04/10/2016 - 22:12

Xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán

Tạo điều kiện hơn nữa để người dân tham gia đầu tư vốn

Ngày 28-7-2000 đánh dấu sự ra đời của Thị trường Chứng khoán (TTCK) Việt Nam khi sàn giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) chính thức giao dịch với chỉ 2 cổ phiếu đầu tiên. Đến ngày 8-3-2005, sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đi vào hoạt động và dần lớn mạnh thêm. Ngày 20-6-2006, HNX có thêm chức năng đấu thầu trái phiếu Chính phủ quốc gia và ngày 24-6-2009 ra mắt thêm sàn giao dịch dành cho cổ phiếu chưa niêm yết chính thức - sàn giao dịch Upcom để cơ bản hình thành đủ bộ các công cụ chức năng mua bán và huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế - TTCK Việt Nam như hiện nay.

Công ty chứng khoán MBS tổ chức hội thảo Nhà đầu tư năm 2016. Ảnh: H. CUÔNG

Sau tròn 16 năm hình thành và phát triển, đến nay tổng giá trị vốn hóa của cả 3 sàn HOSE, HNX, Upcom đã đạt hơn 1,6 triệu tỉ đồng, tương đương 38% GDP. Giá trị giao dịch trên thị trường cũng tăng dần qua từng năm. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cùng các Sở giao dịch đã có hàng loạt cải cách, nâng cấp và tạo điều kiện cho thị trường phát triển. Đặc biệt, trong các tháng 7, 8 và 9-2016, tổng giá trị giao dịch của cả 3 sàn đã đạt con số hơn 60 ngàn tỉ đồng một tháng, cao nhất từ trước đến nay. Qua đó đã huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế hàng triệu tỉ đồng, cao nhất trong nhiều năm qua và tạo ra thêm cho nhà đầu tư, những người có tiền nhàn rỗi một kênh đầu tư trí tuệ sau các kênh đầu tư truyền thống là gửi tiết kiệm, vàng, bất động sản và ngoại tệ.

* Những mốc phát triển quan trọng

Với mốc khởi điểm là 100 điểm vào tháng 8-2000, đến cuối năm 2007, chỉ số VN-Index đã chạm mốc cao lịch sử 1.170 điểm và sau đó giảm mạnh về đến 235 điểm vào cuối tháng 2-2009. Đi kèm với sự thăng trầm quá mạnh của chỉ số này, nhà đầu tư trên thị trường cũng nhiều phen chìm nổi theo thị trường. Có những lúc nhà đầu tư phải xếp hàng để tranh mua cổ phiếu và mua được bất cứ cổ phiếu nào là có lãi ngay, thậm chí có lãi to sau một thời gian ngắn - giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2007. Cũng có lúc, nhà đầu tư mất hết niềm tin vào TTCK Việt Nam, nhiều nhà đầu tư bị "cháy tài khoản" với hàng loạt những phiên cổ phiếu giảm giá sàn liên tục, cổ phiếu bán không có người mua - giai đoạn cả năm 2008 và sau đó giảm lần 2 là vào năm 2010 đến 2011.

Điểm đáng chú ý nhất của TTCK là việc triển khai khớp lệnh liên tục vào năm 2007, giao dịch trực tuyến vào năm 2009, kéo dài thời gian giao dịch và áp dụng lệnh thị trường vào ngày 5-3-2012 đã góp phần cải thiện đáng kể thanh khoản trên thị trường. Qua đó tạo điều kiện cho các nhà đầu tư ở châu Âu và Mỹ lệch múi giờ thuận tiện hơn trong giao dịch, tăng thêm sức hấp dẫn cho thị trường. Đầu năm 2012, HOSE tiên phong triển khai ra thị trường chỉ số VN30 - chỉ số của 30 công ty có giá trị vốn hóa và thanh khoản lớn hàng đầu niêm yết trên sàn HOSE. Tiếp sau đó, các chỉ số VNMidcap, VNSmallcap, VN100 và VNAllshare lần lượt ra mắt thị trường vào đầu năm 2014. Sản phẩm chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục ETF cũng được niêm yết và giao dịch đầu tiên trên HOSE từ tháng 10-2014, cung cấp thêm công cụ và tiện ích cho nhà đầu tư trong quá trình tham gia giao dịch và 10 chỉ số ngành theo chuẩn GICS của MSCI cũng được HOSE triển khai vào đầu năm 2016; quy mô và chất lượng thị trường không ngừng gia tăng. Nghị định 60/2015/NĐ-CP về việc dỡ bỏ trần sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài ra đời cách đây hơn 1 năm đã giúp nhiều doanh nghiêp thông qua việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Đến nay đã có 5 doanh nghiệp chính thức nới room lên 100% cho nhà đầu tư nước ngoài là VNM, SSI, VHC, EVE, DMC. Qua đó thu hút thêm nguồn vốn từ nước ngoài đổ vào các doanh nghiệp tốt.

Sàn HOSE giao dịch đầu tiên vào ngày 28-7-2000 với 2 cổ phiếu là SAM và REE. Đến nay, sàn này có 312 cổ phiếu, 35 trái phiếu, 1 quỹ ETF đang giao dịch với giá trị niêm yết là 457,2 ngàn tỉ đồng và giá trị vốn hóa hơn 1,3 triệu tỉ đồng. Sàn HNX hiện có 378 mã cổ phiếu với giá trị vốn hóa đạt xấp xỉ 160 ngàn tỉ đồng. Sàn Upcom có 330 mã cổ phiếu, giá trị vốn hóa đến giữa tháng 9-2016 là 113 ngàn tỉ đồng. Giá trị giao dịch trung bình của cả 3 sàn hiện nay xấp xỉ 4 ngàn tỉ đồng một phiên.

Để thúc đẩy các doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa lên sàn, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 51 yêu cầu, trong thời hạn 90 ngày kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, đăng ký cổ phiếu để lưu ký tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán quốc gia (VSD) và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom. Trường hợp doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn niêm yết tại 2 Sở giao dịch chứng khoán tập trung là HOSE và HNX sẽ buộc phải niêm yết trong thời hạn tối đa 1 năm kể từ sau khi chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, công ty cổ phần.

Suốt 16 năm qua, sàn HOSE nói riêng và cả TTCK nói chung đã có những dấu ấn gắn liền với sự phát triển của thị trường vốn cũng như của nền kinh tế Việt Nam trên nhiều phương diện. Đến nay đã có trên 253 ngàn tỉ đồng được huy động trên HOSE thông qua các cuộc bán đấu giá cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa và các đợt phát hành thêm để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty niêm yết. Chất lượng cổ phiếu niêm yết tại HOSE tiếp tục được nâng cao, thể hiện ở chất lượng công bố thông tin, chất lượng công ty niêm yết tốt hơn, hoạt động quản trị công ty và minh bạch hóa theo thông lệ tốt đã bắt đầu có hiệu ứng lan tỏa, thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của doanh nghiệp cũng như của xã hội. TTCK Việt Nam ngày càng cải thiện rõ rệt về quy mô và thanh khoản. So với tại thời điểm triển khai VN30 và giao dịch cả ngày vào năm 2012, mức thanh khoản của thị trường đã tăng từ khoảng 800-900 tỉ đồng/ngày lên 3.000-4.000 tỉ đồng như hiện nay…

* Để người dân biết đến TTCK

Khó khăn và bất cập lớn nhất hiện nay là phần lớn người dân biết rất ít về TTCK nói riêng và thị trường vốn nói chung, nên chưa nhìn nhận đúng đắn và tham gia vào TTCK. Theo nghiên cứu của một số Công ty chứng khoán, như ở Mỹ và các nước châu Âu, phần lớn người lao động ở đô thị đều có sở hữu cổ phần, cổ phiếu. Ngay như ở đất nước Thái Lan, cũng có đến khoảng 85% người lao động ở đô thị có sở hữu cổ phần, cổ phiếu. Ở nước ta hiện nay, nếu 10 người có tiền nhàn rỗi thì có đến 9 người biết đầu tư cất trữ vàng, 8 người có đầu tư vào bất động sản nhưng chỉ một vài người biết đến TTCK và tỷ lệ người sở hữu cổ phần, cổ phiếu còn ít hơn. Cả nước hiện có đến 96 triệu dân nhưng có chưa đến 1,5 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán. Trong số đó có rất nhiều nhà đầu tư, nhân viên môi giới mở từ 2 tài khoản giao dịch chứng khoán trở lên ở nhiều công ty chứng khoán khác nhau.

Vốn hóa trên 3 sàn Upcom, HNX, HOSE trong 5 năm qua. Đơn vị: Ngàn tỉ đồng. Đồ họa: Trần Đăng

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Tô Hoài Nam, hiện cả nước có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh doanh cá thể nhưng chỉ có khoảng 500 ngàn công ty cổ phần và trách nhiệm hữu hạn. "Kinh tế ngầm", kinh doanh quán cóc vỉa hè, kinh doanh hoạt động về đêm, kinh doanh không hóa đơn chứng từ là rất lớn… Mục tiêu của Chính phủ trong 5 năm tới cả nước phải đạt được 1 triệu doanh nghiệp, chuyển dần từ mô hình hộ kinh doanh cá thể sang mô hình doanh nghiệp, công ty để dần dần đưa nền kinh tế nước ta ngày càng minh bạch hơn qua đó người kinh doanh sẽ có điều kiện hơn để tiếp cận các nguồn lực của xã hội như: đất đai, nhân lực, khoa học công nghệ, tín dụng, TTCK, các nguồn vốn giá rẻ khác, chính sách hỗ trợ của Nhà nước... Biện pháp để thúc đẩy phát triển mạnh TTCK là Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân khởi nghiệp, đơn giản hóa thủ tục thành lập cũng như phá sản doanh nghiệp, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp bên cạnh đó là việc tăng cường tuyên truyền để người dân, người có tiền nhàn rỗi biết đến kênh đầu tư tiên tiến này.

Trần Đăng

Chia sẻ bài viết