24/02/2014 - 21:48

Thách thức đô thị hóa và công nghiệp hóa nhìn từ sự phát triển của TP Cần Thơ

Gia Bảo- Thu Hoài

Kỳ 2: Quy hoạch và quản lý quy hoạch còn hạn chế

Trong 10 năm (2004-2013), TP Cần Thơ đạt nhiều kết quả quan trọng trong tiến trình phát triển, tăng trưởng kinh tế bình quân 14,5%/năm. Tuy nhiên, theo nhận định của bộ, ngành Trung ương và những kiến trúc sư (KTS) có quá trình gắn bó với sự phát triển của thành phố thì hành lang ven đô của thành phố phát triển chưa đồng bộ, thiếu và yếu, khiến việc phát triển đô thị trung tâm đang trở nên quá tải với tình trạng kẹt xe, khói bụi, ô nhiễm môi trường cục bộ … Quy hoạch chưa theo kịp sự phát triển và công tác quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập.

Những bất cập

Là đô thị loại II từ năm 1999, chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 2-1-2004 và được công nhận là đô thị loại I vào ngày 24-6-2009, nhưng hạ tầng đô thị của thành phố trung tâm vùng ĐBSCL còn nhiều bất cập và chưa tương xứng với vị thế thành thành phố văn minh, hiện đại; thành phố trung tâm động lực của ĐBSCL, cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong. Theo ý kiến của một vị KTS có quá trình gắn bó và theo dõi các quy hoạch phát triển của TP Cần Thơ thì nhiều khu dân cư (KDC), khu tái định cư (TĐC), công trình nhà ở, hạ tầng kỹ thuật của thành phố phù hợp với quy hoạch chung. Song, còn nhiều hạn chế như: chưa xây dựng được các công trình vui chơi giải trí, công viên, khu du lịch có quy mô lớn… Các công trình giáo dục, công trình y tế chưa đúng quy hoạch chung và sẽ dẫn đến tình trạng kẹt xe cục bộ. Trong quá trình triển khai quy hoạch chi tiết đã lấp đi một số kênh rạch tự nhiên ở khu Nam Cần Thơ, một số KDC mới, trung tâm thương mại chưa được quản lý chặt chẽ trong xây dựng nên khi đi vào hoạt động đã xảy ra tình trạng ngập nghẹt. Một số công trình bờ kè kiên cố hóa, nhưng nó không góp phần tăng vẻ mỹ quan cho các bờ sông rạch… Về hạ tầng kỹ thuật (mật độ đường chính, mật độ đường cống thoát nước, vấn đề thu gom xử lý nước bẩn và rác thải, giao thông đô thị…) chậm thực hiện nên không đủ, không kịp để phục vụ nhu cầu của đô thị. Sự khập khiễng này rõ ràng là thiếu sòng phẳng vì cư dân đô thị phải chờ để được thụ hưởng những tiện nghi mà đáng ra khi trở thành thị dân họ phải được hưởng như: công viên cây xanh, công trình văn hóa, thể thao, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường, cấp thoát nước… khi Cần Thơ trở thành đô thị loại I.

Tại hội nghị sơ kết công tác quy hoạch, triển khai quy hoạch vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn 2050 theo Quyết định 1581/2009/QĐ-TTg ngày 9-10-2009 của Thủ tướng Chính phủ, bà Trần Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng) cho rằng các đô thị tại ĐBSCL, trong đó có TP Cần Thơ quy hoạch đô thị còn phân tán và chưa liên kết theo cấu trúc không gian vùng. Các khu kinh tế, KCN được lập và phê duyệt nhưng thu hút đầu tư còn hạn chế, phần lớn các KCN này suất đầu tư hạ tầng cao và phụ thuộc vào vốn ngân sách đầu tư...

Đô thị quận Cái Răng phát triển nhanh chóng về hạ tầng, nhưng cũng có nhiều dự án chậm tiến độ, phải thu hồi chủ trương đầu tư (ảnh: Một góc đô thị Cái Răng). Ảnh: THU HÀ
 

Theo ông Nguyễn Tấn Dược, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, công tác quy hoạch xây dựng có nhiều cố gắng, tuy nhiên tỷ lệ quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch chi tiết chưa được phủ kín. Ở những khu vực yêu cầu quản lý về kiến trúc nhưng chưa có thiết kế đô thị hoặc chưa có các quy định về quản lý kiến trúc cũng gây khó khăn cho công tác cấp phép xây dựng theo Nghị định số 64/2012/NĐ-CP. Việc thu hồi chủ trương một số dự án đầu tư để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trong vùng quy hoạch, nhưng trong quá trình thực hiện còn một số hạn chế, như: Việc rà soát, tổ chức triển khai lập hoặc điều chỉnh các đồ án quy hoạch chậm so với yêu cầu. Một số đồ án quy hoạch tính khả thi chưa cao và chưa thu hút được nguồn lực đầu tư, thiếu tính chiến lược lâu dài, chưa dự báo phù hợp và đánh giá kỹ hiện trạng, tình hình phát triển kinh tế xã hội... Công tác phối hợp giữa các ngành trong việc thực hiện đồ án chưa đồng bộ. Việc nghiên cứu để quản lý không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị chưa được quan tâm, nhất là các khu vực có ảnh hưởng lớn đến kiến trúc cảnh quan đô thị, các trục đường chính, các vị trí quan trọng. “Nguyên nhân của các vấn đề trên do công tác lập quy hoạch phải thực hiện theo quy định là thông qua theo quy trình, nên có khi quy hoạch được thông qua thì không còn phù hợp với tình hình mới. Một số chủ đầu tư không tích cực triển khai dự án và thiếu nguồn lực đầu tư. Hiện chưa có Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chung cho thành phố Cần Thơ và các địa phương nên thiếu công cụ để quản lý về không gian kiến trúc cảnh quan đô thị”- ông Dược nói.

Thực hiện công tác rà soát quy hoạch từ năm 2012-2013, Sở Xây dựng TP Cần Thơ đã trình UBND thành phố hủy bỏ 18 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; phê duyệt điều chỉnh và điều chỉnh cục bộ quy hoạch 15 đồ án. Tính đến cuối năm 2013, thành phố còn 125 đồ án quy hoạch còn hiệu lực, trong đó: Đồ án quy hoạch chung là 9 (5 đồ án tiếp tục quản lý, 1 đồ án đang điều chỉnh, 3 đồ án sau khi quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 lập sẽ hủy bỏ); đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2000 là 20 (12 đồ án tiếp tục quản lý, 4 đồ án đang lập điều chỉnh, 4 đồ án sẽ tiếp tục xem xét điều chỉnh); đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/500 là 96 (44 đồ án đã thực hiện cơ bản hạ tầng, 43 đồ án đang thực hiện triển khai, 9 đồ án không có nhà đầu tư mà chủ yếu lập để quản lý cấp phép xây dựng). Ông Nguyễn Tấn Dược, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ nhìn nhận quá trình đô thị hóa của thành phố còn hạn chế do công tác lập quy hoạch nhất là các quy hoạch phân khu còn chậm so với yêu cầu. Công tác quản lý và thẩm định quy hoạch đã phân cấp cho quận, huyện; nhưng hiện nay các phòng Quản lý đô thị, phòng Kinh tế và Hạ tầng thiếu công chức có chuyên môn làm công tác thẩm định quy hoạch, quản lý xây dựng. Đối với quản lý chất lượng vật liệu và một số sản phẩm xây dựng chủ yếu, công tác này đòi hỏi thu thập mẫu và thực hiện các thí nghiệm chuyên ngành. Tuy nhiên, thiếu nguồn kinh phí nên nhiệm vụ quản lý theo quy định chưa thực hiện được.

Khó mời gọi đầu tư

Quy hoạch chung của thành phố đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 207/2006/QĐ-TTg ngày 7-9-2006, tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, một số yếu tố mới tác động đến sự phát triển của thành phố. Lẽ đó, thành phố xin điều chỉnh quy hoạch và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 (Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 28-8-2013). Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa đạt 70%-75%; đến năm 2030 đô thị hóa đạt 75%-80%... Đô thị hóa được thể hiện rõ nét nhất qua việc đầu tư xây dựng các khu dân cư (KDC), khu tái định cư (TĐC), thế nhưng khi tỷ lệ dân cư chưa đủ để lấp đầy khiến xảy ra tình trạng hoang vắng, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.

Nhiều tuyến đường nội ô thành phố ngập nghẹt vào  mùa mưa, triều cường làm ảnh hưởng đời sống người dân. Ảnh: THU HOÀI 

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, trên địa bàn thành phố hiện có 109 dự án KDC, khu TĐC và các dự án kinh tế khác với tổng diện tích 2.574,9ha; trong đó có 42 dự án kinh tế (diện tích 716,3ha) có tổng mức đầu tư 52.912 tỉ đồng (trong đó 3 dự án triển khai chậm đang đối thoại với nhà đầu tư, diện tích 348ha, tổng mức đầu tư 13.120 tỉ đồng). Thời gian qua, thành phố đã ban hành nhiều chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư, nhưng thu hút doanh nghiệp đến đầu tư vào thành phố còn nhiều khó khăn, nhất là dự án đầu tư hạ tầng đô thị, vốn đầu tư lớn, nên mức độ phủ kín công trình kiến trúc của các dự án phát triển KDC, khu đô thị mới đạt thấp. Năm 2013, Sở Xây dựng tiến hành rà soát và thu hồi chủ trương 8 dự án, hiện thành phố còn 64 dự án KDC, khu TĐC, Sở đã lọc ra 21 dự án cơ bản thực hiện xong để chuyển về địa phương quản lý, còn lại 43 dự án được xếp thành 4 nhóm (nhóm chưa triển khai 4 dự án, nhóm chậm triển khai 12 dự án, nhóm đang triển khai 23 dự án, nhóm cơ bản hoàn thành hạ tầng 4 dự án)… Theo đánh giá của Sở Xây dựng thành phố, quá trình rà soát đã phát hiện một số dự án dù chưa chính thức kết thúc bàn giao cho địa phương quản lý các hạng mục hạ tầng nhưng doanh nghiệp hầu như không còn hoạt động. Một số dự án chậm tiến độ do nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính, quản lý, hoặc phải chờ điều chỉnh quy hoạch.

Bên cạnh đó, các đô thị hạt nhân và đô thị vệ tinh của thành phố vẫn chưa được đầu tư đồng bộ, nhiều khu quy hoạch đã có, nhưng khi triển khai vướng thủ tục và phải xin chủ trương điều chỉnh. Khu đô thị Nam Cần Thơ diện tích 2.086ha với các khu chức năng: khu lõi trung tâm; khu trung tâm văn hóa Tây Đô; các khu dân cư; hành lang sinh thái; trục phức hợp nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ… được kỳ vọng là khu trung tâm mới, hiện đại, đảm bảo cho khoảng 150.000 dân sinh sống, 50.000 người làm việc và 50.000 khách vãng lai mỗi ngày. Nhưng hơn 10 năm phát triển (từ năm 2000), đến nay khu đô thị mới này vẫn còn ngổn ngang và diện tích đất trống còn nhiều. Ông Huỳnh Minh Hùng, người dân sống ở khu dân cư Hưng Phú, quận Cái Răng cho biết: “6-7 năm trước, Nam sông Cần Thơ còn hoang vắng, dân sinh thưa thớt, nay đã sầm uất hơn nhiều. Khu đô thị mới với nhà cửa khang trang, đường sá rộng hơn, nhưng điện nước, khu vui chơi, mua sắm… còn thiếu và chưa đồng bộ nên một số hộ dân đã cho thuê nhà, hoặc bán để trở về nội đô”. Thực tế, ngay các quận trung tâm như Ninh Kiều, Bình Thủy và Cái Răng có nơi từ đường phố chính rẽ vào hẻm chưa tới 50m là cảnh nông thôn bày ra trước mắt với ao cá, vườn cây ăn trái và không khó để cảm nhận không khí của miệt vườn lam lũ ngay giữa trung tâm đô thị loại I. Anh Lê Văn Hùng- một người dân sống ở quận Ninh Kiều, bày tỏ: “Là thị dân đô thị tự hào lắm. Nhưng hạ tầng đô thị của thành phố còn thua sút nhiều thành phố khác, phố xá và vườn tược nông thôn chỉ cách nhau có vài bước chân!”…

Ông Lê Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND quận Cái Răng, nhìn nhận: “Trong 10 năm qua, việc thực hiện quy hoạch và triển khai quy hoạch các dự án, nhất là các dự án KDC, khu TĐC đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt đô thị của quận. Quận đang từng bước đô thị hóa, giảm diện tích đất nông nghiệp, quận đã áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ TĐC, mở lớp đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất ổn định cuộc sống. Nhưng do trình độ của người dân còn hạn chế, việc đào tạo nghề cũng gặp khó khăn; đa phần người dân chọn phương án nhận tiền hỗ trợ để tìm kế mưu sinh khác. Do vậy, cần chính sách cụ thể, tạo điều kiện tốt hơn cho người dân có đất bị thu hồi an tâm sinh sống”. Theo ông Tâm, việc cải tạo, chỉnh trang đô thị hiện hữu, phát triển các đô thị, khu đô thị mới, phát triển cụm dân cư hạt nhân của vùng ngoại thành, ngoại thị còn một số bất cập. Do đa số các khu đô thị hiện hữu phần lớn có từ lâu đời, chưa có một kiến trúc định hình, cơ sở hạ tầng thấp kém, việc cải tạo các đô thị này rất khó thực hiện do kinh phí cao. Việc kêu gọi đầu tư dự án KDC, khu TĐC cũng khó thực hiện do hiệu quả kinh tế mang lại cho nhà đầu tư thấp, thu hồi vốn chậm và đây cũng là vấn đề khiến các ngành chức năng đau đầu.

Theo nhận định của các chuyên gia đô thị, đô thị hóa có tác động rất lớn đến sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tiến trình đô thị hóa của TP Cần Thơ đang phát sinh nhiều bất cập phải giải quyết, nên quá trình công nghiệp hóa cũng đang chịu áp lực rất lớn.

Kỳ tới: Tốc độ công nghiệp hóa chưa đạt yêu cầu

Chia sẻ bài viết