28/09/2011 - 21:02

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY MỞ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN

Thầm lặng những cuộc đời

Dù là thuyền trưởng, máy trưởng hay hoạt động tại các bến bốc dỡ, những chiến sĩ tham gia hoạt động trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đều có một điểm chung, đó là sự thầm lặng. Kể lại cho chúng tôi nghe những ngày đêm vượt qua muôn trùng sóng gió, hiểm nguy, đối mặt với đá ngầm, với sự dò xét của địch, các cựu quân nhân tham gia trên tuyến đường này như đang sống lại những năm tháng của tuổi trẻ.

* Rưng rưng tiếng gọi miền Nam ruột thịt

Đại tá Nguyễn Đắc Thắng, người đã 15 lần tham gia hoạt động trên những con tàu không số nhớ rõ từng chuyến đi, từng đồng đội. Nhưng trong câu chuyện của mình, ông không hề nhắc đến hai từ “gian khó”. Ông sinh năm 1935 tại Cần Thơ. Sau khi tập kết ra bắc năm 1954, ông vào bộ đội rồi được cử đi đào tạo sĩ quan. Từ năm 1963, ông được cử làm việc trên những con tàu không số. Với ông, những chuyến đi luôn đầy ắp những kỷ niệm không thể nào quên. Đó là vào năm 1964, ông là Thuyền phó của tàu 56. Tàu này có nhiệm vụ vận chuyển 44 tấn vũ khí từ bến Đồ Sơn, Hải Phòng vào bến Lộc An (thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu) chi viện vũ khí kịp thời cho các đơn vị chủ lực tham gia chiến dịch Bình Giã. Sau 12 ngày đêm lênh đênh trên biển, tàu cập bến. Sau hơn 1 tháng chiến đấu, chiến dịch Bình Giã thắng lợi, đánh dấu sự thất bại của “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Chiến thắng Bình Giã có được một phần nhờ vào sự chi viện vũ khí kịp thời của tàu 56.

Một trong những tàu chở hàng của Lữ đoàn 125 trên biển bị máy bay Mỹ - ngụy chụp. Ảnh TL của Đại tá Nguyễn Tư Đương. 

Bên cạnh những chuyến đi thắng lợi còn có cả những chuyến đi mất mát và gian nan. Năm 1968, chuẩn bị cho tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đợt 2, Quân chủng Hải quân quyết định dùng các tàu 165, 56, 43, 235 cùng lúc chở vũ khí vào 4 bến khác nhau ở Nam Bộ và Khu 5. Tàu 43 do ông Nguyễn Đắc Thắng làm Thuyền trưởng chở vũ khí vào Ba Làng, Quảng Ngãi. Khi cách bến 12 hải lý, thì gặp tàu địch. Cuộc chiến đấu giữa hai bên diễn ra quyết liệt. Tàu 46 bắn rơi 2 máy bay lên thẳng, bắn bị thương một tàu cao tốc của Mỹ, nhưng trong số 16 người trên tàu có 3 người hy sinh, 11 người bị thương. Trước tình huống chiến đấu gấp gáp, nguy cấp, Thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng cho thủy thủ vào bờ, còn mình và một đồng đội nữa ở lại tàu, cài bộc phá để phá hủy tàu. Khi hoàn thành nhiệm vụ, ông cùng đồng đội bơi vào bờ và được nhân dân Ba Làng An nuôi giấu, che chở trong hầm bí mật. Sau đó, ông cùng đồng đội được đưa về bệnh xá Phổ Cường, Quảng Ngãi điều trị hơn 1 tháng. Để ra Bắc, ông đi bộ theo đường Trường Sơn trong hơn 3 tháng liền trở lại Hà Nội rồi tiếp tục lên đường theo tiếng gọi của tàu không số.

Kể hết hành trình ra Bắc, ông xúc động nói: “Là chiến sĩ tàu không số, chẳng ai xác định được ngày về. Trong 4 con tàu đi cùng đợt với tàu 43 chúng tôi, tàu 165 gặp địch. Anh em khôn khéo đánh trả và thả vũ khí xuống biển, sau đó dùng bộc phá cho nổ tàu. 18 người trên tàu đều hy sinh. Tàu 235 cũng vậy. Trên tàu có 20 người thì 15 người hy sinh. Chỉ có tàu 56 bị địch ngăn chặn ngoài vùng biển quốc tế, phải quay lại miền Bắc nên mọi người mới an toàn. Chứng kiến đồng đội hy sinh, mình càng nung nấu quyết tâm, phải đánh thắng kẻ thù, phải chiến đấu vì miền Nam ruột thịt. Tổ quốc chưa được thống nhất, non sông chưa liền một dải thì chúng tôi vẫn tiếp tục lên đường, dù đối diện với địch thù”.

Cũng có những ngày tháng lênh đênh trên biển, máy trưởng Phạm Quốc Hồng, quê ở Quảng Trạch, Quảng Bình đã có lúc đối mặt với cái chết cận kề. Ông Hồng sinh năm 1940. Sau khi tập kết ra Bắc, ông được học về kỹ thuật ở trường Sĩ quan Hải quân tại Quảng Yên, Quảng Ninh. Năm 1963, ông bắt đầu theo những chuyến tàu không số chi viện vũ khí cho miền Nam với cương vị của một kỹ thuật viên.

Làm một kỹ thuật viên trên tàu, ngoài việc quản máy an toàn suốt hành trình chạy trên biển, người lính còn phải học các kỹ thuật chuẩn bị các kíp nổ, khi cần thiết phải phá tàu để tránh lộ bí mật, phải thành thạo trong sửa chữa tàu nếu không may gặp sự cố hỏng hóc. Chuyến đi đầu tiên của ông Hồng vào năm 1963. Đó là chuyến đi đầy căng thẳng do ông vừa mới rời trường, chỉ được học và thực hành trên những cỗ máy chết. Bây giờ đứng trên con tàu mang niềm tin, niềm hy vọng của miền Bắc gửi vào miền Nam và cả mạng sống của hàng chục người, ông lo lắng lắm. Từ Đồ Sơn tới mũi Cà Mau, ông không bị say sóng, nhưng tàu gần cập bến, ông bồn chồn, mồ hôi túa ra từng đợt. Để đảm bảo an toàn cho tàu, ông kiểm tra từng tiếng máy nổ xem có lọt ra ngoài không để tránh sự chú ý của bất cứ đối tượng nào. Cứ như thế, từ chàng thợ máy trẻ, Phạm Quốc Hồng trải qua các cương vị: phụ trách máy, máy phó, máy trưởng, rồi thuyền trưởng. Là dân đi biển, ông đã quen với những cơn bão nổi, sóng dồn. Nhưng vẫn có lần ông biết cảm giác thế nào là cái chết. Năm 1965, ông là máy trưởng của tàu 154. Tàu này ngoài đưa đạn vào miền Nam còn có nhiệm vụ bảo vệ cán bộ chủ chốt tham gia trên chuyến tàu. Trên hành trình đi vào Bạc Liêu, tàu 154 gặp 3 chiếc tàu khu trục và 2 máy bay “đầm già” của địch. Trong tình thế hiểm nghèo, nếu bị phát hiện, thủy thủ trên tàu sẽ phải cho nổ bộc phá để giữ bí mật.

Cú đối mặt nguy hiểm như vậy chỉ làm ông bồn chồn chút ít. Sau khi tàu 154 trở về bến, ông lại tiếp tục hành trình. Trong 15 chuyến đi trên tàu không số, có một con tàu ông không thể nào quên: tàu 54. Lúc này tàu đang dừng ở cảng Hải Phòng thì thủy đoàn hay tin Bác mất. Ai cũng rưng rưng. Cả tàu làm lễ truy điệu Bác. Hôm đó, mỗi người được phát một chiếc băng tang. Ông Hồng đã giữ chiếc băng tang ấy như báu vật. Mỗi lần gặp khó khăn, thử thách, ông đều mang chiếc băng tang ra đặt lên ngực và quyết tâm sẽ vượt qua bất cứ trở ngại nào. Sau này, ông đã trao tặng chiếc băng tang đó cho Bảo tàng Hải quân.

Để chi viện kịp thời vũ khí cho miền Nam, không thể không kể đến lực lượng làm việc tại các bến bãi vận chuyển vũ khí từ các con tàu không số để chi viện cho chiến trường. Đại tá Khưu Ngọc Bảy, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962- Trung đoàn phụ trách 4 bến tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau cho biết, nếu như các chiến sĩ trên tàu không số phải đối mặt với thử thách của sóng gió, sự dò tìm của địch thì những người làm việc tại các bến phải tiếp nhận, bảo quản và đưa chuyển vũ khí vào chiến trường an toàn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhất là khi địch bắn phá liên tục vào căn cứ. Từ ngày mở bến đầu tiên đến chuyến kết thúc của con đường vận tải trên biển, các bến của đoàn 962 đã đón và tiếp nhận 124 tàu, chuyển được 6.613 tấn vũ khí vào bến an toàn. Đại tá Khưu Ngọc Bảy mắt ngấn nước khi nói về những lần nhận được những thùng vũ khí mang dòng chữ: “Vì miền Nam ruột thịt”. Ông đoán, khi xuống tàu, anh em vội viết lên thôi, chứ vận chuyển vũ khí bí mật, làm sao được làm như vậy. Xúc động là thế nhưng nhận xong rồi cũng phải xóa đi ngay”.

* Sự thầm lặng của “hậu phương lớn”

Một đặc điểm của những người lính tham gia tàu không số là tuyệt đối bí mật. Những người lên cùng một con tàu trước đó không ai biết nhau. Không được để lộ danh tính bằng bất cứ giá nào. Khi các anh lên đường, người nhà chỉ biết, thân nhân của mình đã vào bộ đội. Còn các anh sống, chiến đấu, hy sinh như thế nào thì phải đợi ngày trở về. Có những người trở về đằng đẵng sau hàng chục năm trời. Có những mối tình chờ nhau cũng hàng chục năm không tin tức. Ông Thắng, ông Hồng đều trải qua những ngày tháng như vậy. Năm 1964, khi tàu cập bến tại Bến Tre, Nguyễn Đắc Thắng gặp cô dân quân Huỳnh Biên Thùy. Hai người đã hứa hẹn, sau chuyến đi này sẽ thành gia thất. Nhưng vừa từ Bến Tre ra Bắc, ông Thắng liên tục được điều chuyển sang các tàu khác. Hai người bặt tin nhau. Năm 1968, khi nghe tin các tàu xuất quân đều có người hy sinh, nhiều người nói với Thùy rằng Thắng đã mất. Năm đó, Thùy xin phép đơn vị để làm lễ truy điệu và để tang Thắng. Năm 1972, đơn vị của Thùy báo cho cô biết sẽ được nghỉ phép mấy ngày để về thăm ba mẹ ở Cà Mau. Cô mừng mừng tủi tủi trở về. Chỉ có một điều kỳ lạ là cán bộ đi cùng lại không đưa cô về nhà ngay mà đưa qua Đầm Cùng. Lúc này Thắng chở vũ khí từ Bắc vào. Hai người gặp nhau. Sau hơn 8 năm dài chờ đợi, đơn vị đã tổ chức lễ cưới cho họ.

Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Phạm Quốc Hồng trở về Cảnh Vương, Quảng Trạch, Quảng Bình. Vợ nhìn thấy chồng, trách: “Ông đi biền biệt mô bao nhiêu năm để tôi phải hái sim nuôi con một mình”. Năm 1957, Hồng cưới vợ. Hai vợ chồng vừa sinh con trai đầu lòng thì ông ra Bắc. Năm 1963, Hồng về thăm nhà rồi từ đó đi miết đến năm 1975. Ở nhà, một vai vợ gồng gánh gia đình. Bao nhiêu năm, vợ ông không biết chồng mình còn sống hay đã mất vì không nhận được tin tức gì.

Câu chuyện của ông Thắng, ông Hồng, ông Bảy chắc chắn không phải là cá biệt trong rất nhiều câu chuyện liên quan đến đường Hồ Chí Minh trên biển. Chính sự chiến đấu lặng lẽ của những người trực tiếp tham gia trên con đường này và sự hy sinh, chờ đợi của những người vợ, người mẹ đã góp phần tạo nên một góc khác về huyền thoại của đường Hồ Chí Minh trên biển: huyền thoại của sự quên mình và đợi chờ.

MINH THU (TTXVN)

Chia sẻ bài viết