03/11/2009 - 22:01

Tàu viễn dương lớn nhất hành tinh

“Ốc đảo của Biển” . Ảnh: Wikipedia

Ngành công nghiệp đóng tàu thế giới vừa hoàn thành con tàu lớn nhất từ trước đến nay với đỉnh cao của nhiều loại công nghệ tiên tiến. Đó là tàu mang tên “Ốc đảo của Biển” (Oasis of the Seas) thuộc quyền sở hữu của tập đoàn tàu thủy Royal Caribbean (có trụ sở tại bang Florida, Mỹ) do hãng STX Europe AS thuộc tổ hợp đóng tàu Hàn Quốc STX đóng tại thành phố cảng Turku, Phần Lan.

Con tàu được chính thức khởi công vào tháng 11-2007 và hoàn thành ngày 28-10-2009 này có chiều dài 360 m, rộng 60,5 mét, có 20 tầng, chiều cao nổi trên mặt nước 72 mét, chiều cao dưới mặt nước 22,55 mét, nặng 225.282 tấn, có vận tốc chạy 41,9 km/giờ. Quy mô của tàu như vậy lớn gấp 3 lần tàu lữ hành Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị lớn nhất thế giới trước đây, và hơn gấp 5 lần tàu Titanic huyền thoại. “Ốc đảo của Biển” có cả thảy 2.700 buồng, đủ chỗ nghỉ cho 6.300 hành khách và 2.100 thành viên thủy thủ đoàn. Điểm nhấn kỹ thuật của con tàu là công viên mở nằm ở trung tâm dài 100 mét và rộng 19 mét với tổng cộng 12.000 loại cây, trong đó được phân thành nhiều “vùng” riêng biệt như cây cọ nhiệt đới, nho ôn đới... Tàu có một sân khấu ngoài trời 750 ghế, sân khấu trong nhà 1.300 chỗ ngồi, đường băng trượt tuyết, sân gôn 7 lỗ, sân bóng chuyền, hồ chơi bóng nước, sân bóng rổ, sân đua ngựa gỗ 9 làn đường, đường chạy bộ dài 600 mét, 4 hồ bơi... Bên cạnh công viên còn có các cửa hàng bán sách, nhà hàng, quán rượu.

Với tổng chi phí xây dựng 1,5 tỉ USD, “Ốc đảo của Biển” cũng là chiếc tàu viễn dương đắt đỏ và xa xỉ nhất thế giới. Tuy nhiên, nhà chế tạo cho rằng con tàu này thân thiện môi trường nhất hiện nay bởi nó không đổ chất thải xuống biển và tái sử dụng nước thải, đồng thời tiêu hao điện năng ít hơn 25% so với những tàu khác có kích cỡ nhỏ hơn. Tàu đã rời thành phố cảng Turku hôm 29-10, rồi lần lượt đi tới vùng biển Đan Mạch, Anh, sau đó lướt trên Đại Tây Dương để đến cảng Everglades ở bang Florida vào ngày 20-11, trước khi đưa vào khai thác vào đầu tháng 12 tới. Những người chỉ trích cho rằng sự ra đời của con tàu trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới là một sự hoang phí. Còn theo những người ủng hộ, “Ốc đảo của Biển” chính là hiện thân của trí tuệ sáng tạo và trình độ kỹ thuật trong ngành công nghiệp đóng tàu của nhân loại.

PHÚC NGUYÊN
(Theo AP, The Chosun Iblo, Dailymail, Wikipedia)

Chia sẻ bài viết