31, trực thăng đa chức năng MH-60R do Mỹ phát triển cũng như trực thăng hạng nhẹ do Ấn Ðộ sản xuất.

Giới chuyên gia cho rằng tàu sân bay mới sẽ giúp Ấn Ðộ thể hiện sức mạnh tại khu vực ngày càng chịu ảnh hưởng của Trung Quốc. Hồi tháng 5 vừa qua, Kenya khánh thành một cảng biển do Trung Quốc xây dựng trên đảo Lamu, vùng bờ biển Ấn Ðộ Dương. Còn hồi tuần trước, Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan tuyên bố cân nhắc kế hoạch cho phép Trung Quốc xây dựng cảng biển trị giá 10 tỉ USD ở thị trấn Bagamoyo. Ben Ho, chuyên gia phân tích hải quân tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Ðại học Công nghệ Nanyang (Singapore), nhận định INS Vikrant sẽ mang đến cho New Delhi nhiều lựa chọn nếu xảy ra một cuộc khủng hoảng với Bắc Kinh. “Việc sở hữu một hạm đội tàu sân bay lớn hơn sẽ tạo nên chiến lược hàng hải tự tin và vững chắc hơn, giúp Ấn Ðộ chống lại sự xâm nhập của Trung Quốc tại phạm vi ảnh hưởng của New Delhi ở Ấn Ðộ Dương” - ông Ho nói với SCMP.

Yogesh Joshi, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nam Á thuộc Ðại học Quốc gia Singapore, thì cho rằng INS Vikrant sẽ giúp Ấn Ðộ “tăng cường sự hiện diện hải quân và củng cố khả năng tấn công”, qua đó cho phép New Delhi đạt được một số quyền kiểm soát ở Ấn Ðộ Dương và có thể trở thành công cụ chống đỡ trước bất kỳ lệnh phong tỏa kinh tế nào của Trung Quốc trong các tình huống khủng hoảng.

Đẳng cấp cường quốc hải quân

INS Vikrant ra mắt trong bối cảnh Ấn Ðộ trở nên quá phụ thuộc vào INS Vikramaditya, đặc biệt là khi nước này tăng cường tham gia các cuộc tập trận quân sự trên khắp thế giới, gồm cuộc tập trận Ấn Ðộ - Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 6 tại Vịnh Aden, cuộc tập trận Varuna với Hải quân Pháp vào tháng 4, cuộc tập trận 3 bên với Singapore và Thái Lan hồi tháng 11 năm ngoái. Hôm 28-6 vừa qua, Hải quân Ấn Ðộ cũng tổ chức cuộc tập trận chung với Hàn Quốc tại Biển Hoa Ðông, nơi được ví như “sân sau” của Trung Quốc.

Ngoài INS Vikramaditya và INS Vikrant, Ấn Ðộ còn có kế hoạch đóng tàu sân bay thứ 3 mang tên INS Vishaal, có trọng tải 65.000 tấn, được trang bị hệ thống hỗ trợ cất và hạ cánh CATOBAR (máy bay được hỗ trợ bởi máy phóng khi cất cánh và thiết bị hãm khi hạ cánh). Song, không giống như INS Vikrant hay INS Vikramaditya, INS Vishaal sẽ có thể phóng và thu hồi máy bay tấn công hạng nặng cũng như các máy bay cảnh báo sớm như E-2 Hawkeye.

Thật ra, không giống như Trung Quốc và thậm chí cả Liên Xô trước đây, Ấn Ðộ từ lâu đã tập trung vào các tàu sân bay thay vì tàu ngầm. Nhờ đó, Ấn Ðộ từng có một tàu sân bay hạng nhẹ lớp Majestic, cũng được đặt tên là INS Vikrant, phục vụ trong lực lượng hải quân từ năm 1961 đến 1997 và đã chiến đấu hiệu quả trong cuộc chiến năm 1971 với Pakistan. Trong khi đó, INS Viraat (mua lại từ Anh) gia nhập Hải quân Ấn Ðộ vào năm 1987 và phục vụ đến năm 2016. Các tàu sân bay này đã mang lại cho quốc gia Nam Á một bề dày kinh nghiệm đáng kể trong các hoạt động quân sự có sự tham gia của tàu sân bay, cũng như trở thành lý do thuyết phục khiến New Delhi quyết định duy trì sự xuất hiện của hàng không mẫu hạm trong lực lượng hải quân.

Mặt khác, Trung Quốc đã đưa vào biên chế tàu sân bay lớn thứ hai và đang đóng chiếc thứ ba, qua đó có thể đã vượt qua Ấn Ðộ về phát triển lực lượng hàng không hải quân trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Mặc dù ít kinh nghiệm hơn so với Ấn Ðộ về vận hành tàu sân bay, Trung Quốc lại sở hữu ngành đóng tàu rất hiệu quả và lực lượng hàng không ngày càng hiện đại, khiến Bắc Kinh ít bị phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài. Những lý do này buộc New Delhi phải đẩy mạnh tốc độ hoàn thành các dự án tàu sân bay kèm với đó là củng cố sức mạnh lực lượng hải quân nếu muốn tiếp tục duy trì tầm ảnh hưởng và bảo vệ tốt chủ quyền cũng như lợi ích quốc gia trên biển.

TRÍ VĂN (Theo SCMP, National Interest)

Chia sẻ bài viết