03/09/2018 - 11:43

Tăng tốc… rút lui!

Chỉ trong vỏn vẹn 2 ngày cuối tuần rồi, chính quyền Mỹ đã có một loạt phát ngôn và quyết định mang tính rút lui khỏi chủ nghĩa đa phương mà nước này từng ra sức cổ súy trong nhiều thập niên qua.

Đầu tiên là việc Tổng thống Donald Trump hôm 31-8 dọa rút Mỹ khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì cho rằng định chế kinh tế lớn nhất hành tinh gồm 164 quốc gia thành viên và 23 quốc gia quan sát viên này luôn “chèn ép” Mỹ, nhất là trong các vụ kiện.

Cùng ngày, ông Trump cũng quyết định cắt tài trợ cho Quỹ cứu trợ và hành động của Liên Hiệp Quốc (UNRWA) dành cho người tị nạn Palestine. Lý do được đưa ra là UNRWA sử dụng tiền không hiệu quả và “có vấn đề về tài chính”. Được biết, Mỹ trước nay đóng góp nhiều nhất cho UNRWA với cam kết 365 triệu USD cho năm 2018.

Sang ngày 1-9, Lầu Năm Góc thông báo hủy bỏ khoản viện trợ 300 triệu USD cho Pakistan. Đây là khoản viện trợ mà Mỹ đã trì hoãn trước đó do cáo buộc  Islamabad không có hành động đối phó các tay súng Hồi giáo cực đoan ẩn náu trên lãnh thổ nước mình. Ngoài số tiền trên, Washington hồi đầu năm cũng đã cắt khoản viện trợ khác trị giá 500 triệu USD cho Pakistan.

Cũng trong ngày thứ bảy, Tổng thống Trump dọa gạt Canada ra khỏi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mới. Trên Twitter, ông Trump viết: “Việc giữ Canada trong một thỏa thuận NAFTA mới không phải là điều bắt buộc về mặt chính trị. Nếu chúng ta không có được một thỏa thuận công bằng cho Mỹ sau hàng chục năm bị chèn ép, thì Canada sẽ bị gạt ra ngoài”. Trước đó, hôm 27-8, Mỹ và Mexico đã đạt một thỏa thuận đột phá về NAFTA và đổi tên thành Hiệp định Thương mại Mỹ - Mexico, khiến Canada bị đẩy vào thế cô lập.

Thật ra, việc rút lui khỏi các thỏa thuận đa phương lẫn song phương để phục vụ mục tiêu “Nước Mỹ trên hết” đã diễn ra liên tục kể từ khi ông Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng đầu năm 2017. Trong ngày đầu tiên làm tổng thống, ông đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), rồi sau đó là Thỏa thuận Paris về ứng phó biến đổi khí hậu, Hội đồng nhân quyền LHQ, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), thỏa thuận hạt nhân Iran…Nhưng dường như xu hướng biệt lập đang tăng tốc thời gian gần đây khi mà nước Mỹ sắp bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 tới.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết