Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), ĐBSCL hiện có trên 50.000 doanh nghiệp (DN), trong đó DN khu vực tư nhân chiếm 98%, DN FDI chiếm 1,2%, DN Nhà nước chiếm 0,8% và hàng triệu hộ kinh doanh cá thể, tư nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến nông lâm thủy sản, thương mại dịch vụ không đăng ký hoạt động theo các loại hình DN. Điều này cho thấy, khu vực tư nhân ở ĐBSCL giữ vai trò then chốt trong đóng góp phát triển kinh tế ĐBSCL, tạo công ăn việc làm cho xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, những tồn tại, yếu kém của khu vực này cần phải được nhìn nhận một cách thấu đáo.
Bà Nguyễn Thị Thương Linh - Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, Tổng Thư ký Hội đồng Hiệp hội DN ĐBSCL cho biết: Giai đoạn năm 2006 - 2010, tỷ trọng của DN khu vực tư nhân đóng góp vào GDP cao nhất chiếm 46,1% và tạo việc làm là 54,8% (trong đó tạo việc làm mới chiếm 84,8%) so với khu vực kinh tế khác. Điều này chứng tỏ vai trò to lớn của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc gia. Ở một khía cạnh khác, ở ĐBSCL, phần lớn lực lượng lao động nông thôn còn hạn chế về trình độ, kỹ thuật, tay nghề,
nên khó làm việc cho các DN hay các tập đoàn kinh tế lớn. Chính khu vực kinh tế tư nhân lại là nơi tiếp nhận và đào tạo lao động nông nghiệp, nông thôn, giúp họ từng bước hòa nhập với môi trường lao động năng động hơn, tự tin hơn để hội nhập.
* Nhưng khu vực kinh tế tư nhân được nhận định còn rất nhiều khó khăn, yếu kém, thưa bà?
- 98% DN của ĐBSCL là các DN nhỏ và vừa (DNNVV). Đa số DN khu vực này còn nhiều hạn chế như trình độ quản lý, thiếu vốn, thị trường đầu ra chịu nhiều cạnh tranh và chưa ổn định, nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm và khó kiểm soát chất lượng,
Ngoài ra, phần lớn DN ở ĐBSCL trưởng thành từ những DN truyền thống với đặc điểm cha truyền con nối, hoặc anh em dòng họ truyền lại với nhau,
Do vậy, các chủ DN thường chỉ kinh doanh dựa vào kinh nghiệm, không được đào tạo kỹ năng, kiến thức kinh doanh một cách bài bản
Điều này trước đây có thể chấp nhận được. Nhưng trước xu thế Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, không chỉ các DN trong nước cạnh tranh với nhau, mà còn phải cạnh tranh với các DN nước ngoài. Một ví dụ rất điển hình: DN Thái Lan đã mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam và khoảng 50% cổ phần của Nguyễn Kim năm 2014, cho thấy 1 làn sóng đầu tư của DN Thái vào Việt Nam, với quy mô lớn, phương thức kinh doanh bài bản, kinh nghiệm hơn hẳn. Chính tính vượt trội và "xâm nhập" của các DN Thái Lan vào Việt Nam chỉ ra môi trường cạnh tranh sẽ khốc liệt. Khu vực ĐBSCL, vốn có nhiều điểm tương đồng với Thái Lan về lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng họ hơn chúng ta ở chỗ họ có nền nông nghiệp phát triển sớm với công nghệ, kiến thức, quản trị tốt. Như vậy, các DN ở ĐBSCL, với đặc trưng kinh doanh theo kiểu truyền thống sẽ dễ dàng bị lấn sân. Nếu không trang bị tốt kiến thức, kỹ năng về quản trị, kinh doanh,
DN sẽ đối đầu với vấn đề này như thế nào? Trước đây, DN nghĩ "không ra biển lớn" nếu chưa đủ lực, nhưng bây giờ, không thể né tránh thực trạng DN nước ngoài đã vào sân, vào gõ cửa DN trong nước rồi.
* Đó là những khó khăn về nội tại, theo bà, đâu là những yếu tố khách quan khiến DN "than phiền" ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh?
- Điều DN lo lắng nhất hiện nay là gánh nặng chi phí. Đó là chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong khi giá bán thì không thể tăng. Tôi cho rằng, khó khăn về chi phí sẽ tiếp tục gia tăng, vì năm 2015 giá điện và các chi phí khác đều tăng nên tất nhiên việc này sẽ phát sinh ra hàng loạt những khó khăn khác mà DN phải chịu đựng.
Trong năm 2015 này, Việt Nam dự kiến hoàn thành việc ký kết 6 hiệp định thương mại tự do theo tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi Chính phủ phải ban hành nhiều chính sách văn bản pháp luật mới theo các yêu cầu và thỏa thuận của quá trình hội nhập. Điều này là đương nhiên, nhưng vô tình làm DNNVV khó khăn trong tiếp cận và nắm bắt. Việc ban hành nhiều chính sách pháp luật mới khiến một bộ phận cán bộ cơ sở chưa theo kịp. Hệ quả là phát sinh nhiều thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp hơn. Nhiều DN thẳng thắn nhìn nhận, dù chính quyền và lãnh đạo địa phương cấp trên rất quan tâm, hỗ trợ DN nhưng khó khăn chủ yếu lại đến từ những cán bộ cơ sở do thiếu tinh thần hợp tác, cùng giải quyết khó khăn với DN.
* DN làm gì để đối mặt với những khó khăn, thách thức bà vừa đề cập?
- Như tôi chia sẻ ở trên, DN ngày nay không thể kinh doanh theo kiểu truyền thống; không thể không am hiểu vấn đề về kinh tế vĩ mô hay vi mô. Bởi việc Chính phủ ban hành một chính sách không thể chỉ căn cứ vào lợi ích của bất kỳ 1 DN nào mà phải nghĩ đến tương lai phát triển chung, đồng thời phải phù hợp với những cam kết của Việt Nam khi hội nhập kinh tế thế giới. Do đó, DN cần am hiểu, cập nhật chính sách, thông tin về tình hình kinh tế, các hiệp định thương mại Việt Nam đã và chuẩn bị ký kết
Và xem đây như là một phần tất yếu của quá trình kinh doanh, qua đó có thể giúp DN phòng tránh rủi ro và chủ động nắm bắt các cơ hội kinh doanh. DN chú trọng vào những vấn đề nội tại để tăng sức cạnh tranh, đó là đẩy mạnh tái cơ cấu, quản trị nhân sự trên cơ sở phân công đúng người đúng việc; tạo tiềm lực cho DN, trong đó con người chính là nhân tố quan trọng nhất. DN có ý tưởng hay, chiến lược tốt nhưng không có con người am hiểu, thực hiện những vấn đề này thì không thể nào phát triển được. DN cần phải chủ động quản lý nguồn tiền, nâng cao mức thanh khoản, quản lý tốt chi phí sản xuất và công nợ. DN cũng cần quan tâm hợp tác trong kinh doanh. Ở đây, tôi muốn đề cập đó là hợp tác "WIN WIN" (hợp tác trên cơ sở 2 bên cùng có lợi) với đối tác hoặc khách hàng để tiêu thụ nguồn hàng; hoặc có thể hợp tác từ những cá nhân, DN kinh doanh cùng lĩnh vực để gia tăng sức mạnh trong một chuỗi giá trị.
* Còn về phía cơ quan hữu quan địa phương như thế nào, thưa bà?
- Cơ quan địa phương cần duy trì và tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Địa phương cũng nên thường xuyên cập nhật thông tin chính sách vĩ mô, hiệp định thương mại cho DN; đồng thời, công khai, minh bạch thông tin giúp DN tận dụng tối đa cơ hội trong kinh doanh. Đặc biệt, cơ quan hữu quan địa phương tiếp tục chú trọng cải cách hành chính (đặc biệt đối với cấp địa phương, cơ sở xã, phường) để hỗ trợ, phối hợp giải quyết khó khăn một cách nhanh nhất. Có như vậy, DN mới thấy được sự đồng hành của chính quyền từ đó có thêm động lực để đầu tư phát triển.
* Thời gian tới, VCCI Cần Thơ có kế hoạch "đồng hành" như thế nào để DN ĐBSCL ngày càng lớn mạnh, thưa bà?
- VCCI sẽ chú trọng vào những hoạt động DN chuyên sâu hơn. Điển hình như thường xuyên cung cấp thông tin kinh tế vi mô, vĩ mô thông qua các hội thảo kinh tế chuyên đề, cung cấp thông tin về những hiệp định thương mại Việt Nam sẽ ký kết theo từng lĩnh vực ngành nghề. Ngoài ra, VCCI Cần Thơ cũng tăng cường hoạt động liên kết liên doanh, ráp nối thương mại cho DN. Vừa qua VCCI Cần Thơ làm cầu nối cho Công ty Cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ với Công ty Cổ phần Dầu cá Châu Á (Đồng Tháp); Công ty Cổ phần Đầu tư Ngôi sao Mêkông (Cần Thơ) với Công ty Cổ phần Rau quả Thực phẩm An Giang (ANTESCO) trong hợp tác làm ăn
VCCI Cần Thơ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ DN tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua các chương trình đào tạo, tạo ra một thế hệ doanh nhân có trình độ, có kiến thức quản trị đáp ứng yêu cầu mới. Năm nay, VCCI Cần Thơ chú trọng vào mảng đào tạo khởi sự kinh doanh cho ĐBSCL, nhất là TP Cần Thơ. Bởi bối cảnh hiện nay, kinh tế khó khăn nhiều DN phá sản đòi hỏi có một lớp doanh nhân mới có kiến thức, ý tưởng kinh doanh sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Bên cạnh đó, tỷ lệ sinh viên ngành kinh tế ra trường không có việc làm ngày càng tăng cao. Tại sao chúng ta không khuyến khích những sinh viên này khởi sự DN để các em tự tạo ra việc làm cho chính bản thân, tạo việc làm cho những người khác, đóng góp vào xã hội. Mặt khác, ở ĐBSCL, điệp khúc "được mùa rớt giá, được giá thất mùa" liên tục xảy ra. Một trong những nguyên nhân là người nông dân không biết quy luật cũng như quá trình kinh doanh diễn ra sau sản xuất. Nếu như họ có kiến thức về khởi sự kinh doanh, tổ chức kinh doanh, liên kết với DN thì vấn đề này ít nhiều sẽ được giải quyết.
* Xin cảm ơn bà!
Thanh Long (Thực hiện)